(HBĐT) - Đừng "trói” mình với một con đường lập nghiệp duy nhất, hãy nghĩ khác, thậm chí là đi ngược lại với những tư duy thông thường. Đó là điều chúng tôi đúc kết khi được gặp gỡ với những gương sáng đã lập nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương.


Cụ Trần Văn Hùng, xóm Tân Hương, xã Thanh Hối (Tân Lạc) luôn tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng vườn bưởi của gia đình. 

Chuyện về một người "cũ” sợ "chai” não

Bước sang tuổi 85 nhưng cụ chỉ nhận mình là tuổi cao chứ chưa phải là già. Cụ bảo: "Tuổi càng cao thì càng phải chăm vận động, tìm tòi, suy ngẫm vì tôi sợ nếu mình ở yên một chỗ thì sẽ bị "chai” não”. Người có nỗi sợ "chai” não đó là cụ Trần Văn Hùng, xóm Tân Hương, xã Thanh Hối - người đã gặt hái được những thành công với mô hình trồng bưởi đỏ nổi tiếng ở huyện Tân Lạc. Đã nhiều lần lên báo, đài của T.Ư, địa phương và có tiếng trong Hội Làm vườn nhưng lần nào gọi điện, cụ cũng vui vẻ dành thời gian để chia sẻ về những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, cũng như cuộc sống. Cụ Hùng là cựu chiến binh đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sau này làm lái xe cho cơ quan Nhà nước. Với thu nhập ít ỏi, lại có đến 7 người con nên cuộc sống rất khó khăn. Để thoát cảnh đói nghèo, trên mảnh đất 5.000 m2, cụ và gia đình nhiều lần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ trồng rừng, trồng mía, rồi các loại cây ăn quả khác, nhưng mồ hôi thấm đẫm vào đất mà thành quả vẫn chẳng thấy đâu. Đằng đẵng những đêm dài mất ngủ, cuối cùng cụ tình cờ gặp "cây vàng” trong một lần về quê ăn giỗ tại huyện Đan Phượng (Hà Nội). "Sau khi ăn cỗ, chúng tôi được mời ăn bưởi tráng miệng. Giống bưởi có múi màu đỏ bắt mắt, ăn lại rất thơm và ngọt. Tôi đã tìm hiểu và sau này chiết cành về trồng ở vườn nhà. Thật may, cây bưởi đỏ rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, cây phát triển nhanh và cho chất lượng quả thơm ngon” - cụ Hùng chia sẻ. 

Đến nay, vườn bưởi của cụ Hùng đã trên 20 năm tuổi. Thời điểm đầu khi cây bưởi đỏ mới bắt đầu được nhân rộng, gia đình vừa bán cành giống, vừa bán quả, đem lại thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Còn hiện nay, khi bưởi đỏ đã phủ khắp huyện, giá bán có phần sụt giảm so với trước, nhưng vườn bưởi rộng nửa ha vẫn đều đặn đem lại thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập cao là vậy, thế nhưng cụ chưa cảm thấy hài lòng với những gì mình đã đạt được nên vẫn chưa muốn "nghỉ hưu”, dù con cháu đều khuyên cụ nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư thái tuổi già. "Lê nin đã dạy: Học, học nữa, học mãi. So với trước đây thì đời sống đã khấm khá nhờ cây bưởi, nhưng phải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để hiểu, để yêu và chăm sóc cây ngày một tốt hơn. Hơn nữa, làm việc cũng là cách để luyện tập sức khỏe thể chất, tinh thần. Như thế, mình vừa có kinh tế, lại có sức khỏe, sao phải nghỉ ngơi tuổi già làm gì” - cụ Hùng hóm hỉnh chia sẻ. 

Hơn 20 năm trồng bưởi, cụ Hùng đã đúc kết cho mình những kinh nghiệm thực tế trong trồng, chăm sóc cây bưởi. Quan sát các bộ phận của cây, cụ biết cây đang thừa hoặc thiếu loại chất dinh dưỡng nào để điều chỉnh kịp thời. Thế nên, vườn bưởi của gia đình cụ năm nào cũng có những cây sai quả nhất nhì huyện, đạt từ 600 - 800 quả/cây. Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế cụ Hùng miệt mài cống hiến cho xã hội với nhiều lần đi chia sẻ kinh nghiệm, hay chia sẻ cho bà con tại nhà để họ tìm được hướng phát triển kinh tế. So với trước đây, hiện đời sống của bà con xóm Tân Hương, xã Thanh Hối đã khá giả, phần nhiều là nhờ trồng bưởi. Đời sống giàu có nhưng đường làng, ngõ xóm chưa đẹp, cụ Hùng lại tiếp tục đi tiên phong trong xây dựng vườn kiểu mẫu. 

Không có con đường nào là duy nhất

Trong câu chuyện về những người thành công với cây bưởi đỏ không thể không nhắc đến ông Phạm Khắc Thường, xã Tử Nê (Tân Lạc), người tiên phong đưa cây bưởi đỏ lên trồng ở đất đồi. Hơn 10 năm trước, khi cây bưởi đỏ đem lại giá trị kinh tế cao, diện tích trồng ngày một mở rộng nhưng chủ yếu trồng ở vùng đất bằng, nơi thuận lợi về nguồn nước tưới thì ông Thường đã nảy ra ý tưởng đưa cây bưởi đỏ lên đồi. Ý tưởng của ông Thường lúc bấy giờ có thể nói là lạ đời, thậm chí nhiều người cho rằng không khả thi, vì đất đồi cằn cỗi, không có nước tưới bưởi không thể phát triển được. Và đương nhiên, trước đó chưa ai trồng bưởi trên đồi cả. Để khắc phục những trở ngại và đưa bưởi lên trồng trên đồi, ông Thường mạnh dạn vay ngân hàng để múc đồi tạo mặt bằng, xây bể nước tưới cho bưởi. Quả thực, cây bưởi được trồng trên đồi phát triển có phần chậm hơn ở vùng đất bằng phẳng, nhưng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, rồi bưởi cũng không phụ công người. Quả bưởi được trồng trên đồi tròn đều, vỏ mỏng hơn, ngọt đậm đà hơn nên giá bán cao hơn. Đến nay, nhờ ý tưởng khác người ngày nào mà gia đình ông Thường đã có được nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế mới để nhiều người dân địa phương học tập. 

Một người thành công vì có nỗi sợ "chai” não. Còn một người lại có ý tưởng táo bạo, nghĩ "ngược” so với số đông và cũng gặt hái được thành công. Chưa nhiều tuổi như cụ Hùng, chưa trải đời nhiều như ông Thường, nhưng một chàng trai ở độ tuổi 9X cũng đã có được những thành công nhất định, khi anh đã cho bản thân mình hơn một sự lựa chọn trong hành trình lập thân, lập nghiệp. Chúng tôi đang nhắc đến anh Bùi Văn Tường (29 tuổi), xóm Sung, xã Thanh Hối (Tân Lạc). Sở dĩ nói như vậy, bởi sau khi tốt nghiệp đại học, anh Trường đã đi nhiều nơi tìm hiểu về các mô hình phát triển kinh tế, tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo, chứ không "đóng đinh” là phải vào Nhà nước.

Cơ hội đã đến với người biết kiên trì theo đuổi ước mơ, năm 2013, anh Trường được tham gia vào dự án chọn, tạo và nhân giống cây dổi ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn). Hơn 1 năm vừa học, vừa làm, anh Trường đã khởi nghiệp với vườn ươm giống cây dổi rộng 200 m2, với số vốn ban đầu chỉ 10 triệu đồng. Thế nhưng, với kiến thức 4 năm đèn sách ở trường đại học, kinh nghiệm học hỏi được từ thực tế và sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Trường đã có những bước tiến vững chắc. Đến nay, vườn ươm được mở rộng hàng nghìn m2, khách hàng ở khắp mọi miền đất nước. Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm là thành quả xứng đáng cho chàng kỹ sư trẻ đầy nghị lực này. "Ai cũng muốn có công việc ổn định, phù hợp với năng lực, sở trường và ngành nghề mình được đào tạo. Tuy nhiên, mình nghĩ nên cho bản thân nhiều cơ hội hơn để thử thách và trưởng thành, biết đâu lại tìm thấy hướng đi mới mà mình chưa từng nghĩ đến” - anh Trường chia sẻ. 

Ba nhân vật mà chúng tôi gặp, họ khác nhau về tuổi tác nhưng có điểm chung là đều khát khao, trăn trở làm giàu, có những suy nghĩ khác biệt với thành quả cuối cùng mà ai cũng đều hướng tới, đó là thành công. Một người "cũ” như cụ Hùng mà còn luôn trăn trở đổi mới, thì những người trẻ càng phải có những suy nghĩ mới hơn nếu không muốn mình "cũ” trước tuổi. Nói rộng ra, công cuộc xây dựng nông thôn mới sẽ nhiều thuận lợi nếu trong tư duy của mỗi chúng ta đều có những sự tươi mới.


Viết Đào

Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục