(HBĐT) - "Mới được có một tuổi, tưởng như chỉ biết "lật ngang, lật ngửa” thôi mà các đồng chí đã vươn tầm cả nước và muốn ra cả thế giới với cách tổ chức bài bản, khoa học và rất nhân văn” - đó là trao đổi đầy cởi mở của đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX khi đến thăm HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (Bãi Chạo, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi). Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của HTX, Phó Thủ tướng vui mừng cho biết, đây là mô hình khởi nghiệp thành công và điển hình cho những giá trị cần có của một HTX nông nghiệp kiểu mới.


"Chìa khóa” để khởi nghiệp thành công

Trong chương trình làm việc tại tỉnh Hòa Bình tháng 8/2017, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã đến thăm mô hình sản xuất tại HTX NN &TM Mường Động. Tại đây, Phó Thủ tướng đánh giá cao định hướng phát triển và từng bước đi bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả của HTX Mường Động. Đồng chí cho rằng, HTX Mường Động đã tuân thủ tốt các quy định của Luật HTX năm 2012, chỉ sau 1 năm khởi nghiệp đã chứng tỏ được hiệu quả tổ chức sản xuất, đạt thành công đầy thuyết phục trong xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và xúc tiến thương mại. Cá nhân Phó Thủ tướng rất ấn tượng với mô hình này, vì vậy sẽ trực tiếp đề nghị Ban tổ chức chương trình Sao Thần nông đưa HTX Mường Động vào danh sách xét tuyển cho mùa giải năm 2017. Bởi đây chính là điển hình HTX nông nghiệp kiểu mới với những giá trị tốt đẹp và bền vững cần được nhân rộng.

Được biết, HTX Mường Động thành lập tháng 9/2016 với 26 thành viên, đăng ký 16 ngành nghề sản xuất, kinh doanh, trong đó, xác định trọng tâm là trồng cam, quýt và các loại cây ăn quả có múi khác. Ngay sau khi thành lập, HTX đã tổ chức thành 5 nhóm sản xuất bao gồm các thành viên có diện tích sản xuất gần nhau để tiện lợi cho việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ, đồng thời để BQL HTX tiện cử các thành viên nhiều kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm.


Các thành viên HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động kiểm tra chất lượng sản phẩm cam quả Mường Động trước khi đóng gói, cung ứng ra thị trường.

Được biết, HTX có những thành viên là chuyên gia và nhà vườn giàu kinh nghiệm về canh tác cây có múi (trong đó có 1 tiến sĩ và 2 thạc sĩ nông nghiệp) nên hầu hết các yêu cầu về ứng dụng KH-KT vào canh tác, các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất đều được HTX chủ động giải quyết. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức cho các thành viên đăng ký chủng loại vật tư cần thiết và mua sắm tập trung số lượng lớn từ nhà sản xuất, bước đầu tự cung cấp một số vật tư đầu vào, chính vì vậy đã kiểm soát được chất lượng và giảm giá thành vật tư đầu vào cho các thành viên. Đặc biệt, HTX có vườn ươm giống và đội ngũ cán bộ, công nhân thành thạo kỹ thuật nhân giống cây ăn quả có múi nên có khả năng sản xuất cây giống cung cấp cho thành viên và người dân trong vùng. Nguồn vật liệu nhân giống được khai thác từ các cây đầu dòng đã được công nhận và những cây được đánh dấu, tuyển chọn từ những vườn đã thành thục, sạch sâu bệnh. Những điều kiện trên tạo nhiều thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất quy trình sản xuất cây ăn quả có múi đảm bảo ATTP.

ông Nguyễn Trung Huân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Mường Động cho biết: Hiện, HTX có 147 ha canh tác cây ăn quả có múi. Toàn bộ đều được cấp chứng nhận sản xuất đủ điều kiện ATTP và đang trong quá trình đánh giá để cấp chứng nhận VietGAP. Trong đó đã có 3,2 ha được chứng nhận sản xuất hữu cơ. Với phương châm "Sát cánh cùng người sản xuất – đồng hành cùng người tiêu dùng”, mục tiêu của HTX là xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản ATTP, tạo khối lượng lớn sản phẩm quả có múi an toàn với 100% sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, được tiêu thụ qua hợp đồng và có thể truy xuất nguồn gốc. Khi cùng bắt tay khởi nghiệp mô hình này, chúng tôi đã hoạch định cụ thể từng bước đi cũng như đích cần vươn tới. Trong đó, xác định chìa khóa thành công chính là chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm của mình và không ngừng nỗ lực để trao đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao mang tên "Quả có múi an toàn Mường Động”.

Tự tin khởi nghiệp với mô hình HTX nông nghiệp

Tập trung vào giá trị cốt lõi, nhất là chất lượng sản phẩm, điều quan trọng mà HTX Mường Động làm được là cách thức tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, thể hiện trách nhiệm cao với sản phẩm của mình. Ngay trong niên vụ 2016 – 2017, với diện tích kinh doanh khoảng 50 ha, HTX Mường Động đã giới thiệu ra thị trường 700 tấn quả đầu tiên mang nhãn hiệu "Quả có múi an toàn Mường Động”. Đây là nhóm sản phẩm được HTX đầu tư với cách thức bài bản, áp dụng hàng loạt giải pháp: xác định vùng sản xuất nằm trong quy hoạch cây có múi của tỉnh; áp dụng quy trình VietGAP trong canh tác và chuyển dần sang canh tác hữu cơ; sản phẩm được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP; thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, đánh giá nội bộ và nghiệm thu sản phẩm theo từng vườn, từng giống cây; sản phẩm được bao gói, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ và có thể truy xuất nguồn gốc đến từng hộ, từng giống; áp dụng mã QR Code (mã phản hồi nhanh) cho phép thiết lập các thông tin cơ bản về sản phẩm cho từng hộ sản xuất là thành viên HTX... Chính vì vậy, mặc dù là nhãn hiệu hoàn toàn mới nhưng ngay khi ra mắt, sản phẩm quả có múi an toàn Mường Động đã tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần củng cố mạnh mẽ hơn thương hiệu quả có múi của tỉnh. Đây là kết quả cho thấy, HTX Mường Động đang thực hiện bước đi chắc chắn để chinh phục những mục tiêu đề ra trên con đường khởi nghiệp mà mình đã lựa chọn.

Cũng tự tin khởi nghiệp với mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới như HTX NN &TM Mường Động, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận sự ra đời đầy thuyết phục của các HTX nông nghiệp với định hướng hoạt động là phát triển sản xuất theo chuỗi, hướng tới nền nông nghiệp sạch có giá trị gia tăng cao. Thống kê trong 4 năm (2013 – 2016), toàn tỉnh đã thành lập mới 80 HTX, riêng năm 2016 đã thành lập mới 32 HTX. Đặc biệt, trong 9 tháng năm nay có 42 HTX thành lập mới, trong đó có 33 HTX nông nghiệp. Đây đều là những HTX thành lập mới theo Luật HTX năm 2012, hoạt động tương đối hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng NTM và phát triển KT-XH của địa phương. Điển hình như HTX nông nghiệp và dịch vụ Phúc Linh (Cao Phong), HTX Dịch vụ nông nghiệp Dân Chủ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (thành phố Hòa Bình), HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (Kim Bôi), HTX nông sản hữu cơ Lương Sơn (Lương Sơn)...

Đồng chí Trần Văn Thành, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhìn nhận: Về cơ bản, các HTX nông nghiệp thành lập mới trong vài năm đây đều vận hành hiệu quả theo Luật HTX năm 2012. Phương thức hoạt động là mô hình hộ thành viên nào hộ thành viên đó tự quản lý và hưởng lợi. Khi tham gia HTX, các thành viên được tập huấn KH-KT, sau đó liên kết sản xuất theo hình thức tập thể nên giảm đáng kể các chi phí từ dịch vụ đầu vào đến công lao động, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm, giá thành sản phẩm... Trong khi đó, HTX đảm nhận những khâu dịch vụ mà từng hộ sản xuất đơn lẻ không thể làm được như kết nối cung cấp các vật tư đầu vào, bảo lãnh vay vốn cho thành viên, tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm, xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể... Các khâu dịch vụ này đã làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, dù khác nhau về địa bàn hoạt động, lĩnh vực sản xuất và nhóm sản phẩm cung ứng nhưng đặc điểm chung của các HTX nông nghiệp kiểu mới là đều tự tin lựa chọn khởi nghiệp trên con đường phát triển nông nghiệp sạch bởi họ tự tin vào sản phẩm của mình cũng như phương thức vận hành để tạo ra các sản phẩm đó. Đây thực sự là mô hình giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác được các giá trị ưu việt của nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao và phát triển vền vững.


Thu Trang

Các tin khác


Đam mê với nghề nuôi cá tầm trên vùng nước xoáy

(HBĐT) - Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 2001 về lập nghiệp tại TP Hòa Bình, dược sỹ Đỗ Văn Nhuận đã vận dụng những kiến thức trau dồi sau những năm "đèn sách” trên giảng đường lặn lội nơi rừng sâu, núi thẳm sưu tầm, ứng dụng phương pháp cấy mô để bảo tồn và phát triển được nhiều loại dược liệu quý hiếm. Anh còn là thành viên chủ lực của Công ty CP Biophamrm Hòa Bình trong phát triển vùng dược liệu với hơn 50 ha cây cà gai leo trên vùng đất Yên Thuỷ, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hàng chục hộ nông dân ở xã Đa Phúc.

Làm giàu trên vùng đất khó với cây chè shan tuyết

(HBĐT) - Đổi mới cây trồng nông nghiệp tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế tại xã Trung Thành (Đà Bắc). 70% hộ dân trong xã gắn bó với cây chè san tuyết từ nhiều năm nay khiến cho nhiều người cứ nhắc đến Trung Thành là nhắc "vùng đất chè”.

Thành công từ sự bền bỉ, dám nghĩ, dám làm

(HBĐT) - Chưa qua trường lớp đào tạo cơ bản nào về quản lý tài chính, kinh doanh hay một khóa đào tạo nghề chính thống, nhưng hiện tại, chị Quách Thị Như, xã Đông Bắc (Kim Bôi) đã cùng chồng thành lập và điều hành suôn sẻ hoạt động SX-KD của Công ty TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ nông thôn. Thành công đó bắt nguồn từ sự bền bỉ, tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Thắp lửa cho vùng nhãn Sơn Thủy

(HBĐT) - Anh Bùi Văn Lực, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy (Kim Bôi) là một trong những người tiên phong đưa giống nhãn Hương Chi về đồng đất quê hương, xây dựng thành công giống nhãn Sơn Thủy, mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân mà nhiều nơi khác ước mơ. Anh được bình chọn là tấm gương lao động sản xuất giỏi, vinh dự được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, nhận được sự tin yêu, trân trọng của cán bộ và người dân.

Bùi Văn Vy làm kinh tế giỏi

(HBĐT) - Tìm hiểu kỹ lĩnh vực dự định đầu tư, biết tính toán, mạnh dạn vay vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay… Đó là những kinh nghiệm thành công của nhà nông trẻ 9X- Bùi Văn Vy, xóm Đam, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).

Làm giàu từ nuôi côn trùng

(HBĐT) - Về xã Thanh Nông (Lạc Thủy) ai cũng tấm tắc dành lời ca ngợi về ý tưởng làm giàu độc và lạ của anh Nguyễn Thế Hùng hay còn gọi "Hùng dế” ở xóm Vai. Theo người dân Thanh Nông, anh Hùng có ý tưởng làm giàu rất sáng tạo và mạo hiểm khi đầu tư vốn để nuôi dế. Chính loài côn trùng này đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh. Chúng tôi không khỏi tò mò tìm đến nhà anh "Hùng dế”, thật bất ngờ người đàn ông tay chân đầy dầu, mỡ đang loay hoay sửa xe máy chính là anh "Hùng dế”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục