(HBĐT) -Thân thiện, hòa đồng là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc, trò chuyện với chị Đỗ Thị Dung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện Hòa Bình. Người phụ nữ trẻ có trái tim ấm vẫn hàng ngày, hàng giờ âm thầm mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình gặp phải hoàn cảnh bất hạnh. "Hạnh phúc không tự nhiên mà có, nó đến từ chính hành động của bạn” là câu nói mà chị Dung luôn tâm đắc, hướng đến trong cuộc sống.
Chị Đỗ Thị Dung (thứ 3 từ trái sang), Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện Hòa Bình trao tặng quà, bò giống và tiền trong 3 năm liên tiếp (2018-2020) cho cháu Bùi Văn Hạ, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
Trở về quê hương hiện thực hóa ước mơ
Sinh ra và lớn lên tại tổ 1, phường Thái Bình (TP Hòa Bình), sau khi tốt nghiệp THPT, chị Dung học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Ở đó, chị bén duyên với những hoạt động tình nguyện, từ thiện do trường, lớp thường xuyên tổ chức. Cảm thấy được niềm vui, hạnh phúc qua những việc làm đó, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân Báo chí loại giỏi, chị trở về quê hương và theo đuổi ước mơ thiện nguyện của mình.
Đề hiện thực hóa ước mơ, chị Dung nảy ra ý tưởng thành lập một nhóm thiện nguyện để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Sau 1 tháng chia tay giảng đường đại học, năm 2015, CLB Thiện nguyện Hòa Bình ra đời với 10 thành viên ban đầu, chủ yếu là những người trẻ đang đi làm và học sinh, sinh viên có chung tấm lòng nhân ái. Chị Dung chia sẻ: "CLB Thiện nguyện Hòa Bình là tâm huyết, cũng là lý tưởng sống của tôi. Đây là nơi để các thành viên giao lưu, học hỏi, gắn kết với nhau cùng thực hiện hoạt động xã hội mang tính chất tự nguyện như hiến máu nhân đạo, giúp đỡ trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người neo đơn…”.
Ban đầu, chị chỉ nghĩ thành lập một nhóm nhỏ để hoạt động, nhưng sau vài lần tổ chức hiệu quả, việc kêu gọi quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ nhiều trường hợp, CLB được nhiều người biết đến và đăng ký tham gia. Hiện, số thành viên CLB lên đến gần 100 người. Sau 5 năm hoạt động, "đứa con tinh thần” của chị đã đi khắp 10 huyện, thành phố trong tỉnh, tổ chức hàng trăm chương trình lớn, nhỏ như tặng cặp sách cho học sinh, hỗ trợ đồng bào bão lũ, đông ấm vùng cao, Tết thiếu nhi,... nhất là ở vùng sâu, xa, đến cả những tỉnh bạn như Sơn La, Lào Cai hay khu vưc miền Trung. Đặc biệt, chị cùng các tình nguyện viên CLB đã kêu gọi giúp đỡ cho hơn 50 trường hợp khó khăn có kinh phí điều trị bệnh hiểm nghèo.
Chị xúc động nhớ lại kỷ niệm chuyến đi cứu trợ bão lũ cho người dân tỉnh nhà sau cơn lũ ống, lũ quét năm 2017 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các huyện Đà Bắc, Tân Lạc... với hàng trăm suất quà; cứu trợ đồng bào miền Trung tháng 10/2016; cứu trợ đồng bào huyện Mường La (Sơn La) tháng 8/2017, hỗ trợ xây bể nước cho điểm trường vùng cao tỉnh Lào Cai tháng 3/2019. Sau 5 năm, CLB đã trao hơn 10.000 suất quà cho trẻ em trong tỉnh; hỗ trợ con giống, xây dựng nhà tình thương, tiền mặt... với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ gia đình khó khăn. "Ở nhiều nơi người dân còn khổ lắm, chưa được bằng mình nên tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, giúp họ cũng là trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng xã hội” - chị Dung tâm sự.
Là người truyền lửa đầy nhiệt huyết, tinh thần của nữ chủ nhiệm đã lan tỏa đến toàn thể thành viên CLB. Tình nguyện viên Bùi Thị Tâm, Phó Chủ nhiệm CLB chia sẻ: "Chị Dung là người có trái tim hướng thiện, luôn nung nấu góp một phần sức nhỏ giúp cuộc sống vơi bớt những mảnh đời bất hạnh. Tôi nhớ nhất chuyến đi tặng quà cùng chị đến xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) sau khi chị đọc được bài báo "Ghi ở xóm nghèo nhiều không” trên Báo Hòa Bình điện tử đăng ngày 13/9/2016. Thời điểm đó, xóm Pheo chưa có điện, đường đi khó khăn. Chuyến đi bắt đầu từ 5h, sau khi đến trụ sở UBND xã, chị Dung chủ động thuê một chiếc xe tải cỡ nhỏ của người dân địa phương đi đến xóm Pheo. Chuyến đi đó, chúng tôi mang đến cho bà con khoảng 1 tấn quần áo, chăn màn; 70 đôi giày, dép. CLB đã mua 90 đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời tặng tất cả các hộ dân trong xóm; trên 100 suất quà cho học sinh; tặng chăn mới cho 5 hộ khó khăn nhất”. Sức lan tỏa từ những nghĩa cử cao đẹp đã giúp "đứa con tinh thần” của chị ngày một trưởng thành hơn.
Thầm lặng "gieo” hy vọng cuộc sống
Với mục tiêu hướng đến thực chất, không phô trương, ngoài tặng tiền hỗ trợ, chị Dung trực tiếp liên hệ với các bác sỹ để đưa người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện tỉnh hoặc Trung ương. Từ đó, tiếp tục lên phương án kêu gọi các nhà hảo tâm và thành viên CLB giúp đỡ về viện phí, thuốc men, chi phí ăn ở đi lại của người bệnh. Nhờ đó, hàng chục trường hợp trong tỉnh đã được cứu sống và phục hồi chức năng.
"Cô Dung là người mẹ thứ hai sinh ra con. Sau này, con lớn sẽ nhận cô làm mẹ nuôi và nói lời cảm ơn cô!”- đó là lời nhắn nhủ của người cha Hà Văn Chưởng, xóm Thượng, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đến con trai H.M.C hơn 3 tuổi. Thời điểm gần 2 tuổi, bé còi cọc, thân hình chỉ như bé sơ sinh nặng chưa đầy 6 kg, chưa biết nói, biết đi. Tháng 6/2018, chị quyên góp được 40 triệu đồng và đưa bé xuống Bệnh viện Nhi Trung ương để chữa trị. Thông qua báo chí, chị kết nối ủng hộ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước được hơn 200 triệu đồng duy trì việc chữa bệnh. Hiện, bé đã bập bẹ những tiếng nói đầu đời, có thể tự đứng lên đi lại bằng đôi chân của mình, cân nặng tăng lên 13kg, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. "Cô Dung vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu. Gia đình chúng tôi biết ơn cô lắm, nhờ có cô và các tình nguyện viên mà cuộc sống của cháu được tái tạo lại một lần nữa” - anh Hà Văn Chưởng xúc động gửi gắm tâm tư.
Nhớ lại năm 2017, qua mạng xã hội facebook, chị biết đến trường hợp em Bùi Thị Thảo, xóm Liếm, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) bị lệch thủy tinh thể bẩm sinh. Chị lại vận động ủng hộ và đưa cháu đến Bệnh viện Nhi T.Ư để mổ mắt. Suốt quá trình nằm viện, các tình nguyện viên thay nhau trông nom, chăm sóc. Sau 1 tháng mổ thành công phục hồi chức năng mắt, Thảo đã có thể nhìn rõ hơn, học tập theo kịp các bạn và hơn hết là tương lai của Thảo được thắp lên như chính ánh mắt đang sáng lên từng ngày. Có lẽ, chính người bệnh và gia đình thấu hiểu hơn ai hết tấm lòng cao cả, thiện tâm của chị Dung.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị Dung mong muốn CLB phát triển nhánh nhỏ ở các huyện, hướng đến các hoạt động như dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo, thăm nom các cụ già neo đơn, giúp sửa nhà dân, làm đường; tiếp tục tặng quà ở các xóm đặc biệt khó khăn trong tỉnh...
Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng và xã hội, chị Đỗ Thị Dung vinh dự được Cộng đồng tình nguyện Việt Nam tôn vinh là 1 trong 100 thủ lĩnh tình nguyện Việt Nam tiểu biểu tại Lễ tôn vinh tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng năm 2019.
Thanh Sơn
(HBĐT) - Vừa là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Cao Phong, hội viên Hội Người trồng cam Cao Phong, vừa là hội viên người cao tuổi (NCT) thị trấn Cao Phong, nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Dũng ở khu 2, thị trấn Cao Phong được Hội NCT huyện Cao Phong tôn vinh là hội viên tiêu biểu trong phong trào thi đua "NCT tham gia phát triển KT-XH, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”.
(HBĐT) - Tại Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình năm 2019, khách thăm quan và người tiêu dùng chú ý nhiều đến sản phẩm cam trứng được huyện Lạc Thủy đem đi giới thiệu. Sản phẩm do anh Vũ Duy Tân (SN 1984), thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất, đồng thời là người "khai sinh" cam trứng đặt cho tên gọi, xuất phát từ việc cho cây cam "ăn" trứng.
(HBĐT) - "Nếu tất cả mọi người chọn nơi thuận lợi thì ai sẽ là người đến nơi khó khăn. Tôi còn trẻ, muốn thử sức, muốn cống hiến để những trẻ em nơi biển, đảo xa xôi không bị thiệt thòi. Tôi sẽ ở đây lâu dài và không hối hận về quyết định của mình”. Đó là lời tâm sự của cô giáo Ngần Thị Minh, giáo viên trường liên cấp dảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).
(HBĐT) - Khu đất rộng hơn 300 m2 ở xóm Vãng, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) được cán bộ người dân tộc Mông Sùng A Chênh, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện mua lại từ năm 2005, 2006. Năm 2007, anh cất một ngôi nhà nhỏ để tiện cho việc công tác dưới huyện. Kế bên, anh xây dãy nhà trọ gồm 7 phòng với khu nấu ăn riêng, nhà vệ sinh khép kín. Nhiều người nghĩ anh làm thế để kinh doanh, song kỳ thực không phải vậy.
(HBĐT) - Bưởi da xanh là giống bưởi đặc sản, có vị ngọt thanh, tép róc nước, múi to… Sau hơn 10 năm được trồng ở Hòa Bình, nhiều nông dân đã nản bởi cây rất khó chăm, kháng chịu sâu bệnh kém, cho thu chính chỉ được vài năm, cho quả một vụ như giống bưởi miền Bắc. Nhưng có một người đang nắm giữ bí quyết chăm sóc bưởi da xanh cho cây xanh tốt, ra hoa, quả quanh năm. Đó là ông Nguyễn Văn Thảo ở xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình).
(HBĐT) - Về xóm Thôi Bạ, xã Thạch Yên (Cao Phong), chúng tôi được nghe nhiều lời ngợi khen chị Bùi Thị Yến, người phụ nữ đảm đang, nhanh nhẹn, luôn hết lòng với những hoạt động của các hội, đoàn thể. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Yến hăng say lao động, sản xuất, quyết tâm thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.