Anh Đinh Minh Tâm (thứ 2 từ phải sang), Phó Bí thư Đoàn xã An Bình (Lạc Thuỷ) kiểm tra việc vận hành dây chuyền sản xuất của công nhân trong xưởng.
Đứng lên từ thất bại
Xã An Bình có diện tích cây lâm nghiệp lớn, trong đó, người dân trồng keo trên 130 ha chủ yếu ở các xóm Ninh Ngoài, Đại Thắng, Rộc Dong, Rộc in, Cây Rường,... Tận dụng lợi thế sẵn có về sản phẩm lâm nghiệp của địa phương, anh Tâm đã chung vốn với một người bạn để mở xưởng bóc váng keo từ năm 2011 tại xóm Chợ Đập, nơi anh đang sinh sống. Sau một thời gian hoạt động, xưởng của anh Tâm phải dừng sản xuất do đầu ra cho sản phẩm không đảm bảo; trang thiết bị máy móc, dây chuyền đã cũ nên chất lượng và năng suất không cao.
Tháng 3/2018, anh Tâm quyết định đầu tư hơn 500 triệu đồng và một mình gây dựng lại xưởng. Các máy móc anh đầu tư đều là loại mới như máy bóc váng, máy tu vỏ,... hoạt động trên dây chuyền tự động cho năng suất và sản lượng cao hơn hẳn trước đây. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, anh Tâm cho biết: "Chủ yếu do nguồn vốn chưa nhiều, nên việc thanh toán chi phí nhập nguyên liệu và sửa chữa máy móc còn hạn chế. Trước đây, tôi tự chở hàng đến các điểm thu mua nhưng do đường xá đi lại khó khăn nên hiện tại, chủ các xưởng ép váng phải tự đến lấy hàng nên chi phí vận tải lên cao. Mặt bằng để mở xưởng còn ít nên phải thuê có thời hạn. Do đó, tôi không thể bỏ nguồn vốn lớn để xây dựng kiên cố mà phải dựng tôn để làm xưởng tạm thời. Việc sản xuất còn bị hạn chế vào cáctháng 6, 7, 8 do mưa dầm kéo dài,khó nhập nguyên liệu và số lượng váng keo bóc không thể mang ra ngoài phơi”.
Sau hơn 1 năm hoạt động ổn định, trung bình xưởng sản xuất được 15m3/ngày và xuất ra các thị trường Hà Nội, Hòa Bình (chủ yếu ở huyện Lương Sơn). Sản phẩm váng keo của xưởng được chia làm 3 loại dựa theo chất lượng. Do khâu nhập nguyên liệu được anh Tâm lựa chọn kỹ lưỡng,các sản phẩm váng bóc ra chủ yếu ở loại A và loại B, đáp ứng tốt nhu cầu của các xưởng ép váng trên thị trường. Kích cỡ trung bình của mỗi miếng váng dài 1,3 m, đường kính 33 cm đạt tiêu chuẩn. Do đảm bảo cả về chất và lượng, các xưởng ép trên thị trường thường xuyên nhập hàng từ xưởng của anh Tâm, cao điểm từ tháng 2 - 4 và tháng 8 -9 trong năm.
Việc sản xuất của anh Tâm không chỉ giúp bà con tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho từ15 - 20 công nhân địa phương mỗi năm với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Trừ các loại chi phí nguyên liệu, bảo trì máy móc, trả lương cho công nhân, anh Tâm thu về hơn 500 triệu đồng/năm.
Sáng tạo với sản phẩm mới
Váng keo là sản phẩm chính của xưởng sản xuất, tuy nhiên, anh Tâmđã tận dụng triệt để những phần còn lại của cây keo cho ra 2 sản phẩm mới là viên than nén sinh học và cán chổi từ gỗ keo. Sau khi bóc váng keo, phần thân còn lại được công nhân sử dụng máy tu tròn gỗ để tạo thành những thanh gỗ dài hơn 1m dùng làm cán chổi xuất ra các thị trường trong và ngoài địa phương.
Điểm nhấn trong sản phẩm mới do xưởng của anh Tâm sản xuất là viên than nén sinh học sử dụng làm chất đốt cho hiệu quả cao. Anh Tâm mạnh dạn đầu tư máy ép than sinh học cùng với một người bạn tận dụng phụ phẩm sản xuất từng viên than dài 1cm, đường kính 0,7cm. Với ưu điểm nhiệt lượng cao, ít bụi, ít khói, viên than nén của xưởng được xuất sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc với sản lượng 120 tấn/năm, giá bán 1,9 - 2 triệu đồng/tấn.
Đồng chí Quách Công Mười, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: "Xã có 5 xưởng bóc váng keo, nhưng xưởng của anh Đinh Minh Tâm là một trong những mô hình thanh niên là đảng viên trẻ khởi nghiệp thành công của địa phương. Không chỉ giúp bà con trong xã tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương. Đây là mô hình kinh tế đáng để nhân dân học tập, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới ở địa phương”.