(HBĐT) - Với sự đam mê, sáng tạo, dám chấp nhận và vượt qua thất bại, bà Đặng Thị Phương Hảo cùng các cộng sự ở Công ty CP Biopharm Hòa Bình là những người đầu tiên thuộc khối tư nhân ở tỉnh Hòa Bình và khu vực phía Bắc tự nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô trong lĩnh vực cây dược liệu. Đây cũng là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh và hiện làm chủ hơn 20 quy trình công nghệ nhân nhanh giống các cây dược liệu quý hiếm. Thành công trong lĩnh vực khoa học ứng dụng, với sự vượt trội của công nghệ mới mang tính đột phá, đóng góp cho khoa học, lý luận và thực tiễn. Đồng thời, bảo tồn, nhân giống, "cứu” được một số loại cây dược liệu khỏi nguy cơ cạn kiệt, mất giống; mở ra cơ hội sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bài 1: Chọn việc mới, việc khó

Vấn đề chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhu cầu sử dụng các loại dược liệu từ nguồn gốc tự nhiên ngày càng được người dân quan tâm. Các thành viên sáng lập công ty đã trăn trở "Tại sao một số thảo dược lại đắt đến vậy?!”.Khi bắt tay vào nghiên cứu, thực nghiệm mới có thể biết là do công dụng hay quá trình để có sản phẩm quá lâu, sinh khối quá bé, ngoài tự nhiên đã cạn kiệt, số lượng hạn chế, khai thác khó khăn... Vậy, câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để biến loài dược liệu quý hiếm thành hàng hóa để cung cấp dược liệu bền vững, giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thị trường?.

Bà Đặng Thị Phương Hảo, Giám đốc Công ty CP Biopharm Hòa Bình kiểm tra sự phát triển của cây trong phòng nuôi cấy mô của công ty .

Với quyết tâm đi tìm câu trả lời, tháng 7/2013, Công ty CP Biopharm Hòa Bình được thành lập tại tổ 17, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Giám đốc là bà Đặng Thị Phương Hảo, kỹ sư chuyên ngành cây trồng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Với kiến thức, đam mê và tinh thần quyết tâm, công ty đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu quy trình công nghệ invitro trong nhân giống, nuôi trồng các loại cây dược liệu quý hiếm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, việc khó bởi thời điểm đó ở khu vực miền Bắc và tại tỉnh Hòa Bình chưa có doanh nghiệp dược nào chọn hướng đầu tư này. Ngay cả một số chuyên gia gạo cội về dược liệu của Việt Nam khi tới thăm công ty cũng cho rằng đó là việc viển vông. Còn nhiều người cho đây là lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm, bà Hảo và cộng sự liều lĩnh vì đầu tư nghiên cứu ban đầu rất đắt nhưng khả năng thất bại cao. Tất cả đều nghĩ rằng đây là việc của các đơn vị công lập, phải sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện. Song, theo quan điểm của công ty, việc gì dễ thì không đến lượt, lấy khó khăn làm cơ hội, không ỷ lại, trông chờ, hãy tự tạo cơ hội cho chính mình.

Nhân giống theo công nghệ invitro hay nuôi cấy mô là phương thức nuôi cấy các bộ phận thực vật trong ống nghiệm có chứa môi trường xác định ở điều kiện vô trùng. Kỹ thuật này dựa trên nguyên lý tế bào thực vật có tính toàn thể, từ 1 mô, 1 cơ quan hoặc 1 tế bào của bất kỳ bộ phận nào của cây đều có thể phát triển thành 1 cây hoàn chỉnh nếu được nuôi trong môi trường thích hợp. Đây là phương thức nhân tạo, phi truyền thống, thực hiện chủ yếu trong phòng thí nghiệm.

Lý thuyết là vậy, nhưng khi bắt tay thực hiện gặp vô vàn gian nan. Trong thực tế, với mỗi một đối tượng cụ thể đều có những khác biệt. Các cây dược liệu quý hầu hết là loài cây hoang dã chưa có tài liệu hướng dẫn nhân giống. Muốn có mẫu nghiên cứu phải lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm để tìm. Trong quá trình tìm có những cây đã nằm trong "Sách đỏ Việt Nam”, cấp bách cần bảo tồn do tài nguyên, môi trường suy kiệt như cây thạch hộc, gỉ sắt, lan kim tuyến, giảo cổ lam... Vì thế, cách tiếp cận vấn đề đôi khi phải đi ngược theo trình tự: tìm kiếm - bảo tồn - nhân giống - thị trường. Để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, công ty đã huy động vốn đầu tư 3 phòng nuôi cấy mô, 3 nhà lưới, vườn bảo tồn và thử nghiệm quy trình sản xuất trên tổng diện tích gần 8 ha với các thiết bị: nồi hấp áp lực cao, tủ bảo quản, tủ cấy vô trùng, kính hiển vi...

Do mỗi loại cây có một quy trình nhân giống riêng nên để "bẻ khóa” được đòi hỏi phải dành nhiều chất xám, tâm lực. Theo bà Hảo, chuyện làm việc liên tục cả ngày trong phòng thí nghiệm không biết ở ngoài đã tối là bình thường. Bao nhiêu lần phải đổ bỏ cả nghìn lọ giống, thức trắng đêm trăn trở... Bà rút ra làm khoa học thực nghiệm như đi trên con đường mòn có nhiều ngã rẽ không có biển chỉ đường, tự mình phải chọn đi con đường nào. Nếu chọn sai sẽ phải trả giá bằng công sức, thời gian, vốn cho cả quá trình... và phải quay lại từ đầu. Bà đã "đi lạc đường” nhiều nhưng sau đó kiên trì "tìm đường” khác phù hợp. Mỗi lần như vậy, bà phát hiện ra nhiều điều mới. Những quy trình thao tác, điều kiện cho từng giai đoạn dần được phác thảo. Song thành công ban đầu chưa phải là cuối của con đường nên phía trước sẽ lại gặp những lối rẽ không lường, việc đi tiếp hay không phụ thuộc vào nghị lực cá nhân và sự kiên định của công ty.

Đáng khích lệ là thời điểm phòng nuôi cấy mô của công ty đi vào hoạt động năm 2013 là phòng nuôi cấy mô do doanh nghiệp tư nhân đầu tư đầu tiên tại tỉnh và tại các công ty dược ở khu vực phía Bắc. Ngay cả các công ty dược liệu lớn như Traphaco, Dược liệu T.Ư 2... cũng không chọn kênh đầu tư này. Tuy nhiên, cũng phải trải qua khoảng 1 năm mới nghiên cứu được 1 quy trình sơ bộ và kiên trì thêm 1 - 2 năm nữa mới có quy trình hoàn thiện để thích hợp khi đưa ra ngoài tự nhiên.

Bà Hảo tâm sự: Nếu so sánh với các ngành nghề kinh doanh khác cho lợi nhuận luôn thì không thể kiên trì mà nghiên cứu tiếp được. Tôi xác định trước là đã dấn thân đi tìm công nghệ mới thì lúc đầu thất bại nhiều hơn thành công, nếu không sẽ "vỡ mộng” và chán nản. Thành công sẽ không đến với người nhụt chí. Luôn đặt câu hỏi "tại sao lại thế” mới kích thích được sự sáng tạo. Sau gần 1 năm, chúng tôi đã nghiên cứu thành công quy trình đầu tiên là quy trình nhân giống, sản xuất lan kim tuyến (cây dược liệu có nhiều đặc tính quý).

Khác với các phương pháp truyền thống (giâm, chiết, ghép), nuôi cấy mô tế bào ưu việt ở chỗ cho phép nhân hàng loạt các cá thể có độ đồng đều và ổn định cao về các đặc tính quan trọng (năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu bệnh…). Quá trình sản xuất cây con không phụ thuộc vào thời tiết, tiến hành được quanh năm. Đây còn là một công cụ hiệu quả trong sản xuất các dòng cây sạch bệnh, chọn lọc và nhân nhanh các dòng cây kháng bệnh, hiệu quả trong các chương trình chọn tạo giống mới. Vì vậy, có thể chủ động được nguồn giống chất lượng cao với số lượng lớn. Kết quả nghiên cứu của công ty được đánh giá là có tính đột phá, đóng góp cho khoa học, lý luận và thực tiễn, mở ra cơ hội sản xuất, kinh doanh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

                                                                                                                           Cẩm Lệ

Bài 2: "Bản sắc" doanh nghiệp khoa học - công nghệ đầu tiên của tỉnh


Các tin khác


Bí thư Đoàn 8X khởi nghiệp với homestay kiểu mới

(HBĐT) - Làm du lịch cộng đồng- homestay đã trở nên quen thuộc đối với người dân huyện Mai Châu, tuy nhiên, đa phần người dân vẫn làm theo lối truyền thống nên còn hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Nhận thấy thực tế đó, Bí thư Đoàn xã Chiềng Châu Hà Công Hợi đã mạnh dạn đổi mới cách làm, mang những nét độc đáo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại làm hài lòng du khách.

Hà Văn Quỳnh - đứng dậy từ những thất bại

(HBĐT) - Liên kết với các HTX sản xuất rau an toàn trong tỉnh và tỉnh Sơn La; ký kết hợp đồng tiêu thụ rau, củ, quả các loại với nhiều cửa hàng ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và TP Hà Nội; lúc cao điểm có ngày cung cấp cho thị trường 7 - 8 tấn sản phẩm; giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở xã đặc biệt khó khăn. Để có được thành công thuyết phục này, ít ai biết được Hà Văn Quỳnh - Giám đốc HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Tam Hòa, xã Tân Sơn (Mai Châu) từng có thời điểm "ngậm đắng nuốt cay” trên bước đường khởi nghiệp.

Cô chủ 9x thành công với chuỗi cửa hàng Spa

(HBĐT) - Xinh đẹp, tài giỏi, nhiệt huyết với công việc, đó là những gì mà giới trẻ ở TP. Hòa Bình nói về bạn Nguyễn Thị Hoàng Yến, giám đốc công ty TNHH thảo mộc Y.M (phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình). Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng cô chủ 9x này đã khiến không ít người ghen tị bởi thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng từ chuỗi cửa hàng Spa và mỹ phẩm với quy mô khắp cả nước.

Thành công từ mô hình nuôi gà thả vườn

(HBĐT) - Với quyết tâm làm giàu trên quê hương, chị Bùi Thị Thủy, xóm Trung, xã Bình Cảng (Lạc Sơn) đã mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được thành công trên chính mảnh đất vốn cằn cỗi, trở thành tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, huyện.

Xây dựng thương hiệu nấm linh chi Hòa Bình

(HBĐT) - Trồng nấm linh chi đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với những loại nấm thông thường khác. Để có được nấm linh chi sạch, không hóa chất, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đã liên kết với các nhà khoa học để có được những hỗ trợ thiết thực trong sản xuất và liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu nấm linh chi Hòa Bình.

Nông trại Orfarm "3 Không" trên đất Lạc Thủy

(HBĐT) - Từng gặp vấn đề khá nghiêm trọng về sức khỏe liên quan đến thực phẩm, chị Bùi Bích Liên ở tổ dân phố Đình 2, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã trăn trở rất nhiều trước khi tìm hiểu, quyết định chọn Hòa Bình là điểm xây dựng nông trại Orfarm Thủy Thiên Nhu (mô hình trang trại sạch nhất Việt Nam).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục