(HBĐT) - Ở xã Yên Bồng (Lạc Thuỷ), ai cũng biết nhà vườn Hà Thắng - cơ sở kinh doanh của anh Dương Văn Thắng. Ông chủ của nhà vườn cũng là Bí thư chi Đoàn thôn Đồi Chùa. Không những năng nổ, nhiệt huyết trong các hoạt động, phong trào Đoàn, anh Thắng còn sở hữu mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.


Anh Dương Văn Thắng, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) giới thiệu hoa phong lan trong mô hình Vườn hoa cây cảnh của mình.

Sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý kinh tế, trường Đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), anh Dương Văn Thắng đã lựa chọn trở về Lạc Thuỷ, nơi mình sinh ra và lớn lên để lập nghiệp.

Là trụ cột của gia đình, anh Thắng luôn trăn trở, nghiên cứu cách để làm giàu chính đáng. Nhận thấy nhu cầu chơi hoa của người dân ngày càng nhiều, đây chính là thị trường tiềm năng để phát triển kinh tế. Sau khi nghiên cứu đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, vợ chồng anh nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp với mô hình Vườn hoa cây cảnh trên mảnh đất của gia đình, diện tích 700 m2.

Với số vốn gần 20 triệu đồng, cuối năm 2017, vợ chồng anh Thắng mạnh dạn đầu tư mua giống hoa hồng về trồng thử nghiệm. Kinh nghiệm trồng trọt không nhiều, nhưng với nhiệt huyết, sự năng động của tuổi trẻ, anh Thắng đã đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước để thăm quan các mô hình nhà vườn, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, anh chủ động mua giống, tìm hiểu kiến thức về cách trồng, chăm sóc cây qua tài liệu, chương trình truyền hình, internet… Sau đó, anh mạnh dạn tự nhân giống cây trồng để giảm thiểu nguy cơ rủi ro. Trước đây, nhà vườn Hà Thắng đều phải nhập cây giống từ các nhà vườn, làng nghề, nhưng sau khi tự nhân giống cây thành công, hiện nay, anh đã tự nhân giống, lai tạo được giống cây cho nhà vườn của mình. Mô hình phát triển kinh tế của anh chủ yếu là hoa hồng, phong lan, bên cạnh đó còn có hoa giấy, mẫu đơn, nhài Nhật… Các sản phẩm được bán không có giá cố định, tuỳ từng loại cây và thời điểm trong năm, dao động trong khoảng từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, mô hình Vườn hoa cây cảnh của gia đình anh Dương Văn Thắng đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định, giúp nâng cao thu nhập. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mô hình mang lại cho gia đình anh Thắng lợi nhuận 200 triệu đồng. Anh Dương Văn Thắng chia sẻ: "Trong thời gian tới, tôi mong có thể mở rộng diện tích phát triển mô hình, tự nhân giống nhiều loại hoa, cây cảnh mới, đầu tư công nghệ tiên tiến trong việc trồng, chăm sóc cây nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện nay, diện tích đất của gia đình hạn chế nên tôi chưa thực hiện được”.

Đồng chí Trần Ngọc Thắng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Bồng cho biết: "Không chỉ là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, thành viên tích cực của câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp xã, đồng chí Thắng còn nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào, cuộc vận động do Đoàn xã tổ chức. Thường xuyên tuyên truyền về các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí xứng đáng là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên xã Yên Bồng học tập, noi theo”.


Linh Nhật

Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục