(HBĐT) - Cô gái dân tộc Thái Lò Thị Dị, sinh ra và lớn lên ở bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu). Từ thủa ấu thơ, Dị đã được mẹ, được bà truyền dạy nghề dệt của dân tộc mình. Cho đến lúc trưởng thành, mơ ước phát huy những giá trị tinh hoa thổ cẩm, giữ gìn, tôn vinh bản sắc truyền thống thôi thúc Dị khôn nguôi.



 

Lò Thị Dị (bên phải) với sản phẩm dệt thổ cẩm tinh tế, cầu kỳ.

 

Đó vừa là động lực, vừa là tâm huyết để cách đây ít năm, cơ sở dệt do Dị làm chủ ra đời. Cơ sở vừa đón nhận 6 chị em cùng làm nghề dệt, vừa là không gian du lịch làng nghề độc đáo với cách bày trí riêng có. Những khung dệt không phải để đấy cho có mà từ sáng tới tối luôn lách cách tiếng thoi đưa. Mọi công đoạn đều được chị em trong cơ sở làm bằng tay, vậy nên nếu đã đến đây, mọi tò mò của du khách về nghề dệt thủ công đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công, tỉ mỉ và óc tinh tế sẽ được giải đáp.

Chia sẻ về nghề, Dị tâm sự: 8 năm trước, khi cùng một số chị em theo học, nâng cao tay nghề qua khóa đào tạo của Dự án Jica (Nhật Bản) mở tại địa phương, lòng tin của tôi về khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã được củng cố. Sản phẩm làm ra thời gian đầu thường nhờ tiêu thụ qua kênh bán hàng của HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu. Về sau này, tôi tách ra làm chủ, tập hợp chị em cùng bản tham gia. Ngoài duy trì bán các sản phẩm qua kênh của HTX, tôi mong muốn quảng bá, giới thiệu sản phẩm nghề dệt của dân tộc mình ra khắp nơi theo ý tưởng riêng một cách chủ động.

Vậy là cơ sở dệt kết hợp làm du lịch, nơi trưng bày các tinh hoa nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái của Dị, cô gái nhỏ bé nhưng lòng say mê nghề dệt quá lớn này đã ra đời. "Lạ” và "khác biệt” là những gì mà du khách cảm nhận được khi đến với cơ sở dệt của Lò Thị Dị. Có thể khẳng định tìm khắp bản người Thái Mai Châu cũng không thấy cơ sở nào giống cơ sở dệt thổ cẩm này. Tách biệt hẳn với sự nhộn nhịp giao thương của bản, cơ sở là nơi du khách có thể thăm thú, chiêm ngưỡng, hòa mình vào không gian văn hóa Thái. Tất cả các sản phẩm trưng bày và giới thiệu đến du khách đều do chị em ở cơ sở làm theo phương thức thủ công.

Chứng kiến chị em tại cơ sở làm nghề mới thấy mỗi sản phẩm đều thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay, đường nét hoa văn tinh xảo, khác hẳn sản phẩm dệt làm bằng máy thường được bày bán ở các bản làng du lịch. Mỗi sản phẩm còn là sự sáng tạo miệt mài, 100% làm bằng sợi bông tự nhiên, chất liệu phù hợp với môi trường. Theo ông Hà Văn Mầng, trưởng bản Lác, cả xóm có duy nhất cơ sở dệt của Dị thu hút chị em vào làm nghề, đây đồng thời là mô hình nghề dệt thổ cẩm truyền thống kết hợp làm du lịch độc đáo và hiệu quả.

Từ những sợi bông trắng tự nhiên, chị em tại cơ sở đã tỉ mẩn quay tay, quấn sợi, nhuộm thêm màu rồi dùng que đan để tạo ra nét hoa văn, dệt thành những tấm mặt phà, thành ga, vỏ gối. Sản phẩm của chị em làm ra đa dạng từ túi xách, ví, khăn đến các vật dụng nhỏ xinh, bắt mắt như lót cố, lót đĩa, khăn trải bàn… Thời gian làm nghề tuy chỉ tận dụng, tranh thủ trong ngày nhưng thu nhập chiếm phần không nhỏ, bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Với người có tay nghề cao, thu nhập có thể trên 4 triệu đồng/tháng.

Bản Lác là điểm du lịch, có tới trên 60 hộ làm nghề dệt thổ cẩm, thế nhưng sản phẩm giới thiệu, bày bán chủ yếu xâm nhập từ các địa phương khác và dệt bằng máy, giá thành thấp. Tuy nhiên, đa số du khách, đặc biệt là khách nước ngoài chỉ thấy hấp dẫn bởi những giá trị văn hóa truyền thống mà nghề dệt thổ cẩm địa phương chính là bản sắc. Cơ sở dệt kết hợp du lịch làng nghề của Lò Thị Dị đã đáp ứng được nhu cầu đó, giúp du khách được "mắt thấy, tai nghe”, tận hưởng không gian thổ cẩm Thái thật và sống động. Bản thân Dị bằng tâm huyết và đam mê đã góp sức nhỏ bé giữ gìn, phát triển nghề dệt của dân tộc mình, tạo nguồn thu nhập đảm bảo cho các chị em, đồng thời tạo nên một địa chỉ du lịch làng nghề ấn tượng với du khách dừng chân.

                                                          Bùi Minh


Các tin khác


Khởi nghiệp từ 300 con gà

(HBĐT) - Bằng quyết tâm, nghị lực, sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, anh Nguyễn Văn Định, sinh năm 1984, trú tại xóm Vai, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy đã gây dựng cho mình trang trại nuôi gà bản địa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đệ nhất thủy đặc sản vùng hồ sông Đà

(HBĐT) - Trên vùng hồ sông Đà rộng lớn, trong hàng trăm tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, cơ ngơi lồng cá của anh Nguyễn Văn Toản ở xóm Vôi, xã Thái Thịnh (thành phố Hòa Bình) là tầm cỡ nhất, khó ai có thể sánh bì. 31 tuổi, anh quản lý và điều hành Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng với gần 200 lồng cá đặc sản, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ lớn mạnh góp phần đưa thương hiệu cá sạch Hòa Bình vươn xa.

Người chiến sỹ dân quân khởi nghiệp từ những thất bại

(HBĐT) - Mất cha khi còn quá nhỏ. Cuộc sống của 4 mẹ con trông vào mấy sào ruộng đắp đổi qua ngày. Từ hoàn cảnh cuộc sống chỉ có khó khăn và khó khăn đã thôi thúc cậu bé Bùi Huy Chương ngày nào không ngừng nỗ lực vươn lên làm giàu. Dù cho con đường khởi nghiệp vươn lên của chiến sỹ dân quân Bùi Huy Chương ở xóm Minh Sơn, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) gập ghềnh chông gai...

Đam mê với nghề nuôi cá tầm trên vùng nước xoáy

(HBĐT) - Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 2001 về lập nghiệp tại TP Hòa Bình, dược sỹ Đỗ Văn Nhuận đã vận dụng những kiến thức trau dồi sau những năm "đèn sách” trên giảng đường lặn lội nơi rừng sâu, núi thẳm sưu tầm, ứng dụng phương pháp cấy mô để bảo tồn và phát triển được nhiều loại dược liệu quý hiếm. Anh còn là thành viên chủ lực của Công ty CP Biophamrm Hòa Bình trong phát triển vùng dược liệu với hơn 50 ha cây cà gai leo trên vùng đất Yên Thuỷ, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hàng chục hộ nông dân ở xã Đa Phúc.

Làm giàu trên vùng đất khó với cây chè shan tuyết

(HBĐT) - Đổi mới cây trồng nông nghiệp tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế tại xã Trung Thành (Đà Bắc). 70% hộ dân trong xã gắn bó với cây chè san tuyết từ nhiều năm nay khiến cho nhiều người cứ nhắc đến Trung Thành là nhắc "vùng đất chè”.

Thành công từ sự bền bỉ, dám nghĩ, dám làm

(HBĐT) - Chưa qua trường lớp đào tạo cơ bản nào về quản lý tài chính, kinh doanh hay một khóa đào tạo nghề chính thống, nhưng hiện tại, chị Quách Thị Như, xã Đông Bắc (Kim Bôi) đã cùng chồng thành lập và điều hành suôn sẻ hoạt động SX-KD của Công ty TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ nông thôn. Thành công đó bắt nguồn từ sự bền bỉ, tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục