(HBĐT) - Theo giới thiệu của Phòng LĐ-TB&XH thành phố, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế trang trại của thương binh Bùi Ngọc Danh, xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình). Trang trại được bao phủ một màu xanh của vườn chè, bưởi, keo và nhiều loại cây trái như nhãn, mít…



Thương binh Bùi Ngọc Danh chăm sóc vườn bưởi da xanh trong trang trại. 

Bên bàn nước chè trong ngôi nhà sàn lộng gió, ông Bùi Ngọc Danh hào hứng kể cho chúng tôi nghe về một thời tuổi trẻ oanh liệt. Tháng 8/1970, khi đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, theo tiếng gọi tổng động viên, ông hăng hái làm đơn xin nhập ngũ là quân số thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 325. Sau 3 tháng đào tạo tiểu đội trưởng, ông nhận nhiệm vụ huấn luyện quân bắn pháo mặt đất. Năm 1972, ông chuyển sang đơn vị bộ binh với quân hàm Trung đội trưởng C3, D7, E18, F325 tham gia trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Trận chiến kết thúc, đơn vị ông đóng quân bên bờ sông Thạch Hãn. Năm 1975, khi đó là đại đội trưởng, ông cùng đơn vị tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh chiếm thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng, trên đường 1 thẳng tiến vào Nam. Sáng 30/4, đơn vị ông đảm nhận đánh chiếm đầu cầu Thị Nghè góp phần vào toàn thắng chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau chiến dịch, đơn vị ông đóng quân tại khu quân sự Biên Hòa (Đồng Nai), đến tháng 6/1977, ông ra quân về trường Đại học Nông nghiệp I tiếp tục hoàn thành khóa học còn dang dở. Tốt nghiệp đại học, ông về công tác tại Nông trường Cao Phong rồi chuyển ra Ban Nông nghiệp Tỉnh ủy Hòa Bình công tác đến khi nghỉ hưu. Về địa phương, ông tiếp tục tham gia công tác CCB, MTTQ xã, xóm.

 

Trong trận chiến 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị, ông 3 lần bị thương, bị nhiễm chất độc hóa học ở mặt trận tây Thừa Thiên Huế. Hiện ông đang hưởng hai chế độ thương binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Rời quân ngũ, nghỉ công tác theo chế độ, về với đời thường nhận thấy cuộc sống còn khó khăn, mặc dù sức khỏe chịu ảnh hưởng của vết thương chiến tranh nhưng ông quyết tâm lựa chọn con đường làm kinh tế để cải thiện, nâng cao mức sống gia đình. ông Bùi Ngọc Danh cho biết: "Năm 2005, được người quen giới thiệu, tôi vay bạn bè mua mảnh đất đồi rộng 4 ha với giá 60 triệu đồng bắt tay vào đầu tư phát triển kinh tế. Từ mảnh đất đồi chỉ toàn cỏ gianh, cây tạp, việc đầu tiên tôi làm là cải tạo đất trồng keo. Cùng với đó, tôi vay Ngân hàng CSXH 10 triệu đồng mua đôi bò sinh sản, sau 3 năm có đàn bò 5 con”.

 

Vụ keo đầu tiên cho thu 80 triệu đồng, cùng với tiền bán bò 30 triệu đồng, ông tiếp tục tái đầu tư. Năm 2011, ông thay cây keo bằng cây chè với diện tích 3 ha, trên đỉnh đồi ông trồng 1 ha chuối tiêu hồng, thả hàng nghìn con gà. Vừa làm, vừa tìm tòi, nghiên cứu để lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi tạo giá trị kinh tế, cho thu nhập. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng chuối không cao, qua tìm hiểu về giống bưởi da xanh, năm 2014 trồng 300 gốc bưởi da xanh. Đến nay, bưởi bắt đầu cho quả bói. Ngoài ra, xung quanh chân đồi ông trồng xoan, keo, những chỗ góc dốc được trồng keo. Trong vườn bưởi, ông trồng xen 20 cây nhãn Thái, 20 cây sấu, 10 cây mít Thái.
 
Đến nay, quả đồi rộng 4 ha không còn mảnh đất trống, hơn chục năm ông cùng gia đình dày công đầu tư chăm bón, đất không phụ công người cho vườn cây trái xanh tốt. Hiện thu nhập chính của trang trại là từ cây chè. Mỗi đợt hái chè ông phải thuê hàng chục lao động quanh vùng. Mỗi tháng vườn chè có 4 đợt hái, cho thu 6 tạ chè khô, mang lại khoản thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Tổng thu nhập 1 năm gần 500 triệu đồng, trừ chi phí và công lao động còn lại cho thu khoảng 2/3 giá trị thu nhập.

Ông Bùi Ngọc Danh chia sẻ: Sang năm khi vườn bưởi cho thu hoạch cùng với cây chè sẽ là nguồn thu chính của trang trại. Tôi dự định tận dụng lợi thế về đất vườn thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn góp phần tăng thêm giá trị kinh tế của trang trại.

Khắc sâu lời Bác dạy "thương binh tàn nhưng không phế”, bằng sức lao động và quyết tâm của người lính cựu, thương binh Bùi Ngọc Danh đã biến quả đồi hoang hóa thành mảnh đất màu mỡ, đem lại màu xanh no ấm, giúp kinh tế gia đình ổn định và ngày càng nâng cao.

 


                                                                Hà Thu

 


Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục