(HBĐT) - Bánh gai xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) nổi tiếng với hương vị truyền thống, chất lượng tuyệt hảo. Nhằm nâng tầm sản phẩm truyền thống của địa phương, đưa hương vị thơm, ngọt của bánh gai tới khắp vùng miền, đồng thời nâng cao thu nhập, xóa đói - giảm nghèo, tổ hợp tác sản xuất bánh gai xóm Hạnh Phúc đã được thành lập với thành viên là các chị em đam mê làm bánh.


 Sản phẩm bánh gai của tổ hợp tác xóm Hạnh Phúc, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) đã có mặt tại nhiều phiên chợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Nghề làm bánh gai gia truyền ở Hợp Thịnh chẳng biết có từ khi nào. Thời đó, bánh gai được làm để phục vụ nhu cầu thưởng thức của gia đình, làm quà biếu vào các dịp lễ, Tết, thờ cúng tổ tiên. Qua từng năm, nhiều thế hệ nối tiếp nhau làm bánh và cứ như vậy, món bánh gai được truyền lại cho đến ngày nay.

Chúng tôi tìm đến tổ sản xuất bánh gai xóm Hạnh Phúc, nơi lưu giữ được nghề làm bánh gia truyền hàng chục năm nay. Tổ hợp tác sản xuất bánh gai chính thức nhận quyết định thành lập từ ngày 28/8/2018, gồm 6 thành viên đều là phụ nữ, những người làm bánh lành nghề lâu năm, có tiếng tăm ở xã. Thật may mắn khi chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất cũng là lúc bánh vừa ra lò. Ăn thử miếng bánh, chúng tôi cảm nhận rõ hương vị thơm ngon của gạo nếp, đỗ xanh, xen lẫn vị ngậy của dừa, thịt mỡ. Bà Đồng Thị Sửu, Tổ trưởng tổ hợp tác bánh gai xóm Hạnh Phúc cho biết: "Để có được hương vị như vậy, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo, tinh tế trong từng công đoạn. Các công đoạn đều phải kỹ lưỡng từ khâu chọn gạo, lá gói, làm nhân, làm vỏ bánh... Các nguyên liệu làm bánh được trộn theo tỷ lệ nhất định và nhào kỹ. Việc làm vỏ, nhân bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ thì mới tạo được hương vị đặc trưng. Nhờ đó, sản phẩm bánh gai của tổ hợp tác xóm Hạnh Phúc có hương vị thơm ngon đặc trưng không giống bất kỳ sản phẩm nơi nào".

Qua tìm hiểu được biết, quy trình làm bánh rất công phu, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tinh tế trong từng công đoạn. Nguyên liệu làm bánh gồm lá gai, gạo nếp được xay thành bột. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường cát, dừa, thịt lợn. Bột lá gai, bột gạo nếp được nhào trộn, ủ kỹ, sau đó đem vào cối giã nhuyễn đến khi kết dính vào nhau. Bí quyết ở khâu giã bánh được coi là khâu quyết định chất lượng bánh. Khi trộn bánh phải thật đều, kỹ lưỡng thì vỏ bánh mới mịn, có màu đen bóng đặc trưng. Sau khâu làm vỏ bánh, nguyên liệu được dàn mỏng, đưa nhân bánh đã được nặn thành viên rồi vê tròn bánh trên mâm đã rắc vừng. Hương vị của bánh gai kết hợp với hạt vừng sẽ tạo thêm vị ngọt, bùi và làm cho bánh dễ bóc. Gói bánh không được chặt, cũng không được lỏng quá, lá chuối khô phải dày để khi hấp bánh sẽ chín đều, thời gian bảo quản được lâu hơn. Một chiếc bánh gai hoàn chỉnh có vị thơm của lá gai, dầu chuối, dẻo của gạo nếp, ngọt của đường, đậu xanh, ngậy béo của thịt và pha chút mùi thơm của vừng.

Trên địa bàn xã Hợp Thịnh chỉ xóm Hạnh Phúc còn lưu giữ được nghề làm bánh gai truyền thống. Nếu như trước đây, bánh gai chỉ được làm vào các dịp lễ, Tết thì nay bánh làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Từ khi thành lập tổ hợp tác, sản phẩm bánh gai xóm Hạnh Phúc ngày càng có tiếng trên thị trường, khách hàng từ khắp nơi đến tìm mua ngày càng đông. Sản phẩm bánh gai của tổ hợp tác đã có mặt tại các phiên chợ phụ nữ khởi nghiệp.

Chị Bùi Thị Kim Liên, thành viên tổ hợp tác sản xuất bánh gai cho biết: "Hiện tại, bánh gai xóm Hạnh Phúc có mặt ở hầu hết các gian hàng tạp hóa, đại lý trong và ngoài huyện. Mỗi tháng tổ cho ra lò 3.000 - 4.000 chiếc bánh phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Riêng các ngày lễ, Tết con số này gấp đôi, thậm chí gấp ba. Ngoài làm bánh gai, tổ sản xuất còn làm bánh rợm, bánh gấc... Còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyến đán, tuy vậy đã có nhiều đầu mối đặt hàng làm bánh với số lượng hơn 10.000 chiếc. Từ nay đến Tết, lượng đơn hàng dự kiến nhiều hơn. Với giá bán từ 3.000 - 7.000 đồng/chiếc, tùy vào mẫu mã, sau khi trừ chi phí, các thành viên trong tổ hợp tác đều có thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng". Thời gian tới, với sự hỗ trợ của Đảng ủy, chính quyền xã, tổ hợp tác sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm cơ sở vật chất, tiếp tục xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa trên thị trường.

 

                                                                                     Hoàng Anh

 

Các tin khác


Từ Út Hạnh đến doanh nhân Huỳnh Châu Hạnh

Bài 2 - Ngã ở đâu đứng dậy ở đó

(HBĐT) - Quyết định từ bỏ công việc Nhà nước gắn bó nhiều năm. Dốc sức, dốc tiền khởi nghiệp cách xa nhà gần 2.000 km. Nhớ con, trăn trở trách nhiệm với gia đình. Và thất bại! Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) chết hàng loạt vì cái nóng đốt cháy da thịt của đất Mai Châu những ngày tháng 5. Út Hạnh tưởng như trắng tay!

Từ Út Hạnh đến doanh nhân Huỳnh Châu Hạnh

(HBĐT) - 8,8 tỷ đồng đã được chị "liều lĩnh” đổ xuống mảnh đất Thung Khe, quanh năm sương mù bao phủ, bốn bề núi đá nhấp nhô. Để theo đuổi dự án khởi nghiệp của mình, cứ tối thứ sáu là chị Huỳnh Châu Hạnh (thường trú tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đáp chuyến bay TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội và lên đến Mai Châu khi trời mờ sáng. Dành trọn 2 ngày cho trang trại Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) - Herbal King Mai Châu (tại xóm Thung Khe, xã Thung Khe, huyện Mai Châu). Đêm chủ nhật chị lại bay ngược vào TP Hồ Chí Minh để sáng hôm sau trở về với công việc cơ quan cũng như chăm sóc gia đình. Như "cô gái lấm bùn”, sau hơn 1 năm được chăm chút, gột rửa, đỉnh Thung Khe giờ đây rực rỡ sắc hoa 3 miền, ngát hương thơm từ những cốc trà ĐTHT. Út Hạnh đã góp phần mang đến cho cửa ngõ Mai Châu luồng sinh khí tươi mới, tạo cảm hứng cho các nhà đầu tư tìm đến với Mai Châu.

Anh Hoàng Văn Giang làm giàu từ trồng dổi

(HBĐT) - Yêu đất, yêu cây, tư duy khác với nhiều người, sau hơn chục năm, anh Hoàng Văn Giang đã sở hữu vườn dổi 400 cây, được xem có quy mô lớn nhất vùng đất Lạc Sơn. Ngoài ra, gia đình anh nuôi hàng trăm con lợn bản địa, trồng 2 ha cam lòng vàng đang ở thời kỳ kinh doanh. Mô hình kinh tế này đang vận hành đúng quỹ đạo và chỉ trong ít năm nữa, anh Giang có thể thu nhiều tỷ đồng từ bán hạt dổi.

Kỹ sư trẻ thu hàng trăm triệu đồng từ vườn ươm cây đặc sản

(HBĐT) - Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư loại khá, anh Bùi Văn Tường, xóm Sung 2, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã lựa chọn con đường khởi nghiệp tại quê hương với mô hình chọn và nhân giống cây dổi, cùng một số loại cây đặc sản khác ở địa phương. Sau 5 năm, với sự cần cù, chịu khó, vườn ươm đã đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho chàng kỹ sư trẻ người Mường.

Sáng tạo sản phẩm gỗ lũa có giá trị nghệ thuật chinh phục thị trường

(HBĐT) - Sinh ra ở Nam Định, lên vùng đất Lâm Sơn (Lương Sơn) lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, với tình yêu thiên nhiên, đam mê nghệ thuật, chịu thương, chịu khó, anh Đoàn Xuân Thành đã trở thành chủ cơ sở sản xuất gỗ lũa, tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của những khách hàng khó tính, đóng góp tích cực cho chuyển dịch cơ cấu ở địa phương.

Người “nghĩ khác” ở Bình Thanh

(HBĐT) - Từ hơn 1.000 m2 đất ruộng một vụ chỉ đủ gạo ăn, chị Nguyễn Thị Thương ở xóm Giang, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong đã chuyển sang trồng các loại rau thơm cung cấp cho thị trường TP Hoà Bình. Không chỉ tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn cho thu nhập ổn định gấp 2-3 lần trồng lúa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục