(HBĐT) - Vào tháng 1/2018, lần đầu tiên cộng đồng cả nước tôn vinh những người lao động trực tiếp tham gia công việc quét rác, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, những người chuyên nạo vét cống, rãnh, kênh rạch thông qua tổ chức xét chọn "Cây chổi vàng”. Chị Nguyễn Thị Tâm (ảnh) công tác tại tổ vệ sinh môi trường số 3, Công ty CP Môi trường Đô thị Hòa Bình là 1 trong số 100 lao công trên cả nước đón danh hiệu cao quý này.


Vượt lên khó nhọc

Căn hộ tầng 4 tại một khu tập thể cũ kỹ thuộc tổ 13, Tân Thịnh (thành phố Hòa Bình), chốn đi về bao năm nay của chị là nơi tôi gặp chị, người phụ nữ có vóc dáng mảnh mai nhưng trong đó là cả nghị lực phi thường. Xác định chỉ tranh thủ được chút thời gian chị có mặt ở nhà, bởi chỉ ít phút nữa, chị lại tiếp tục bận rộn với công việc của mình từ cuối ngày hôm trước cho tới sáng ngày hôm sau. Câu chuyện về chị, về nghề lao công bắt đầu cách đây tròn 10 năm cũng là thời điểm gia đình chị lâm vào hoàn cảnh bế tắc. Con gái đầu của chị bị khuyết tật về mắt bẩm sinh bước vào lớp 1, con gái thứ 2 đang học mẫu giáo trong khi cả hai vợ chồng chị đều làm ngoài, công việc phập phù, không ổn định. Bằng cách nhìn về phía trước, học cách vươn lên và xác định đây là công việc phù hợp với mình, chị đã không ngại khó, ngại khổ, tự khắc phục hoàn cảnh, cố gắng hoàn thành tốt công việc mới, mọi nhiệm vụ công ty giao cho.

Năm 2007, chị được Công ty CP Môi trường Đô thị Hòa Bình nhận vào làm công nhân. 5 năm sau đó với những nỗ lực không mệt mỏi, xung phong đảm nhiệm những phần việc khó, chị được đơn vị và các anh, chị em trong tổ tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường số 3. Tháng 3/2015, chị vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, là ủy viên BCH Đảng bộ Công ty, Phó Bí thư chi bộ sản xuất. Cũng từ đây, chị phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, điều hành Tổ vệ sinh môi trường số 3. Đây là tổ sản xuất có 14 lao động nữ, tuổi đời bình quân của chị em khá trẻ, 50% là đoàn viên thanh niên, 100% là đoàn viên công đoàn.

Nguyện gắn bó với nghề làm đẹp các nẻo đường, góc phố

Tổ vệ sinh môi trường số 3 đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường tại địa bàn các phường Tân Thịnh, Thịnh Lang, Hữu Nghị. Việc thu gom rác đường phố ban ngày từ 6h30 đến 17h30. Công việc quét rác đường phố ban đêm từ 18h đến 6h sáng ngày hôm sau. Đồng thời, tổ của các chị phải vận chuyển thủ công khối lượng rác thu được đến các điểm tập kết để đưa đi xử lý. Ngoài ra, khi có các sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố, tổ phải tăng cường các công việc đột xuất, cụ thể là đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ các sự kiện.

Để vừa hoàn thành khối lượng công việc của mình như mọi công nhân khác, vừa quản lý, điều hành tốt việc chung của tổ, chị Tâm đã động viên các thành viên khắc phục khó khăn về công việc nặng nhọc, độc hại, sự khắc nghiệt của thời tiết nắng mưa, rét mướt, đồng thời tiên phong làm tốt công việc của mình, không quản ngại khuya sớm. Chị còn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân thuộc địa bàn làm việc của tổ, thường xuyên và tích cực vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường, đề nghị các hộ đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, nhắc nhở các gia đình cần có dụng cụ chứa rác, không xả rác trực tiếp xuống đường phố. Đều đặn mỗi tháng, chị thu xếp thời gian phù hợp trực tiếp gặp các tổ trưởng dân phố để tiếp thu ý kiến nhận xét về chất lượng công việc của tổ cũng như có dịp trao đổi, kiến nghị với nhân dân những việc cần làm để chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Những cố gắng không mệt mỏi của chị làm đẹp, xanh, sạch hơn môi trường thành phố Hòa Bình, thể hiện bằng năng suất, hiệu quả công việc. Cùng với các chị em trong tổ, mỗi năm, tổ vệ sinh môi trường số 3 hoàn thành thu gom rác ở 1.758 km đường phố, thực hiện quét rác với 27, 3 triệu m2, tổng lượng rác thu gom 3.757 tấn, doanh thu đạt 2, 7 tỷ đồng. Bằng những công việc thầm lặng mỗi tối, mỗi đêm, chị Tâm đã bao năm tận tụy, bền bỉ, miệt mài để mỗi sáng, từng góc phố, con đường, mỗi khu dân cư luôn sáng đẹp. Chị tâm sự, đây là công việc chị nguyện sẽ gắn bó suốt đời. ở đây, tập thể chị em luôn đoàn kết, đồng lòng, tương trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc sống của những lao công như chị còn đầy vất vả, khó khăn nhưng với chị, niềm tin luôn rạng ngời bởi chị được công hiến, tâm huyết với công việc đang làm. Động lực để chị luôn cố gắng là hai cô con gái học giỏi, chăm ngoan. Mặc dù bị khuyết tật bẩm sinh nhưng con gái lớn 10 năm qua đều là học sinh giỏi. Con gái thứ 2 hiện học lớp 7 cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi 7 năm liền.

Với những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, làm xanh - sạch - đẹp đô thị nói riêng, chị Nguyễn Thị Tâm - "Cây chổi vàng” đầu tiên của tỉnh được vinh danh cấp toàn quốc đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh, của thành phố Hòa Bình với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và thành tích phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

 

Bùi Minh

Các tin khác


Thương binh Đặng Xuân Đích nêu gương “tàn nhưng không phế”

(HBĐT) - Trở về với cuộc sống đời thường, thương binh Đặng Xuân Đích, xóm Nam Thái, xã Nam Phong (Cao Phong) phải đối mặt với không ít khó khăn. Thế nhưng phát huy phẩm chất "bộ đội Cụ Hồ”, ông tiếp tục vươn lên, trở thành người thương binh "tàn nhưng không phế”.

Cô Hiệu trưởng tâm huyết với nghề

(HBĐT) - Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được ngành giáo dục thực hiện nhiều năm qua. Từ cuộc vận động này, nhiều thầy, cô giáo vượt lên chính mình để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Nữ chiến sĩ nuôi quân hai giỏi

(HBĐT) - Đến với nghề nấu ăn như cái duyên và gắn bó trong suốt quãng đời công tác, đại úy Xa Thị Xuân Diệu - Đội trưởng Đội Hành chính quản trị, Công an tỉnh luôn trăn trở làm sao phục vụ cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) tốt nhất, làm sao giúp đồng đội có đủ sức khỏe để công tác, chiến đấu. Nghề nấu ăn tưởng chừng là công việc giản đơn nhưng thực tế đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và trên hết là tâm huyết, trách nhiệm với nghề.

Người tiên phong đưa cây bưởi đỏ lên đồi ở xã Tử Nê

(HBĐT) - Đó là anh Phạm Khắc Thường, sinh năm 1966 ở xã Tử Nê (Tân Lạc). Cách đây 5 năm, khi anh mạnh dạn đưa cây bưởi đỏ lên trồng ở trên đồi, không ít hộ làm vườn trong vùng lo ngại, hồ nghi. Còn hiện giờ, mọi người đều thán phục. Hàng chục hộ đã nhìn vào anh học tập, làm theo, cũng đưa cây bưởi đỏ lên đồi.

“Vua cam V2” trên đất Phú Thành

(HBĐT) - Xã Phú Thành hiện là một trong những vùng trọng điểm trồng cam cho năng suất, sản lượng cũng như vị thơm ngon đặc trưng của vùng đất Lạc Thủy. Đi đầu trong phong trào không thể không nói đến trang trại cam của một phụ nữ được mệnh danh là "Vua cam V2” trên vùng đất này.

Thành công từ mạo hiểm, kiên trì với cây cam

(HBĐT) - "Mình mà không mạo hiểm, kiên trì bám trụ với cây cam thì chắc cuộc sống của gia đình giờ vẫn khó khăn lắm” - vừa chỉ tay ra vườn cam, ông Trần Văn Nghị, trú tại Đội 3, khu Nam Thượng, thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) chia sẻ. Sau 10 năm không ít lần gặp khó khăn, thất bại, vườn cam đã đem lại cho gia đình ông thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục