Anh Giang sinh năm 1967,người Nam Định, theo gia đình lên xã Thượng Cốc xây dựng kinh tế mới từ nhỏ. Anh học nghề cơ khí, từng làm công nhân sông Đà, nay đây mai đó chẳng liên quan gì đến cây cối. Sau này về nghỉ chế độ sớm ở tại khu phố La Văn Cầu, anh đầu tư làm vườn và bắt đầu xây dựng "cơ đồ” từ hơn chục năm trước. Ở cái thời cả tỉnh sôi sục phong trào trồng rừng PAM theo Dự án 327, đâu đâu cũng trồng bạch đàn, keo các loại, mỗi lần về thăm quê, anh ngẩn ngơ yêu lắm những cây bạch đàn thân thẳng tắp, sức vươn mạnh mẽ. Anh ước ao mình cũng có những vườn cây đẹp như vậy.
Cây dổi là lựa chọn khi đi làm ăn trong huyện, bởi là cây bản địa, cây cao thẳng tắp, có quả, hương thơm, có thể làm tinh dầu và gỗ quý. Năm 2010, anh bắt đầu thực hiện dự định trồng một vườn dổi có quy mô. Lúc bấy giờ chưa có nhiều người trồng dổi như bây giờ. Mấy ha đất, anh chia phân nửa trồng cam và dổi. Thời điểm cam lên ngôi, anh đã có tới 2 ha cam ở 2 khu vườn, năm đầu thu bói được 350 triệu đồng. Mấy năm gần đây, đều đặn anh thu gần 1 tỷ đồng, ngang ngửa với các vùng cam có truyền thống trong tỉnh. Khi bắt tay trồng dổi, nhiều người hồ nghi, sao không dành hết đất trồng cam, thời điểm ấy cây cam cho thu khoảng 500 triệu đồng/ha.
Vườn dổi 400 cây của gia đình anh Hoàng Văn Giang đã thu bói.
Anh Hoàng Văn Giang tâm sự: Thấy tôi trồng dổi, nhiều người bảo hâm. Nhưng tôi lại nghĩ khác, thứ nhất là yêu cây, quý đất, trồng dổi cũng như các cây khác là được trở về với sở thích, đam mê. Mặt khác, dổi là cây bản địa của đất Lạc Sơn, có sức sống mạnh mẽ và thực tế có giá trị cao, hạt dổi là gia vị chấm thịt lợn, thịt gà, nấu măng chua từ lâu đã là đặc sản. Hạt dổi có thể chế tinh dầu, làm thuốc. Kể cả sau này dổi không có hạt cũng không lo lắng vì gỗ dổi có giá trị rất cao. Cây dổi vốn là loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh và có mùi thơm, chỉ có người giàu mới dám dùng đồ mộc gỗ dổi như cửa, tủ, bàn ghế và làm phản…
Anh Giang giới thiệu và kể cho chúng tôi những câu chuyện về cây dổi trong sự phấn khích lạ lùng. Dổi là cây làm chơi ăn thật. Cứ yêu thiên nhiên, yêu dổi đi, dổi sẽ trả nghĩa thật nhiều. Về Thượng Cốc, người ta vẫn kể cho nhau chuyện cây dổi trả nghĩa anh Giang.Mấy năm trước ở vùng Thượng Cốc có một cây dổi cổ thụ, có tuổi đến hơn 50 năm, cao chót vót, quả ra rất nhiều, giá tới 2 - 3 triệu đồng/kg. Nhưng oái oăm thay nó lại trồng ở giữa hai nhà dân. Thân dổi ở nhà chủ, nhưng tán lại lan sang nhà hàng xóm, thành thử sinh mâu thuẫn. Chủ nhà bực mình quyết định chặt dổi cổ thụ. Yêu cây, anh Giang trở thành người hòa giải bất đắc dĩ, anh đến từng nhà vận động và mua cây dổi giá 28 triệu đồng để chia cho 2 nhà. Vậy là đến nay cây dổi vẫn còn. Anh vừa giữ được cây dổi cổ thụ, lại vừa lấy được vô số mắt ghép để tạo giống dổi, riêng tiền bán quả cũng đã bằng tiền bỏ ra mua. Cây dổi có giá trị cao so với các loại cây trồng khác, chỉ cần yêu cây là có tiền. Cùng phố La Văn Cầu, cạnh nhà anh Giang có ông Nguyễn Đức Chiêu trồng dổi để tránh nắng, bây giờ đã được 15 năm, có 4 - 5 cây cho thu hoạch, cây nhiều thu 10 kg, cây ít thu 5 kg. Năm ngoái và cả năm nay, ông thu hơn 30 triệu đồng từ bán dổi.
Cho đến thời điểm này, vườn dổi của anh Giang đem lại cảm giác ngẩn ngơ, nể phục, ước ao cho bất cứ ai đến thăm, ngắm nhìn. Đưa chúng tôi đi thăm vườn dổi rộng 2 ha, bước vào năm thứ 8, cây cách cây 7 - 8 mét, hàng cách hàng thẳng tắp, mỗi cây to như thùng gánh nước, cao tới 20 mét, gốc trắng, cành lá xanh mướt, nhiều cây quả sai trĩu. Vườn dổi có tới 400 cây, trong đó 300 cây thực sinh (trồng tự nhiên, 100 cây ghép) đã bắt đầu cho thu quả. Anh Giang cho biết: Vườn dổi đã cho thu, tính mỗi cây khoảng 3 kg, giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg thì mỗi cây dổi hơn hẳn trồng cam, bưởi. Chỉ năm nay, năm nữa, khi dổi bắt đầu vào đỉnh cao, đủng đỉnh "đút túi” vài tỷ đồng là chắc. Không chỉ trồng dổi, trồng cam, dưới tán dổi tỏa hưởng thơm ngát, anh quy hoạch chuồng trại thả lợn bản địa với hàng trăm con. Anh còn là cơ sở cung cấp giống dổi cho các khu vực miền Bắc và cả Tây Nguyên, đem lại nguồn thu khá lớn, có những thời điểm anh phải thuê tới 20 người làm công nhật.
Tư duy luôn đi trước, anh Giang vừa mua thêm 5 ha đất ở xã Chí Đạo - vùng lõi cây dổi của huyện Lạc Sơn để mở rộng diện tích " cây vàng” này. Không chỉ dừng lại ở đó, anh Giang đang có kế hoạch làm thương hiệu dổi riêng. Anh đã đóng gói hạt dổi do gia đình sản xuất mang tên "Dổi Hoàng Giang”, đi tiếp thị ở các vùng du lịch như thác Mu và một số nơi khác, được khách hàng ưa chuộng. Anh cho biết: Tới đây sẽ thực hiện đăng ký nhãn hiệu dổi Hoàng Giang và trong tương lai phải tính đến câu chuyện xuất khẩu sản phẩm sang một số nước trong khu vực.
L.C