(HBĐT) - Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 2001 về lập nghiệp tại TP Hòa Bình, dược sỹ Đỗ Văn Nhuận đã vận dụng những kiến thức trau dồi sau những năm "đèn sách” trên giảng đường lặn lội nơi rừng sâu, núi thẳm sưu tầm, ứng dụng phương pháp cấy mô để bảo tồn và phát triển được nhiều loại dược liệu quý hiếm. Anh còn là thành viên chủ lực của Công ty CP Biophamrm Hòa Bình trong phát triển vùng dược liệu với hơn 50 ha cây cà gai leo trên vùng đất Yên Thuỷ, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hàng chục hộ nông dân ở xã Đa Phúc.
Tiếp xúc với dược sỹ Đỗ Văn Nhuận, nghe chuyện
anh kể, nhìn việc anh làm, chúng tôi cảm nhận anh là một người không chỉ đam mê
mà còn quả quyết và mạo hiểm khi quyết định đầu tư thêm một lĩnh vực mới là
nuôi cá tầm ở vùng nước xoáy khu vực hạ lưu Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình.
Nghề nuôi cá tầm của gia đình anh Đỗ Văn Nhuận
tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/
tháng.
Cùng với khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, những
năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông Đà và nhất là ở hồ Hòa Bình đã phát triển
mạnh mẽ với số lượng lồng nuôi tăng theo từng năm. Đa số những người nuôi cá
lồng đều lựa chọn những nơi mặt nước
tĩnh, ít gió, không nằm trong luồng chảy. Ngược lại, anh Đỗ Văn Nhuận lại chọn
vùng nước xoáy để đặt lồng nuôi cá. Anh Nhuận chia sẻ: "Từ trước đến nay chưa
ai nghĩ ở TP Hòa Bình, nhất là khu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Hòa Bình lại có
điểm nuôi được cá tầm vì trong quy hoạch phát triển cá nước lạnh của tỉnh là
các xã: Hiền Lương, Đồng Nghê, Suối Nánh (Đà Bắc). Để quyết định đặt lồng cá
tại khu vực tổ 11, phường Tân Hòa, TP Hòa Bình (bến phà Thia cũ), tôi đã khảo
sát, nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng các thông số từ nhiệt độ mùa hè, mùa đông, tốc
độ dòng chảy. Đến tháng 10/2015, tôi triển khai đầu tư vì xác định rõ ở vùng
nước xoáy, nước sạch hơn, tạo nhiều oxy hơn, đòi hỏi cá phải vận động nhiều hơn
sẽ tạo ra sản phẩm khác biệt, mới lạ, có chất lượng cao”.
"Tuân thủ các quy định của pháp luật khi triển khai
đầu tư là vấn đề quan trọng hàng đầu để đảm bảo SX-KD ổn định, lâu dài”, anh
Nhuận khẳng định. Theo đó, từ vị trí neo đậu lồng cá, nguồn gốc cá giống đến
nguồn gốc thức ăn, bảo vệ môi trường đều được các ngành chức năng như Cảng vụ,
thanh tra giao thông đường thuỷ, cảnh sát môi trường, Chi cục thú y, Chi cục
thuỷ sản kiểm tra, thẩm định, cấp phép. Bởi vậy, với tổng số 80 lồng cá trên
diện tích gần 1 ha của anh được neo đậu đảm bảo an toàn luồng lạch cho các tàu,
thuyền đi lại. Thức ăn cho cá không có kháng sinh và các chất kích thích sinh
trưởng. Quá trình chăm sóc cá, thức ăn được đưa vào không để rơi vãi, các chất
thải được chuyển lên bờ. Cá chết được thu gom làm phân bón. Đặc biệt, từ kiến
thức sẵn có, anh đang triển khai trồng dược liệu để phục vụ việc phòng - chống
dịch bệnh cho nuôi cá. Anh Nhuận cho biết: "Hoà Bình có nhiều loại cây có thể
làm thuốc kháng sinh cho động vật, trong đó có cá. Chăm sóc theo cách đó cá vừa
sạch, vừa khoẻ, khách hàng sẽ càng ưa chuộng”.
Trong 80 lồng cá của gia đình anh Nhuận, ngoài một vài
lồng nuôi cá rô phi Đường Nghiệp với trọng lượng xuất bán tối thiểu 1 kg/con,
còn lại là cá tầm quy mô 800 con/lồng, loài cá khá nổi tiếng được thị trường ưa
chuộng đã trở thành một sản phẩm mới trong nghề nuôi cá lồng trên sông Đà. Quá
trình SX-KD đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập bình quân 6
triệu đồng/tháng. Sản phẩm "đầu tay” của gia đình anh Nhuận đã được trưng bày,
giới thiệu tại Triển lãm thành tựu KT-XH nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập
tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và chính thức được xuất bán ra thị trường (chủ yếu là
Hà Nội) với trọng lượng tối thiểu 3 kg/con với giá bán bình quân 250.000 đồng/kg.
Đã có sản phẩm đầu tay và dự kiến lớn hơn mà anh Nhuận
đang ấp ủ là nuôi cá tầm lấy trứng bởi trên thị trường 1 kg trứng cá tầm hảo
hạng có giá tới 20.000 USD, 1 kg trứng bình thường cũng có giá tới 10.000 USD.
Nhưng để ước mơ đó trở thành hiện thực vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở, bởi
sau 7 năm, cá tầm mới cho thu hoạch trứng. Anh Nhuận tâm sự: "Nuôi thành công
cá tầm ở vùng hạ du sông Đà là mô hình mới, tạo ra sản phẩm mới. Nhưng để việc
nuôi cá lồng ngày càng ổn định và phát triển gia đình tôi rất cần sự quan tâm,
hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, vì trong thực tế phải tự xoay sở, vật lộn
để tồn tại và phát triển là vấn đề hết sức khó khăn”.
Trên vùng nước xoáy, trong đợt xả lũ cuối tháng 7 vừa
qua, gia đình anh Nhuận bị thiệt hại hơn 10 tấn cá. Trước tổn thất khá nặng nề
nhưng anh vẫn không nản lòng mà tiếp tục đầu tư để khôi phục sản xuất với tâm
nguyện phát triển nuôi cá tầm một cách bền vững, trên cơ sở ứng dụng công nghệ
mới để tăng năng suất đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng và
ngày càng nâng cao giá trị thu nhập.
Đức Phượng