(HBĐT) - "Cả 4 chúng tôi từng phải ôm nhau khóc giữa núi rừng hoang vu, cô tịch. Bởi sức người có hạn nhưng khó khăn thì vô hạn”. Xoa đôi bàn tay dầy nốt chai, sần, hướng ánh mắt về phía vườn bưởi Diễn đang mùa trĩu quả vàng óng, ông Bạch Công Thế ở xóm Khả Trên, xã Bắc Sơn (Kim Bôi) mở đầu câu chuyện về con đường làm giàu ở vùng đất nhìn đâu cũng thấy khó khăn, trắc trở một cách tự nhiên, chân chất như chính những con người nơi đây vậy.

 


 Từ nơi hoang vu sỏi, đá cằn cỗi, 4 anh em ông Bạch Công Thế (phải) ở xóm Khả, xã Bắc Sơn (Kim Bôi) đã khởi tạo thành một "rừng” bưởi mỗi năm mang về hàng tỷ đồng.

Rủ nhau bỏ nhà lên núi...

Núi Khả là dãy núi đá vôi trùng điệp. Để đến được nơi 4 anh em ông Thế đặt những nhát cuốc đầu tiên cho công cuộc khai hoang ở nơi rừng núi hoang vu này không phải là dễ. Từ xóm vào, dù chỉ vài ba km đường rừng nhưng cũng phải lội suối 4 - 5 lần. "Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa chẳng ai dám vào vì cứ mưa là nước lũ lại ầm ào đổ về”, chỉ tay về phía những vạt cỏ lau trải rộng 2 bên bờ suối ngả rạp xuôi hướng dòng nước chảy, ông Bùi Văn Phú - 1 trong 4 người đàn ông "bỏ nhà lên núi” để làm giàu minh chứng cho những khó khăn từng trải.

Khoát một vòng tay về phía trước bao trọn cả cánh "rừng” bưởi đang vào mùa chín rộ, quả vàng óng vít cành chạm đất, ông Thế chia sẻ: Đó là mồ hôi, nước mắt, là thành quả của hơn chục năm cực nhọc của 4 anh em nơi vùng núi hoang vu này. Đến giờ, nhiều lúc ngồi lại với nhau, cả 4 anh em chúng tôi cũng không hiểu được làm thế nào mà mình đã vượt qua được những khó khăn, gian khổ và thiếu thốn ở thời điểm ban đầu vào nơi sơn cùng thuỷ tận này để lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi cũng không lý giải được sợi dây nào đã nối kết 4 anh em một cách bền chặt trong hàng chục năm để đi đến ngày hôm nay.

Từ nơi rừng núi hoang vu lau lách, cỏ dại mọc ngập đầu người đã dần được những người đàn ông này khai phá. Ban đầu chỉ là những mảnh đất nhỏ rồi theo năm tháng không ngừng được mở rộng lên 1 ha, rồi 2 ha, đến bây giờ là 4 ha. Trên mảnh đất ấy, đầu tiên là các loại ngô, sắn, đậu, lạc để đảm bảo lương thực cho gia đình, rồi đến các loại cây lấy hạt như mướp đắng, bí đỏ. "Những năm 2000, việc trồng các loại cây lấy hạt đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định. Đời sống gia đình mấy anh em chúng tôi được cải thiện hơn nhiều. Tuy nhiên, việc đầu tư, canh tác các loại cây này phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt. Hơn nữa, xác định cái gì cũng có thời điểm nên sau đó 4 anh em thống nhất chuyển sang trồng bí xanh thương phẩm”, ông Bùi Văn Phú nhớ lại.

Chính việc chuyển đổi này đã trở thành bước ngoặt để họ đến với cơ duyên lớn trong đời. Khi trong những người đến mua bí là một người có kinh nghiệm và tâm huyết với cây bưởi Diễn. Trong một lần đến thu mua bí tại vườn rừng nơi 4 anh em họ khai hoang đã nhận thấy chất đất ở đây có nhiều điểm tương đồng với vùng đất quê ông và phù hợp với cây bưởi Diễn. Qua trò chuyện, người đàn ông đó đã gợi ý cho 4 anh em về loại cây trồng mới. Cây bưởi Diễn. "Từ sự gợi mở đó, cả 4 anh em đã ngồi lại bàn bạc và đi đến thống nhất chuyển sang trồng bưởi Diễn như một "canh bạc” tất tay.

... để biến sỏi đá thành "vàng”

Nói là "liều”. Nhưng khi chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng bí xanh đang cho thu hoạch tốt sang trồng bưởi, cả 4 anh em đều có những dự tính. Hơn nữa, họ tin vào những kết quả, sự thành công với loại cây trồng mới này trong tương lai không xa. "Mặc dù cây bưởi là loại cây trồng không mất nhiều công chăm sóc như cam hay các loại cây trồng khác. Thế nhưng, cả 4 anh em đã có thời điểm mất ăn, mất ngủ vì mới bắt tay vào làm chưa có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật chăm sóc. Mọi thứ đều phải tự mày mò, tự rút kinh nghiệm chứ chẳng có ai hướng dẫn, chỉ bảo...”, ông Bùi Văn Sang nhớ lại.

Mong ngóng từng ngày cho đến khi cây đơm hoa, kết trái. Khi cây có quả rồi lại lo không biết sẽ bán ở đâu, ai mua. Thế nhưng "bài toán” đó đã có câu trả lời khi vụ thu hoạch đầu tiên sau mùa quả bói đã có tư thương đến tận vườn hỏi mua. Tuy nhiên, do đường xá đi lại quá khó khăn nên vụ đầu tiên thu chưa đáng là bao. Đêm hôm đó, cả 4 anh em không ngủ. Họ ngồi bên bếp lửa. Trước mặt họ là bọc tiền của biết bao mồ hôi, nước mắt đắp đổi. Những giọt nước mắt của 4 người đàn ông sạm dày sương gió một lần nữa lại rơi khi những đôi bàn tay chai sần đang siết vào nhau thật chặt. "Đó cũng là thành quả ban đầu để cả 4 anh em tiếp tục cố gắng, nỗ lực”, ông Thế chia sẻ. Qua vụ đầu tiên, cả 4 nhận thấy rằng cần phải mở một con đường để tư thương vào thu mua. Nghĩ là làm. Suốt 1 năm ròng, ngoài thời gian dành cho việc chăm sóc vườn bưởi, cả 4 anh em cùng nhau phát tuyến, mở đường. Từ con đường mòn lầy lội vết chân trâu. Một con đường mới đủ cho chiếc ô tô tải đi dần hình thành. Có đường, có vốn, có mối để bán bưởi, cả 4 anh em thống nhất tiếp tục khai khẩn đất hoang, nhận thầu đất của xã và các hộ có đất xung quanh mở rộng diện tích trồng bưởi từ 1 ha lên 2 ha rồi bây giờ là 4 ha. "Quá trình làm, chúng tôi đã trồng thử cây cam Canh, nhưng hiệu quả đem lại không được như mong đợi. Chúng tôi vẫn phải quay lại với cây bưởi”, ông Phú góp chuyện.

Gắn bó với cây bưởi, sau hơn 10 năm đã mang đến cho họ tất cả những gì họ muốn. Từ nơi rừng núi hoang vu, bạt ngàn lau lách, sỏi, đá cằn cỗi khi xưa giờ qua bao mồ hôi, nước mắt đã biến thành "vàng”. Từ cánh "rừng” bưởi, mỗi năm đem về cho họ hàng tỷ đồng. Chỉ tay về phía vườn bưởi đang mùa chín rộ, ông Thế giãy bày: Vườn này chúng tôi vừa bán với giá 1 tỷ đồng. Tiền nhận rồi, bây giờ bưởi là của người ta. Còn phía xa kia, người ta cũng vừa trả giá ngót 1 tỷ đồng nhưng chúng tôi chưa đồng ý. Ngoài vườn đó, còn có 2 vườn bưởi nữa dành đến Tết mới bán...

Chia tay họ khi mặt trời đã lặn khuất sau dãy núi Khả. Chúng tôi thầm ước trên khắp quê hương mình sẽ có nhiều hơn nữa những người nông dân dám nghĩ, dám làm, dám vượt lên khó khăn và có khát vọng làm giàu trên chính nơi "chôn nhau, cắt rốn” để biến những vùng đất sỏi đá, cằn cỗi thành những mùa quả ngọt.



                                                          Mạnh Hùng

 

 

 

Các tin khác


Từ Út Hạnh đến doanh nhân Huỳnh Châu Hạnh

Bài 3 - Từng bước đưa Đông trùng hạ thảo Mai châu ra thị trường

(HBĐT) - Trên thị trường hiện nay, Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) nhập khẩu có giá "siêu đắt”, khoảng từ 1 - 2 tỷ đồng/kg sấy khô, còn các thương hiệu ĐTHT được nuôi trồng tại Việt Nam thì chưa có chỗ đứng. Đặc biệt, niềm tin của khách hàng vào sản phẩm chưa cao do người tiêu dùng chưa có đầy đủ thông tin về sản phẩm, do đó ĐTHT vẫn khá xa lạ với số đông người tiêu dùng. Thực tế này đã đặt ra nhiều thử thách cho doanh nhân Huỳnh Châu Hạnh trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ Út Hạnh đến doanh nhân Huỳnh Châu Hạnh

Bài 2 - Ngã ở đâu đứng dậy ở đó

(HBĐT) - Quyết định từ bỏ công việc Nhà nước gắn bó nhiều năm. Dốc sức, dốc tiền khởi nghiệp cách xa nhà gần 2.000 km. Nhớ con, trăn trở trách nhiệm với gia đình. Và thất bại! Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) chết hàng loạt vì cái nóng đốt cháy da thịt của đất Mai Châu những ngày tháng 5. Út Hạnh tưởng như trắng tay!

Từ Út Hạnh đến doanh nhân Huỳnh Châu Hạnh

(HBĐT) - 8,8 tỷ đồng đã được chị "liều lĩnh” đổ xuống mảnh đất Thung Khe, quanh năm sương mù bao phủ, bốn bề núi đá nhấp nhô. Để theo đuổi dự án khởi nghiệp của mình, cứ tối thứ sáu là chị Huỳnh Châu Hạnh (thường trú tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đáp chuyến bay TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội và lên đến Mai Châu khi trời mờ sáng. Dành trọn 2 ngày cho trang trại Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) - Herbal King Mai Châu (tại xóm Thung Khe, xã Thung Khe, huyện Mai Châu). Đêm chủ nhật chị lại bay ngược vào TP Hồ Chí Minh để sáng hôm sau trở về với công việc cơ quan cũng như chăm sóc gia đình. Như "cô gái lấm bùn”, sau hơn 1 năm được chăm chút, gột rửa, đỉnh Thung Khe giờ đây rực rỡ sắc hoa 3 miền, ngát hương thơm từ những cốc trà ĐTHT. Út Hạnh đã góp phần mang đến cho cửa ngõ Mai Châu luồng sinh khí tươi mới, tạo cảm hứng cho các nhà đầu tư tìm đến với Mai Châu.

Anh Hoàng Văn Giang làm giàu từ trồng dổi

(HBĐT) - Yêu đất, yêu cây, tư duy khác với nhiều người, sau hơn chục năm, anh Hoàng Văn Giang đã sở hữu vườn dổi 400 cây, được xem có quy mô lớn nhất vùng đất Lạc Sơn. Ngoài ra, gia đình anh nuôi hàng trăm con lợn bản địa, trồng 2 ha cam lòng vàng đang ở thời kỳ kinh doanh. Mô hình kinh tế này đang vận hành đúng quỹ đạo và chỉ trong ít năm nữa, anh Giang có thể thu nhiều tỷ đồng từ bán hạt dổi.

Kỹ sư trẻ thu hàng trăm triệu đồng từ vườn ươm cây đặc sản

(HBĐT) - Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư loại khá, anh Bùi Văn Tường, xóm Sung 2, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đã lựa chọn con đường khởi nghiệp tại quê hương với mô hình chọn và nhân giống cây dổi, cùng một số loại cây đặc sản khác ở địa phương. Sau 5 năm, với sự cần cù, chịu khó, vườn ươm đã đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho chàng kỹ sư trẻ người Mường.

Sáng tạo sản phẩm gỗ lũa có giá trị nghệ thuật chinh phục thị trường

(HBĐT) - Sinh ra ở Nam Định, lên vùng đất Lâm Sơn (Lương Sơn) lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, với tình yêu thiên nhiên, đam mê nghệ thuật, chịu thương, chịu khó, anh Đoàn Xuân Thành đã trở thành chủ cơ sở sản xuất gỗ lũa, tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của những khách hàng khó tính, đóng góp tích cực cho chuyển dịch cơ cấu ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục