(HBĐT) - Dám nghĩ, dám làm... dám mạo hiểm để xây dựng thương hiệu cây ăn quả "độc và lạ”, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn huyện Lương Sơn, anh Hà Huy Quang ở thôn Đồng Quýt, xã Hòa Sơn đã đem giống táo, mít… đặc sản ở Thái Lan trồng thử nghiệm tại xã. Sau hơn 1 năm trồng thí điểm, vườn cây ăn quả đã cho thu bói và hứa hẹn đem về "quả ngọt” trong tương lai không xa.



Anh Hà Huy Quang ở thôn Đồng Quýt, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) tiếp tục mở rộng quy mô vườn cây ăn quả đặc sản Thái Lan với 100 gốc mít.

Trước năm 2015, chàng trai trẻ Hà Huy Quang đã thử sức với khá nhiều nghề, tuy nhiên đều không gặp thuận lợi và phải dừng lại bởi những lý do khác nhau. Trong một lần tình cờ gặp lại người bạn ở huyện Thường Tín (Hà Nội), anh Quang được nghe giới thiệu về các giống cây ăn quả đặc sản của Thái Lan như mít, táo… Nhận thấy tiềm năng của những giống cây này có thể phát triển tốt tại quê nhà, năm 2015, anh Quang quyết định cải tạo diện tích đất vườn sẵn có của gia đình để nhập cây giống từ Thái Lan về trồng thử nghiệm.

Hiện anh Quang và các thành viên trong gia đình đang thực hiện những công đoạn cuối cùng của quy trình chăm sóc trước khi thu sản phẩm vào dịp giáp tết. Dẫn chúng tôi dạo thăm vườn, anh chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi khi bắt tay vào phát triển giống cây ăn quả đặc sản của Thái Lan. Anh Quang cho biết: "Diện tích vườn của gia đình tôi tuy rộng nhưng độ dốc cao vì vậy, việc tưới đủ nước cho cây gặp không ít khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tôi phải thiết kế hệ thống phun tưới với chí phí lên đến 35 triệu đồng. Ngoài ra, do các giống cây ăn quả của Thái Lan còn khá xa lạ với người dân nên tôi phải tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm bón qua mạng internet hoặc người bạn ở Thường Tín.

Bên cạnh những khó khó khăn, anh Quang cũng có những thuận lợi nhất định. Điển hình như các giống cây ăn quả của Thái Lan có ưu điểm rất khỏe, phát triển nhanh, không bị sâu bệnh nên hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV. Năng suất cũng cao hơn, như quả mít giống trong nước trung bình nặng 10 kg thì quả mít Thái nặng từ 15- 20 kg. Theo đánh giá của người tiêu dùng, quả mít Thái to đều, múi vàng và có vị ngọt đậm. Ngoài ra, giống táo Thái Lan cũng có chất lượng cao khi quả ngọt hơn, to đều và giòn. Chính vì vậy, sản phẩm của gia đình anh được đông đảo người dân trong vùng mua về ăn thử. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa của anh Quang cũng gặp nhiều thuận lợi khi hệ thống giao thông liên thôn, xóm đã được đầu tư xây dựng, các thương lái dễ dàng thu mua sản phẩm ngay tại vườn.

Hiện nay, vườn cây ăn quả của anh Quang được trồng trên diện tích 1,5 ha, trong đó có 60 cây mít và 70 cây táo, tất cả đều là giống cây nhập từ Thái Lan. Sau hơn 1 năm bắt tay vào trồng thử nghiệm, tháng 10/2016, vườn đã cho thu bói 5 tạ quả táo với mức giá trung bình 20.000 đồng/kg, thu về 10 triệu đồng. Cũng trong khoảng thời gian đầu năm 2017, vườn mít Thái cho thu bói 20 quả, mỗi quả nặng từ 15- 18 kg. Do là năm đầu nên anh Quang chỉ thu về khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, các sản phẩm của gia đình anh được tư thương và người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá thành ổn định và chất lượng cao. Đây được xem là tín hiệu khả quan, khích lệ anh Quang tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình.

Anh Quang cho biết thêm: Hiện tại, tôi trồng thêm 100 gốc mít với mục đích mở rộng quy mô vườn để có thêm sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Ngoài ra, tôi giúp đỡ về giống, kỹ thuật chăm sóc cho 2 hộ trồng thí điểm 100 gốc táo. Với những sản phẩm cây ăn quả độc và lạ, tôi mong muốn sẽ xây dựng được thương hiệu vùng cây ăn quả đặc sản của Thái Lan tại quê nhà. Qua đó, bản thân tôi cũng như những người dân phát triển mô hình này sẽ có thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

                                           Đức Anh


Các tin khác


Khởi nghiệp làm giàu ở vùng cao Tân Lạc

(HBĐT) - Những ngày giữa thu, chúng tôi có dịp trở lại xã vùng cao Quyết Chiến, huyện Tân Lạc. Cảm nhận bình yên giữa màu xanh bạt ngàn của rau su su, người dân cần mẫn hái quả, bó ngọn, phân loại rau su su chuyển về tiêu thụ ở Thủ đô Hà Nội. Trò chuyện được biết, người mở lối làm ăn mới, trồng rau sạch ở vùng cao không phải là người dân bản địa. Đó là thanh niên Đinh Văn Long quê ở Văn Lang, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) - từng nhiều năm buôn bán rau quả ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội.

Khởi nghiệp từ 300 con gà

(HBĐT) - Bằng quyết tâm, nghị lực, sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, anh Nguyễn Văn Định, sinh năm 1984, trú tại xóm Vai, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy đã gây dựng cho mình trang trại nuôi gà bản địa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đệ nhất thủy đặc sản vùng hồ sông Đà

(HBĐT) - Trên vùng hồ sông Đà rộng lớn, trong hàng trăm tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, cơ ngơi lồng cá của anh Nguyễn Văn Toản ở xóm Vôi, xã Thái Thịnh (thành phố Hòa Bình) là tầm cỡ nhất, khó ai có thể sánh bì. 31 tuổi, anh quản lý và điều hành Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng với gần 200 lồng cá đặc sản, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ lớn mạnh góp phần đưa thương hiệu cá sạch Hòa Bình vươn xa.

Người chiến sỹ dân quân khởi nghiệp từ những thất bại

(HBĐT) - Mất cha khi còn quá nhỏ. Cuộc sống của 4 mẹ con trông vào mấy sào ruộng đắp đổi qua ngày. Từ hoàn cảnh cuộc sống chỉ có khó khăn và khó khăn đã thôi thúc cậu bé Bùi Huy Chương ngày nào không ngừng nỗ lực vươn lên làm giàu. Dù cho con đường khởi nghiệp vươn lên của chiến sỹ dân quân Bùi Huy Chương ở xóm Minh Sơn, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) gập ghềnh chông gai...

Đam mê với nghề nuôi cá tầm trên vùng nước xoáy

(HBĐT) - Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 2001 về lập nghiệp tại TP Hòa Bình, dược sỹ Đỗ Văn Nhuận đã vận dụng những kiến thức trau dồi sau những năm "đèn sách” trên giảng đường lặn lội nơi rừng sâu, núi thẳm sưu tầm, ứng dụng phương pháp cấy mô để bảo tồn và phát triển được nhiều loại dược liệu quý hiếm. Anh còn là thành viên chủ lực của Công ty CP Biophamrm Hòa Bình trong phát triển vùng dược liệu với hơn 50 ha cây cà gai leo trên vùng đất Yên Thuỷ, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hàng chục hộ nông dân ở xã Đa Phúc.

Làm giàu trên vùng đất khó với cây chè shan tuyết

(HBĐT) - Đổi mới cây trồng nông nghiệp tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế tại xã Trung Thành (Đà Bắc). 70% hộ dân trong xã gắn bó với cây chè san tuyết từ nhiều năm nay khiến cho nhiều người cứ nhắc đến Trung Thành là nhắc "vùng đất chè”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục