(HBĐT) - Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư loại khá, anh Bùi Văn Tường, xóm Sung 2, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã lựa chọn con đường khởi nghiệp tại quê hương với mô hình chọn và nhân giống cây dổi, cùng một số loại cây đặc sản khác ở địa phương. Sau 5 năm, với sự cần cù, chịu khó, vườn ươm đã đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho chàng kỹ sư trẻ người Mường.


Đam mê làm vườn từ nhỏ, anh Bùi Văn Tường (27 tuổi) luôn ấp ủ khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đó cũng là lý do trong khi bạn bè đồng trang lứa dừng sự học khi tốt nghiệp THPT, còn Tường thì ngày đêm đèn sách để thi vào trường Đại học Lâm nghiệp.

Năm 2013, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư nông lâm loại khá, Tường sớm định hình con đường đi với ước muốn xây dựng một mô hình cho riêng mình. Ý tưởng đó được chắp cánh khi anh được tham gia vào dự án chọn tạo và nhân giống cây dổi ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn) do Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản, thuộc Hội KH-KT Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện.


Anh Bùi Văn Tường (bên trái), xóm Sung 2, xã Thanh Hối (Tân Lạc) giới thiệu về mô hình vườn ươm các giống cây đặc sản của mình.

"Sau một năm vừa học, vừa trực tiếp ghép cây dổi, tôi đã học hỏi được rất nhiều và tôi quyết định thành lập vườn ươm cho riêng mình. Đây có thể như cái duyên vậy, vì hồi còn học ở trường, tôi phải thi lại môn giống cây trồng”, anh Tường cho hay.

Những năm gần đây, cây dổi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, cây phải đủ từ 7 - 10 năm tuổi thì mới cho thu hoạch quả. Do đó, khi dự án của Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản thực hiện thành công kỹ thuật ghép cây dổi đã mở ra hướng phát triển đầy tiềm năng của loại cây. Sau 1 năm tham gia dự án, anh Tường là một trong những người đầu tiên ở Hòa Bình thực hiện thành công kỹ thuật ghép dổi. Tường bắt đầu xây dựng vườn ươm với vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng. Lúc này, vườn ươm chỉ rộng 200 m2. Đến năm thứ hai, với nguồn thu từ bán cây dổi ghép giống, Tường đầu tư mở rộng thêm vườn ươm. Đến nay, ngoài vườn ươm tại gia đình, anh còn liên kết xây dựng vườn ươm cây dổi ở xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) với tổng diện tích trên 4.000 m2.

Là người đã dìu dắt, giúp đỡ anh Tường từ những ngày đầu khởi nghiệp, Tiến sỹ Hoàng Thanh Lộc, Viện trưởng Viện cải thiện giống và phát triển lâm sản không khỏi tự hào trước những gì mà học trò đã đạt được. Ông cho biết: Đây là một trong những vườn ươm đạt chuẩn về kỹ thuật ở khu vực phía Bắc. Nhờ nắm bắt tốt các kỹ thuật nên chất lượng cây giống ở vườn ươm này đảm bảo, đặc biệt các loại cây được nhân giống bằng phương pháp ghép cành là những cây đặc sản của địa phương như dổi, trám đen.

Chất lượng làm nên thương hiệu, vườn ươm tăng trưởng không ngừng. Nếu năm thứ hai, anh Tường mới thu được khoảng 40 triệu đồng thì đến năm thứ ba, con số này tăng lên hơn 100 triệu đồng. Sự tăng trưởng ấn tượng đến từ năm thứ tư, vườn ươm đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, anh Tường đã cung cấp ra thị trường hàng vạn cây giống, gồm: dổi, trám trắng, trám đen và nhiều loại cây ăn quả khác, trừ chi phí đem lại thu nhập 400 triệu đồng. Thành công mà anh Tường có được ngày hôm nay là kết quả của quá trình lao động bền bỉ, nghiêm túc.

Anh Tường chia sẻ: "Đến nay, ngoài khách hàng ở trong tỉnh, gia đình tôi còn cung cấp giống cho nhiều bà con ở Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Hầu hết cây giống trong vườn đều đã có khách đặt hàng. Bản thân tôi luôn xác định, phải tạo ra những cây giống đảm bảo chất lượng. Để làm được điều đó, mình phải tỉ mỉ trong từng khâu chọn mắt ghép, cây ghép cũng như chăm sóc. Về hướng phát triển, tôi tiếp tục chú trọng chọn và nhân giống các giống cây đặc sản khác của địa phương như dổi, trám vừa để đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa góp phần bảo tồn các giống cây quý, có giá trị kinh tế cao này”.

Cùng chúng tôi đến thăm mô hình của anh Tường, đồng chí Bùi Văn Thiệp, Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh Hối cho biết: Hiện nay, xã Thanh Hối cũng có một số mô hình kinh tế nổi bật do ĐVTN làm chủ. Tuy nhiên, mô hình của đoàn viên Bùi Văn Tường là hướng đi mới, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn định hướng cho nhiều ĐVTN và bà con địa phương phát triển kinh tế, nhất là trồng cây đặc sản. Một số hộ ở địa phương trồng cây dổi ghép do vườn ươm của anh Tường cung cấp, nay đã bắt đầu bói quả. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tường còn là ĐVTN năng nổ trong các hoạt động của Đoàn thanh niên.

Mặc dù còn khá trẻ nhưng với sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng, quyết tâm theo đuổi đam mê, chàng kỹ sư 9X người Mường - Bùi Văn Tường đã trở thành tấm gương sáng trong nỗ lực khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.


Viết Đào


Các tin khác


Hợp tác xã An Sinh khởi nghiệp từ trồng sả

(HBĐT) - Trồng sả không mất nhiều công chăm sóc, giống dễ kiếm, phù hợp với nhiều loại đất, yêu thích mùi tinh dầu sả... đó là những lý do để chị Đinh Thị Huệ, HTX dịch vụ tổng hợp An Sinh, thôn chợ Đập, xã An Bình (Lạc Thuỷ) xây dựng ý tưởng trồng sả, sản xuất tinh dầu, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Ý tưởng của chị Huệ bước đầu có thành công nhất định.

8X khởi nghiệp với mô hình sản xuất thực phẩm sạch

(HBĐT) - Có công việc ổn định tại UBND xã Yên Trị, thế nhưng, chàng trai 8X Bùi Huy Chương (sinh năm 1984) xóm Minh Sơn, xã Yên Trị (Yên Thủy) đã quyết định rời công sở và bắt đầu thực hiện đam mê tạo ra thực phẩm sạch để cung cấp cho người tiêu dùng.

Trần Văn Minh - “Nông dân Việt Nam xuất sắc”

(HBĐT) -Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, ông Trần Văn Minh ở xóm Điếm Tổng, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn đã mạnh dạn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Mô hình gia trại và kinh doanh máy xúc phục vụ xây dựng vận tải mỗi năm cho gia đình ông tổng lợi nhuận 4,5 tỷ đồng. 5 năm liền, ông được công nhận là nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp T.Ư; tháng 10/2018 được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư vinh danh là 1 trong 63 "Gương mặt nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018.

Triển vọng từ mô hình chăn nuôi bò công nghệ cao

(HBĐT) - Nằm lọt thỏm trong khan gian núi đồi hùng vỹ của xã Tân Mỹ, huyện lạc Sơn có 1 khu trang trại bò với sức chứa khoảng 1000 con. Đây là khu trang trại vùng lõi của Công ty CP chăn nuôi T&T 159 huyện Lạc Sơn. 

Vườn lan tiền tỷ của 9X ở bản nghèo

(HBĐT) -Đam mê những nhành lan rừng khi còn là đứa trẻ, theo thời gian thì tình yêu với loài cây cảnh này ngày một sâu nặng. Và rồi, lan rừng lên ngôi, trở thành thú chơi thịnh hành đã mở ra cơ hội lớn để hai anh em 9X ở một xóm nghèo thuộc xã Đông Lai (Tân Lạc) khởi nghiệp và gặt hái được những thành công.

Cô gái Mường “chèo lái” hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến

(HBĐT) - Thành lập từ tháng 4/2018, HTX sản xuất rau an toàn (RAT) Quyết Chiến, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) đang được Đinh Thị Quyết - cô gái Mường SN 1986 ở xóm Biệng "chèo lái”. Quyết hiện đang nắm giữ vai trò Giám đốc HTX, trực tiếp phụ trách lĩnh vực thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục