Cùng cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong, chúng tôi đến thăm gia đình thương binh Đặng Xuân Đích. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một thời khói lửa hào hùng đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên. ông Đích còn nhớ khi chiến dịch Đường 9 Nam Lào đang thời kỳ ác liệt. Với sức trẻ và nhiệt huyết, đang ngồi trên ghế nhà trường, ông đã khai thêm tuổi, viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1971, sau vài tháng huấn luyện ở xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, ông cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam vào đúng giáp Tết. Chiến trường ác liệt, hầu như người chiến sỹ không nhìn thấy mặt trời, ngày dưới lòng đất, đem lại hành quân. Trong 1 trận đấu ác liệt với địch vào tháng 5/1972, ông bị thương. Sau 10 ngày điều trị ở bệnh viện, ông tiếp tục trở về đơn vị tham gia chiến đấu. Năm 1974, ông xuất ngũ trở về tham gia công tác ở xã.
Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong thăm gia đình thương binh Đặng Xuân Đích phát triển kinh tế từ kinh doanh dịch vụ nông nghiệp.
Ông Đích bộc bạch: "Tôi là một trong những người lính may mắn trở về khi đất nước thống nhất. Phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ "thương binh tàn nhưng không phế”, tôi nghĩ mình có trách nhiệm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và xã hội”. Năm 1975, ông Đích lập gia đình với cô giáo cùng xã và sinh được 5 con. Thời kỳ này, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Không cam chịu nghèo, thương binh Đặng Xuân Đích cùng gia đình cần cù làm ăn. Được các đồng chí lãnh đạo xã tạo điều kiện, anh em ở Nông trường tạo điều kiện cho vay vốn, ông Đích mạnh dạn phát triển sản xuất. Thời kỳ đầu, gia đình trồng đậu tương, khoai sọ, phát triển chăn nuôi lợn nái cũng chỉ đủ cái ăn, cái mặc. Sau này, ông cùng các hộ dân trong xã mạnh dạn chuyển sang trồng mía, cộng với kinh doanh vật tư nông nghiệp, cuộc sống gia đình dần khấm khá, nuôi dạy con cái học hành đầy đủ.
Nay, tuy được hưởng chế độ thương binh hạng 4/4, nhiễm chất độc hóa học, các con đã trưởng thành nhưng hai vợ chồng ông vẫn duy trì trồng 3.000 m2 mía, kinh doanh đại lý vật tư nông nghiệp, trồng 3.000 m2 cam, chanh, bưởi. Thu nhập bình quân từ phát triển kinh tế gia đình đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Đích luôn tâm niệm: Khi còn sức khỏe là tiếp tục cống hiến. Đây cũng là cách mà ông rèn luyện để sống vui, sống khỏe. Là đảng viên, thương binh, ông Đặng Xuân Đích luôn gương mẫu cùng gia đình động viên bà con hàng xóm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH ở xã.
Hương Lan