(HBĐT) - Với địa bàn rộng, phần lớn các xã ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, diện tích rừng giao quản lý lớn. Song, với tình yêu nghề, yêu rừng, 12 đồng chí kiểm lâm địa bàn của Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc đã bám rừng, không quản ngại vất vả, hiểm nguy để bảo vệ màu xanh của rừng.


Anh Nguyễn Thanh Bình (bên phải), kiểm lâm địa bàn xã Tú Lý (Đà Bắc) báo cáo phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa hanh khô 2020 - 2021 cho lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện.

Anh Nguyễn Thanh Bình, kiểm lâm địa bàn xã Tú Lý chia sẻ: Yêu cầu quan trọng nhất đối với một kiểm lâm địa bàn là phải bám rừng. Không kể ngày nắng, ngày mưa đều phải tuần tra, kiểm tra rừng. Trung bình 1 tháng tôi có mặt tại địa bàn phụ trách khoảng 15 ngày. Trời nắng kiểm tra ở khu vực sâu trong rừng, trời mưa kiểm tra ở các lối vào rừng. Tôi thực hiện phương châm "3 bám” (bám chính quyền, bám rừng, bám dân) để làm nhiệm vụ. Thường xuyên phối hợp lực lượng kiểm lâm, quân sự, công an xã để nắm tình hình thực tế. Trên cơ sở đó lên kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); phối hợp các thành viên của 12 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tới từng hộ dân tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng; hướng dẫn từng hộ cách dọn thực bì, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp… Từ đó, ý thức bảo vệ, phát triển rừng của người dân xã Tú Lý được nâng cao. Nhiều năm liền Tú Lý không xảy ra cháy rừng, không có hiện tượng phá rừng. Năm 2020, toàn xã trồng được khoảng 70 ha rừng (tăng gấp đôi so với kế hoạch đề ra).

Là lực lượng lòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giữ vai trò gắn kết hoạt động của Hạt Kiểm lâm huyện với cơ sở, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã chủ động tham mưu UBND các xã xây dựng, triển khai văn bản, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn. Tham mưu chính quyền xã xử lý những trường hợp vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng phương án PCCCR. Lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ rừng ở các vùng giáp ranh, mua bán, tàng trữ lâm sản trái phép nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời… Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã xử lý hành chính 19 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu khoảng 40,8 m3 gỗ các loại và 5,1 tấn củi.

Đồng chí Nguyễn Viết Thành, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Lực lượng kiểm lâm địa bàn của huyện đã chủ động, sáng tạo trong công việc, thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Nhiều kiểm lâm địa bàn phụ trách những xã vùng sâu, vùng xa của huyện khi đi tuần tra, kiểm tra rừng không có sóng điện thoại, điều kiện sinh hoạt, đi lại khó khăn. Một số tình huống kiểm lâm phải mật phục ban đêm tại những điểm hay xảy ra vi phạm, trực tiếp đối mặt với những đối tượng vi phạm có sử dụng vũ khí tấn công, đe dọa đến tính mạng. Tháng 3, 4/2020, một số người dân lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã vào rừng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, phát rừng làm nương trái pháp luật. Để khắc phục tình trạng trên, lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp UBND các xã, thị trấn kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của người dân.

Với quyết tâm bảo vệ màu xanh của rừng, lực lượng kiểm lâm huyện Đà Bắc đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng. Từ năm 2010 đến nay, huyện không xảy ra cháy rừng. Toàn bộ hơn 47.640 ha rừng được bảo vệ, trong đó, rừng tự nhiên hơn 30.600 ha, rừng trồng hơn 17.000 ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định 61,1%. 122 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng được củng cố, kiện toàn với 950 người tham gia. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện trồng được hơn 460 ha rừng (rừng sản xuất 400 ha, phòng hộ 60,1 ha).


Thu Thủy


Các tin khác


Người chiến sỹ Công an “4 cùng”

(HBĐT) - Nhắc đến Thượng tá Bùi Phương Nghị, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), cán bộ, chiến sỹ (CBCS) trong tổ công tác đặc biệt tại xã Hang Kia (Mai Châu) gọi anh bằng cái tên thân mật: anh Nghị "4 cùng”. Bởi những nỗ lực mà anh và đồng đội ngày đêm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với Nhân dân bản Mông để xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ).

Người đi “lục lọi” những mảnh đời bất hạnh

(HBĐT) - Sống trong căn nhà tuềnh toàng giữa cánh đồng, vào ngày mưa đã khổ, mưa kèm theo rét thì cả gia đình chị Đinh Thị Thùy, xóm Báy, xã Phú Cường (Tân Lạc) chỉ biết co ro chống chịu. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, bởi giờ họ đã được che chở bởi "Mái ấm nhân ái”.

Hướng đi mạnh dạn của anh Thanh

(HBĐT) - Dám nghĩ, dám làm, anh Bùi Văn Thanh, ĐVTN xóm Đồi Bưng, xã Đông Lai (Tân Lạc) đã mạnh dạn đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên đất lúa. Không chỉ vậy, anh Thanh còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long ruột đỏ cho bà con trong xã và các xã lân cận.

Happy Farm - biến đam mê thành hiện thực

(HBĐT) - "Happy Farm sẽ là một làng nông nghiệp công nghệ cao tích hợp những giá trị tiêu biểu của sản xuất nông nghiệp hiện đại gắn với du lịch trải nghiệm, ứng dụng hệ thống tự điều khiển trên smartphone để kết nối người dùng - người trồng qua thế giới số…” - chàng thanh niên trẻ Đinh Thế Ngữ Tôn say sưa nói về dự án khởi nghiệp sáng tạo của nhóm mình, trong đó, Tôn giữ vai trò là trưởng nhóm.

Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp

(HBĐT) - Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, anh Quách Đình Tuấn, Bí thư chi đoàn tổ 1, phường Dân Chủ (TP Hoà Bình) đã làm giàu trên mảnh đất quê hương, trở thành tấm gương cho nhiều thanh niên học tập.

Người đưa mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu và vườn cây kiểu mẫu” vào thực tế cuộc sống

(HBĐT) - Khu vườn nhà bà Bùi Thị Sinh ở khu dân cư Đồi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) trước đây chỉ là khu vườn tạp với vài luống rau cho nhu cầu hàng ngày của gia đình, vài ba cây ăn quả già cỗi... Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, khu vườn đã lột xác với những hàng thanh long xanh mướt mắt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục