Trước đây, cũng như hầu hết các gia đình tại thôn Đa Sỹ, gia đình Chiến sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Nhà đông anh em lại là con cả nên sau khi tốt nghiệp THCS, Chiến phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, bươn trải kiếm tiền, giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Vốn yêu thích nghề mộc từ nhỏ nên sau khi nghỉ học, Chiến đã xin đi phụ việc tại một số xưởng mộc ở xã. Vài năm sau, Chiến xin bố mẹ cho đi học nghề tại một số xưởng mộc lớn tại Hưng Yên và TP Hà Nội.
Đoàn viên Nguyễn Văn Chiến năng động trong phát triển kinh tế bằng nghề mộc.
Gần chục năm học nghề, Chiến đã tự làm được những sản phẩm đồ gỗ cao cấp. Với sự trợ giúp, ủng hộ của gia đình, Chiến quyết tâm xây dựng xưởng mộc cho mình ngay tại nhà. Chiến vay vốn của anh em họ hàng và Ngân hàng NN&PTNT với số tiền gần 200 triệu đồng để đầu tư mua thiết bị, máy móc và xây dựng nhà xưởng làm nghề.
Ban đầu, sản phẩm làm ra chủ yếu là các vật dụng đơn giản cho bà con. Dần dần, cơ sở sản xuất của Chiến ngày càng đông khách đặt hàng do các sản phẩm làm ra được bà con ưa chuộng. Nhờ thế, không chỉ trong thôn, trong xã mà cả các địa phương khác cũng biết và tìm đến đặt hàng. Hiện nay, xưởng Mộc của Chiến nhận làm tất cả các mặt hàng từ đơn giản đến cao cấp. Công việc ngày càng nhiều, Chiến thuê thêm 5 công nhân là đoàn viên thanh niên trong thôn đến làm. Thu nhập của mỗi công nhân sau khi đã thành thạo nghề đạt từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Xuất thân từ gia đình nghèo nên khi tạo được việc làm cho các công nhân là đoàn viên thanh niên tại thôn với mức thu nhập như vậy, Chiến rất vui và tự hào. Anh chia sẻ: Niềm đam mê đối với nghề mộc và ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương chính là động lực giúp tôi có được kết quả ngày hôm nay. Tôi mong muốn từ sẽ tạo thêm việc làm cho các đoàn viên thanh niên trong thôn.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, Chiến còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động tại xã, nhất là công tác Đoàn. Đồng thời bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Với thu nhập bình quân mỗi năm gần 200 triệu đồng là kết quả khích lệ đoàn viên Nguyễn Văn Chiến tiếp tục đạt được kết quả cao hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Trần Trang
(Đài Lương Sơn)