(HBĐT) - Trong những ngày của tháng 11, các thầy, cô giáo ở tất cả các trường học trong cả nước đang sôi nổi với nhiều phong trào, hoạt động thi đua dạy tốt để chào mừng ngày "lễ hội” của các thầy cô - những người làm công tác giáo dục. Ngày 20/11 hàng năm, từ lâu đã trở thành ngày lễ "tôn sư trọng đạo”, tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và đạo làm người cho bao lớp học trò nối tiếp nhau.
Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964.
Ảnh: TL
Lịch sử của ngày 20/11 được bắt đầu từ một Tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ thành lập ở Paris, Pháp vào tháng 7/1946 lấy tên là F.I.S.E (Fédertion International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục). Nǎm 1949, tại hội nghị Vacsxava, Ba Lan, tổ chức FISE đã xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ" bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Trong những nǎm kháng hiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã quan hệ với tổ chức FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam được kết nạp là một thành viên của FISE
Từ 26 đến 30/8/1957 tại thủ đô Vacxava, có 57 nước tham dự hội nghị FISE. Trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Ngày này, lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào năm 1958. Những nǎm sau đó, ngày này cũng được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam. Hàng nǎm, vào dịp kỷ niệm 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của anh chị em, giáo viên kháng chiến.
Sau ngày đất nước được thống nhất, giáo giới Việt Nam đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ý nghĩa của Quốc tế hiến chương các nhà giáo đã hoàn thành sứ mạng lịch sử với giáo giới Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến sự nghiệp GD&ĐT con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Suốt cả cuộc đời mình, Người đã dành biết bao tâm trí cho sự nghiệp giáo dục. Trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết''. Trong "Thư gửi cho học sinh”, ngày 5/9/1945, Bác viết: "Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: "Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng” vừa "chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Cho đến bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác lại nhấn mạnh yêu cầu của nền Giáo dục nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến...
Ngày nhà giáo Việt Nam (hay ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) đã là một ngày kỷ niệm được tổ chức hàng năm vào ngày 20/11. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020), nhiều hoạt động cũng đã được tổ chức trên phạm vi cả nước. Ngày này là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy cô giáo. Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục. Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt nam 20/11 hàng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
P.V (ST)
(HBĐT) - Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, anh Quách Đình Tuấn, Bí thư chi đoàn tổ 1, phường Dân Chủ (TP Hoà Bình) đã làm giàu trên mảnh đất quê hương, trở thành tấm gương cho nhiều thanh niên học tập.
(HBĐT) - Khu vườn nhà bà Bùi Thị Sinh ở khu dân cư Đồi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) trước đây chỉ là khu vườn tạp với vài luống rau cho nhu cầu hàng ngày của gia đình, vài ba cây ăn quả già cỗi... Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, khu vườn đã lột xác với những hàng thanh long xanh mướt mắt.
(HBĐT) - Nhiệt tình, hăng hái, luôn hết lòng với công việc, vì cộng đồng là cảm nhận của nhiều người dân, nhất là hội viên chi hội phụ nữ tổ 15, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình) khi nhắc tới bà Nguyễn Thị Đông, cán bộ phụ nữ đã về hưu với tấm lòng vàng. Năm nay, dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà Đông vẫn luôn quan tâm, dõi theo các hoạt động, công tác Hội Phụ nữ.
(HBĐT) - Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, anh Quách Đình Tuấn, Bí thư chi đoàn tổ 1, phường Dân Chủ (TP Hoà Bình) đã mạnh dạn làm giàu trên mảnh đất quê hương, trở thành tấm gương cho nhiều thanh niên học tập.
(HBĐT) - Bằng việc làm nhỏ bé với một tình yêu lớn, cô giáo Nguyễn Phương Lan, giáo viên dạy tiếng Anh trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) đã giúp đỡ, chia sẻ với những số phận không may mắn.
(HBĐT) - Có tấm lòng chia sẻ với cộng đồng, tham gia đóng góp cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM ở địa phương... Đó là việc làm ý nghĩa của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1980), xóm Đồng Tâm, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn). Cá nhân anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2015-2020.