Bác sỹ Hiển chăm sóc vết thương cho một bệnh nhân bị chấn thương sọ não đang được điều trị tại Khoa

Bác sỹ Hiển chăm sóc vết thương cho một bệnh nhân bị chấn thương sọ não đang được điều trị tại Khoa

(HBĐT) - Tận tâm với nghề, đó là điều rất dễ nhận thấy ở bác sỹ Trương Như Hiển – Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh và ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hơn 10 năm khoác trên mình chiếc áo blu trắng, có lẽ chưa bao giờ người bác sỹ trẻ tuổi này cảm thấy hối hận bởi sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Anh từng tâm sự: “Trở thành bác sỹ là duyên, là nghiệp và là niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc đời tôi...”

 

Bác sỹ Trương Như Hiển sinh năm 1976 tại xã Cao Thắng (Lương Sơn). Được nuôi dưỡng trong một gia đình nề nếp có truyền thống làm nghề giáo, việc anh trở thành thầy giáo là điều hầu hết mọi người đều mong đợi. Với bản thân anh, chịu ảnh hưởng từ gia đình, ý niệm về nghề giáo đã định hình từ rất sớm. Lên THPT, anh yêu thích và học giỏi các môn tự nhiên, nổi trội nhất là môn vật lý. Đến lớp 12, trong suy nghĩ của Hiển, tương lai gần vẫn chỉ là cánh cổng trường đại học sư phạm. “Đại học Sư phạm I, khoa vật lý” gần như là thông tin chắc chắn Hiển sẽ điền vào hồ sơ tuyển sinh.

 

“Ấy thế mà tôi đã chọn trường y mặc dù trước đó, học môn sinh học rất dở… - Nhớ lại, Hiển cứ tủm tỉm cười. Ấn tượng về nghề y đến muộn nhưng mạnh đến mức anh không hề có chút ngần ngại khi quyết định dự thi trường Đại học Y Thái Nguyên, bất chấp trường hợp rất dễ xảy ra là… thi trượt! Thế là bắt đầu từ… cuối năm lớp 12, Hiển vùi đầu vào sách vở, tập trung tu luyện môn sinh học để hiện thực hóa ước mơ trở thành bác sỹ.

 

Định hướng nghề nghiệp bất ngờ thay đổi chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là thời gian Hiển được tiếp cận với nghề y thông qua vài lần cùng người chú (làm bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa huyện) đi khám - chữa bệnh miễn phí cho người dân bản địa. Lần đầu tiên, cậu bé lớp 12 chăm ngoan, hiền lành biết được thế nào là hành nghề y, hiểu được ý nghĩa đẹp đẽ cũng như sự cần thiết của nghề y đối với cuộc sống của mọi người. Suy nghĩ trong Hiển lớn dần lên từ những chuyến đi như thế. Sau này nhớ lại, anh cho rằng, đó là cơ duyên may mắn đã đưa anh đến với nghề y để bây giờ anh được vinh dự khoác trên mình chiếc áo blu trắng.  

 

Trương Như Hiển tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên tháng 9/2000. Về thử việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh nhanh chóng khẳng định được mình, đến đầu năm 2001 vào biên chế, công tác tại khoa Ngoại tổng hợp. Là người ham học hỏi, tận tâm với nghề, Hiển không dễ bằng lòng với những gì mình đã có, anh quyết tâm vừa học, vừa làm, bất chấp những áp lực vốn đã nặng nề đối với một bác sỹ trẻ. Được cơ quan tạo điều kiện, anh lần lượt tham gia các khóa học chuyên ngành để bổ trợ cho công việc của mình: lớp định hướng chuyên khoa Ngoại tại trường Đại học Y Hà Nội (tháng 10/2003 – 4/2004), cao học chuyên ngành phẫu thuật thần kinh tại Học viện Quân Y (tháng 10/2004 – 11/2006), lớp định hướng chuyên khoa ung thư tại Đại học Y Hà Nội (tháng 10/2008 – 4/2009).

 

Quyết tâm và nghị lực tuổi trẻ đã mang lại cho bác sỹ Trương Như Hiển những thành công xứng đáng. Hiện nay, tại tỉnh ta, anh là một trong những bác sỹ trẻ nhất đã có bằng thạc sỹ ngành y, được tín nhiệm bầu giữ nhiều vị trí quan trọng để phát huy năng lực: ủy viên ban thường vụ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhiệm kỳ 2009 – 2012, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh và ung bướu, Phó phòng Chỉ đạo tuyến phụ trách công tác quản lý đào tạo, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

“Kiêm nhiều chức vụ đồng nghĩa với áp lực lớn về thời gian và chất lượng công việc, đôi lúc cũng thấy mình bị quá tải. Nhưng dần dần nhận ra những áp lực đó đã thôi thúc bản thân vượt qua được chính mình và quan trọng hơn, còn mang đến cho tôi những cơ hội quý giá để phấn đấu trở thành một người thầy thuốc có ích hơn cho xã hội” – bác sỹ Trương Như Hiển tâm sự.

 

Được biết, khoa phẫu thuật thần kinh và Ung bướu là khoa non trẻ nhất trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bác sỹ Trương Như Hiển là bác sỹ chính của khoa, chuyên thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp. Được đào tạo bài bản và chuyên sâu, bác sỹ Hiển đã mạnh dạn triển khai các phương pháp mới trong chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Các kỹ thuật phức tạp như sinh thiết làm giải phẫu bệnh, chụp bao rễ thần kinh chẩn đoán bệnh cột sống, dùng hoá chất điều trị ung thư, phẫu thuật ung thư bảo tồn hoặc triệt căn, phẫu thuật chấn thương não… đều đã được áp dụng hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của khoa trong hệ thống hoạt động chung của bệnh viện. Riêng cá nhân bác sỹ Trương Như Hiển với những kết quả nổi bật trong công tác, anh từng được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam vinh danh là “Tài năng trẻ Việt Nam”.

 

Hơn 10 năm trong nghề, có lẽ chưa bao giờ bác sỹ Hiển cảm thấy hối hận bởi sự lựa chọn của mình. Ngược lại, càng làm càng say, càng gắn bó với nghề y anh càng lĩnh hội được sâu sắc những ân tình thấm đẫm trong cái nghiệp cao quý này. Anh chia sẻ: “Nghề y là nghề thiêng liêng giải quyết việc tử sinh của con người, bởi vậy, khi đã khoác trên mình chiếc áo blu trắng, tôi tự nhủ phải phấn đấu không ngừng để nâng cao trình độ, rèn luyện y đức, cần phải giữ cho mình một cái đầu lạnh và một trái tim nóng để cứu chữa và yêu thương bệnh nhân của mình”. Và anh đã làm được điều đó./.

 

 

                                                                              Thu Trang

 

Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục