(HBĐT) - Chưa qua trường lớp đào tạo cơ bản nào về quản lý tài chính, kinh doanh hay một khóa đào tạo nghề chính thống, nhưng hiện tại, chị Quách Thị Như, xã Đông Bắc (Kim Bôi) đã cùng chồng thành lập và điều hành suôn sẻ hoạt động SX-KD của Công ty TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ nông thôn. Thành công đó bắt nguồn từ sự bền bỉ, tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Chị Quách Thị Như, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi kiểm tra sản phẩm được sản xuất tại xưởng.
Khởi nghiệp từ chiếc máy khâu
Sinh ra từ làng, bên dòng sông Bôi hiền hòa, thơ mộng (xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi)
nhưng Quách Thị Như đã sớm có ước mơ lập thân, lập nghiệp. Tốt nghiệp THPT,
trong khi các bạn cùng trang lứa đi học cao đẳng, đại học, riêng Như đã vững
vàng một ngã rẽ: đi làm nghề để kiếm sống phụ giúp gia đình. Nơi Như đầu quân
làm việc là một công ty sản xuất gia công giày da ở Hải Phòng. Làm việc theo
dây chuyền công nghệ với sự bức bách, ngột ngạt làm Như thấy nản. Thêm vào đó,
Như thấy mặn mà với nghề may mặc, làm đẹp cho mọi người. Có lưng vốn chắt chiu
được qua những năm tháng làm công nhân, Như
đi học nghề rồi trở về quê mở hàng may mặc.
26 tuổi, Như xây dựng gia đình và chuyển về sống tại
xóm Rạnh, xã Đông Bắc. 2 vợ chồng cùng là lao động tự do, đến với nhau với đôi
bàn tay trắng nhưng bù lại, họ luôn tâm đầu, ý hợp. Có lợi thế nhà ở mặt phố,
trên trục quốc lộ 12 B, lại gần chợ Rạnh nên Như tiếp tục mở hàng may mặc tại
nhà rồi mang đến các phiên chợ bán. Với sự trợ giúp đắc lực của chồng, Như có
mặt đều ở các phiên chợ Rạnh, xã Đông Bắc, chợ Bãi Chạo, xã Tú Sơn, chợ Trám, xã Sơn Thủy (Kim Bôi)… để bán quần áo do mình
thiết kế và may. Những năm 2010 - 2011, cửa hàng đông khách, vợ chồng Như phải
thuê thêm 2 nhân công phụ giúp. Cũng trong thời điểm này, Như được đi thăm quan
một số cơ sở may gia công ở Hà Nội, Hà Nam. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu:
Tại sao mình không thử tiếp cận cách làm ăn mới - may gia công cho các công ty,
cơ sở sản xuất?
Và ước mơ tạo việc làm cho chị em phụ nữ
Sinh ra từ làng, sớm va vấp để mưu sinh nên Như thực
sự lanh lẹ. Không những thế, Như còn có cái nhìn đầy cảm thông, chia sẻ với
những người đồng cảnh ngộ. Thấy trong làng, trong xã có hàng chục, hàng trăm
chị em thiếu việc làm, đời sống kinh tế hết sức khó khăn, Như đã nảy ra ý nghĩ
tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em. Nói là làm. Song song với nghề may quần
áo, vợ chồng Như nhận gia công sản phẩm túi siêu thị cho một xưởng sản xuất ở
thị trấn Bo - Kim Bôi. Làm quen với công việc mới, từng bước mở mang sản xuất,
đến năm 2013, vợ chồng Như quyết tâm mua lại 35 chiếc máy may cũ của xưởng may
ở thị trấn Bo với giá trên 200 triệu đồng. Tháng 11/2013, vợ chồng Như thành
lập công ty lấy tên Công ty TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi. Đồng thời chuyển hẳn
sang việc gia công túi siêu thị chất liệu PP để cung cấp trực tiếp cho Công ty
CP Casablanca Việt Nam.
Nhìn vào cơ ngơi của vợ chồng Hùng Như hôm nay, nhiều
người nghĩ rằng việc làm ăn của họ khá dễ dàng, suôn sẻ, nhưng với Như đây là
cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi. Những ngày đầu, xưởng mới có 5 chiếc máy
may cọc cạch, khi đối tác giục hàng, 2 vợ chồng làm việc thâu đêm. Nhưng rồi
những ngày tháng vất vả đó cũng qua đi
và đến nay, việc làm ăn của Như đã thực sự vào guồng. Hiện tại, Công ty
TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi đã mở rộng thêm 10 xưởng may đặt ở các xã: Thượng Bì,
Hạ Bì, thị trấn Bo, Thượng Tiến, Hợp Đồng, Đông Bắc, Bình Sơn của huyện Kim Bôi
và xã Phú Lão của huyện Lạc Thủy. Với số lượng gần 200 máy may, Công ty TNHH
MTV Hùng Như Kim Bôi tạo việc làm cho trên 100 lao động. Tất nhiên, đây là lao
động mùa vụ vì hầu hết người làm việc ở các xưởng may của Như là phụ nữ nông
thôn và đây là công việc làm thêm để họ tăng nguồn thu nhập.
ước mơ tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn của Như đã
thành hình. Hiện tại, Như trăn trở với việc thu hút thêm lao động để mở rộng
sản xuất. Bởi sản phẩm mà công ty của
Như đang nhận gia công (túi xách tay
trong siêu thị PP) là loại túi có khả năng tái sử dụng nhiều lần và được xuất
khẩu sang các thị trường lớn châu Mỹ, châu âu, châu Phi với số lượng lớn và ổn
định. Tuy nhiên, chị em lại chỉ coi đây là việc làm thêm lúc nông nhàn nên rất
khó khi đơn hàng bị dồn ứ.
Để tạo nguồn và giữ lao động, Như thường xuyên phối
hợp với Trung tâm GDTX - GDNN huyện, các
chương trình, dự án đào tạo nghề của Hội Nông dân, Hội phụ nữ để đào tạo nguồn lao động. Hỗ trợ học nghề,
sau đó tiếp nhận lao động làm việc tại các xưởng sản xuất, đó là việc mà Công ty
TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi đã thực hiện trong hơn 2 năm qua. Theo đó, năm 2014,
Công ty được Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tặng giấy khen vì đã có nhiều thành tích
trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/ QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010-2014. Tháng 6/2016, Như được chọn là 1
trong 12 điển hình tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương phụ nữ các
dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây
Bắc do BCĐ Tây Bắc và T.ư Hội LHPN Việt
Nam tổ chức tại Nghệ An. Tại hội nghị này, Công ty TNHH MTV Hùng Như Kim Bôi đã
được tặng bằng khen của BCĐ Tây Bắc vì có thành tích xuất sắc trong phát triển
KT-XH vùng Tây Bắc.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Lên xã Quyết Chiến (Tân Lạc) lần này, người chúng tôi hẹn gặp là chị Đinh Thị Quyết, Chủ nhiệm HTX Quyết Chiến. HTX mới được thành lập nhưng ngày nào cũng cung cấp cho thị trường Hà Nội và Vĩnh Phúc hàng tấn rau hữu cơ.
(HBĐT) - Đó là anh Nguyễn Hồng Yến - người quản lý và trực tiếp điều hành nông trại hữu cơ Linh Dũng có địa chỉ tại thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi). Nông trại vừa được tổ chức NHO Qscert cấp chứng nhận sản phẩm quả có múi (bưởi, cam, quýt, chanh) là sản phẩm hữu cơ phù hợp với các yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam TCVN 11401 : 2015.
(HBĐT) - Tốt nghiệp cấp III, Hà Minh Vương ở xóm Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong) đã lựa chọn phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình VAC là con đường lập nghiệp. Được bố mẹ ủng hộ, Vương cùng gia đình bắt tay vào "công cuộc” cải tạo 2 ha đất dồi dốc, sỏi đá dưới chân núi thành vườn cây trái xanh tốt.
(HBĐT) - Sau khi "thắp lên ngọn lửa” cho diện mạo công nghiệp của tỉnh, doanh nhân Vũ Duy Bổng tiếp tục dành nhiều tâm sức, nguồn lực đầu tư sang lĩnh vực du lịch. Đây là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, mong muốn góp sức khai thác tiềm năng lợi thế tài nguyên du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Bằng tầm nhìn, tư duy dài hạn, ý chí và nghị lực dám nghĩ dám làm, dám dấn thân, ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản An Thịnh Hòa Bình đã biến những bất lợi, khó khăn, thành lợi thế tạo bước "đột phá” đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Lương Sơn để thu hút đầu tư, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện tại, ông tiếp tục dành tâm lực đầu tư sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tạo nên sự thay đổi về chất của Công ty CP Du lịch Hòa Bình, theo đuổi định hướng, mong muốn góp sức xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Mường, khai thác tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Trước năm 2012, với 2 ha đất đồi dốc, gia đình Bùi Thị Tâm, xóm Muôn, xã Kim Sơn (Kim Bôi) trồng keo mất 5 - 7 năm chỉ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Trước thực trạng đó, cô gái sinh năm 1994 Bùi Thị Tâm với khát khao vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương đã không ngừng học hỏi, tìm tòi trồng cây gì cho phù hợp với đất đồi quê nhà. Sau thời gian trồng thử nghiệm nhiều giống cây, Tâm nhận thấy cây cam phù hợp với đất đồi nên đã quyết định trồng cam với hình thức xen nhiều giống cam khác nhau.