(HBĐT) - Là cơ sở tiên phong đưa túi giấy sinh học đựng thực phẩm vào thị trường người tiêu dùng của Hòa Bình, anh Vũ Đăng Biên, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) đã mạnh dạn đưa ý tưởng "Phát triển công nghệ túi giấy sinh học đựng thực phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sống” tham dự cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình lần thứ II, năm 2019”. Ý tưởng của anh Biên đã đoạt giải nhì tại cuộc thi.


Anh Vũ Đăng Biên tại cơ sở sản xuất túi giấy sinh học đựng thực phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Anh Biên cho biết: Hồi nhỏ, thấy các bà, các mẹ đi chợ về hoặc thu hoạch sản phẩm nông nghiệp đem ra chợ bán thường bó bằng những sợi lạt tre, gói trong lá dong, lá chuối… Thời sinh viên đi làm thuê bán hàng, đầu bếp, tôi nhận thấy thói quen sử dụng túi nilon, hộp xốp đựng đồ ăn không tốt. Các dạng túi nilon, hộp xốp khi gặp nhiệt độ nóng sẽ sinh độc tố và nhiễm vào đồ ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, khi thải ra môi trường khó phân hủy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Từ đó, tôi quan tâm tìm hiểu, ấp ủ và thực hiện ý tưởng khởi nghiệp "Phát triển công nghệ túi giấy sinh học đựng thực phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sống”.

Ý tưởng, dự án khởi nghiệp được thực hiện dưới loại hình sản xuất, kinh doanh hợp tác xã (HTX). Chiến lược phát triển chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, HTX tập trung sản xuất, kinh doanh các túi đựng bánh mỳ, đồ ăn nhanh nhằm phục vụ thành viên và tích lũy, gia tăng vốn, đồng thời phát triển thành viên, mở rộng quy mô HTX. Giai đoạn 2 tập trung nguồn lực, kêu gọi đầu tư, tăng vốn để mở rộng quy mô đầu tư dự án; xây dựng cơ sở hạ tầng, mua thêm máy móc, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Với máy móc hiện đại, có thể sản xuất 60.000 túi/ngày. Dự kiến, năm đầu tiên đưa dự án vào sản xuất và phân phối 300 vạn sản phẩm. Năm thứ 2 là 390 vạn sản phẩm, lợi nhuận ước đạt trên 600 triệu đồng/năm. Năm thứ 3 trở đi sẽ tiếp tục tăng số lượng sản phẩm.

Anh Biên chia sẻ thêm: Sản phẩm túi giấy sinh học dùng đựng thực phẩm được sản xuất bằng giấy sinh học, có khả năng tự phân hủy ngoài môi trường thiên nhiên. Sản phẩm khi sản xuất không dùng các hóa chất độc hại đến sức khỏe con người, độ dày, độ dài của giấy phù hợp với công năng đựng thực phẩm, an toàn, tiện ích. Với các sản phẩm và dịch vụ chủ yếu: túi đựng bánh mì, đồ ăn nhanh… đã được anh đưa vào sản xuất, đưa ra thị trường sử dụng thử nghiệm từ năm 2015. Tại mỗi cửa hàng, sau 1 tháng thực hiện, anh đều quay lại lấy ý kiến đánh giá của khách hàng và nhận được phản hồi tích cực.

Thời gian đầu, anh nhập nguyên liệu từ nước ngoài về gia công bằng thủ công nên những sản phẩm chưa được đồng đều, độ thẩm mỹ chưa cao, chưa đáp ứng được số lượng đặt hàng. Hiện nay, anh đã mở rộng quy mô và đưa ra nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp hơn, sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, cơ giới hóa trong sản xuất nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và các đại lý trong khu vực phía Bắc. Năm 2018, anh mang sản phẩm túi giấy sinh học đi giới thiệu tại một số trung tâm thương mại ở các tỉnh, từ đó mở rộng thị trường cung cấp sản phẩm. Hiện đã xây dựng được một số điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm và dự kiến làm đại lý phân phối trong khu vực thành phố Hòa Bình, các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hà Nội...

Không chỉ dừng lại ở một ý tưởng và dự án, chàng trai trẻ Vũ Đăng Biên quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm chất lượng vì sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hồng Duyên


Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục