Cơ sở chế biến chè của anh Hà Văn Nam, xóm Thượng, xã Trung Thành (Đà Bắc) mới chỉ đáp ứng từ 3-5 tạ sản lượng chè của bà con mỗi ngày nên vấn đề chế biến sản phẩm tại chỗ đang là nỗi trăn trở của người dân.
Về nơi làng chè san tuyết đầu tiên
Chúng tôi mất gần 3 tiếng đồng hồ đi từ thành phố Hoà Bình lên đến xóm Búa, "làng chè san tuyết” đầu tiên của xã Trung Thành. Trước đây, bà con trong xóm chỉ biết đến trồng cây màu và một số cây bản địa khác cho thu nhập thấp, giá cả và thị trường không ổn định. Từ giai đoạn 1999 - 2006 để phục vụ bà con phát triển kinh tế, xóm Búa được tỉnh đầu tư trồng gần 20 ha chè san tuyết với mật độ 4.000 cây/ha. Những cái tên tiên phong trong trồng chè san tuyết hồi đó phải kể đến các ông, bà: Vũ Thị Thoa, Hà Văn Phơi, Lường Văn Dần, Hà Văn Thoan… Tiếp tục mở rộng quy mô chè, từ năm 2006 - 2009, xã nâng diện tích lên 40 ha với mật độ 6.000 cây/ha ở các xóm khác. Nổi tiếng là vùng đất có truyền thống trồng chè từ xưa nên bà con không nhiều bỡ ngỡ với loại cây này. Từ năm 2010 đến nay, xã nâng tổng diện tích chè lên 60 ha với mật độ đạt 1,2 vạn cây/ha. Trong đó, diện tích trồng mới 22 ha, diện tích bảo tồn, khôi phục, nâng mật độ cây 38 ha.
Hiện, xóm Búa có hơn 70% hộ trồng chè san tuyết. Hộ trồng nhiều nhất là 1,2 ha, hộ thấp nhất 2.000 m2. Đồng chí Lường Văn Toàn, Trưởng xóm Búa cho biết: "Xóm có lợi thế gần cơ sở chế biến chè tại xóm Quyết Tiến, xã Yên Hoà (Đà Bắc) nên đơn vị bao tiêu sản phẩm đặt điểm thu mua tại chỗ. Bà con hái lá non theo đúng quy trình 1 tôm, 2 lá và tập trung về điểm thu mua. Sản lượng chè bán ra của xóm trung bình đạt 3 tạ/ngày với mức giá 600.000 đồng/tạ. Nhờ có thị trường ổn định, thu nhập bình quân đầu người của xóm tăng lên 12,5 triệu đồng/năm”.
Đồng chí Lường Văn Xiên, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: "Từ khi cây chè san tuyết có mặt tại xóm Búa và nhân rộng trong xã, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Cây chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Trung Thành nên phát triển tốt. Riêng xóm Búa, bà con trồng mới 20 ha và bảo tồn 17 ha trước đó, nâng tổng diện tích cây chè của xóm lên 37 ha. Ngoài ra, các xóm Thượng đạt 28 ha, xóm Bay 5 ha, xóm Tằm và Hạ hơn 2 ha”. Vì thu nhập khá và ổn định hơn cây trồng truyền thống, ít rủi ro nên nhiều hộ bỏ hẳn các loại cây màu để tập trung trồng chè san tuyết như hộ Hà Văn Póm, Lường Văn Thiên (xóm Thượng),…
Để bà con yên tâm về đầu ra, chính quyền xã đứng ra liên kết với Công ty TNHH SX & KD giống cây trồng Phương Huyền, đây là đơn vị nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè của người dân xã Trung Thành. Đầu ra đảm bảo, chất lượng chè tốt đáp ứng được nhu cầu thị trường, giúp bà con thoát nghèo nên loại cây này trở thành cây chủ lực của xã. Dự kiến tháng 10/2017, xã trồng mới 4,1 ha chè tại xóm Bay và xóm Búa cho 46 hộ nghèo và cận nghèo. Trong năm nay, tổng sản lượng chè của xã xuất ra ước đạt 225 tấn, tăng so với năm 2015 khoảng 30 tấn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng rõ rệt, từ 8,5 triệu đồng (năm 2010) lên 14,3 triệu đồng.
Người góp phần làm thay đổi nhận thức người nông dân với cây chè
Đó là anh Hà Văn Nam, xóm Thượng, chủ cơ sở chế biến chè đầu tiên ở xã Trung Thành. Chàng thanh niên 8X sau bao năm đi làm thuê đã trở về xã gắn bó với chè san tuyết từ năm 2013, khi anh bắt đầu mở xưởng chế biến. Anh Nam mạnh dạn hiến 200 m2 đất ở, đất vườn và vay 200 triệu đồng từ bạn bè, họ hàng để xây dựng nhà xưởng, còn máy móc do Công ty Phương Huyền đầu tư. Xưởng chế biến của anh đáp ứng lượng nhỏ, từ 3 - 5 tạ nên chủ yếu bán lẻ tại địa phương và các vùng lân cận. Là người trẻ dám nghĩ, dám làm nhưng không tránh khỏi khó khăn ban đầu, anh Nam chia sẻ: "Nguồn vốn hạn chế nên việc đầu tư nhà xưởng chưa đáp ứng hết sản lượng chè mà bà con làm ra. Việc tiếp cận công nghệ gặp bỡ ngỡ ban đầu. Đặc biệt là tư tưởng "ăn xổi” của một số người dân, chỉ cần biết bán cho nhà xưởng lấy tiền sản phẩm mà không để ý đến chất lượng tác động quan trọng đến khách hàng”.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm chè của xã phục vụ khách hàng, anh Nam trăn trở cùng cán bộ các ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động bà con hái chè đúng quy trình lá non với công thức "1 tôm, 2 lá” cung cấp cho nhà xưởng chứ không nên hái lá già. Mưa dầm thấm lâu, tư tưởng bền vững về sản phẩm đã ăn sâu vào từng người dân để họ và nhà xưởng của anh Nam trở thành hệ thống hoạt động đều đặn. Nhận thức của người dân được nâng lên khiến cho sản phẩm chè của họ được thị trường ưa chuộng, giúp họ ổn định thu nhập và cuộc sống.
Khắc phục khó khăn về tiếp cận công nghệ, anh Nam được Công ty Phương Huyền đưa đi học chuyển giao kỹ thuật tại nhiều nơi. Hiện, anh đã vận hành ổn định 6 máy dây chuyền tại xưởng và tạo việc làm cho 4 công nhân với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Từ hộ nghèo, với ý chí quyết tâm, gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ chính cây trồng của địa phương.
Cần sớm thành lập HTX để nâng tầm sản phẩm
Tuy đã có "tiếng” từ lâu nhưng sản phẩm chè san tuyết của xã Trung Thành chưa được công nhận thương hiệu và chưa có HTX để hoạt động kinh tế tập thể. Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo xã, đồng chí Lường Văn Xiên, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Việc sản xuất chè hiện nay của bà con vẫn là kinh tế hộ gia đình, chưa mang tính tập thể. Để cây chè của xã được công nhận thương hiệu, trước tiên, chính quyền và nhân dân trong xã cần nỗ lực thành lập HTX chè san tuyết để mọi hoạt động sản xuất, thu mua đều tập trung, mang tính chuyên nghiệp. Việc thành lập HTX cũng là yêu cầu bắt buộc trong xây dựng NTM nên cần nhanh chóng hoàn thành”. Để đạt được mục tiêu đó, xã phấn đấu tăng thêm 50 ha chè trong giai đoạn 2017-2020, nâng tổng diện tích lên hơn 100 ha và đang đề nghị huyện cấp kinh phí thực hiện. Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, chỉ khi nào diện tích chè đạt từ 120 - 150 ha thì mới đủ điều kiện mở rộng quy mô xưởng chế biến tại xã lên từ 3 - 5 tấn, giải quyết khó khăn về vấn đề cơ sở chế biến cho người dân. Hiện, cơ sở chế biến của anh Nam chỉ đáp ứng phần nhỏ. Người dân chủ yếu mang sản phẩm lên cơ sở chế biến lớn hơn từ 3 - 5 tấn ở xóm Quyết Tiến, xã Yên Hoà. Không thể chế biến sản phẩm tại chỗ cũng là nỗi trăn trở của bà con.
Giống như thương hiệu nhãn Sơn Thuỷ hay cam Cao Phong, nếu giải quyết được những khó khăn về cơ sở chế biến, mở rộng diện tích chè và thành lập HTX thì chè san tuyết sẽ sớm được công nhận là sản phẩm thương hiệu của xã Trung Thành. Qua đó tạo nhiều điều kiện thuận lợi để bà con làm giàu, đưa cây chủ lực của xã lên xứng tầm với tiềm năng.
Thanh Sơn