Đêm nào các thầy giáo trường THCS Tân Dân (Mai Châu) cũng đi kéo cá để cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Học sinh của nhà trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cuộc sống gia đình các em vô cùng khó khăn. Trong khi đó, đường từ nhà tới trường cheo leo, hiểm trở, đói nghèo đeo bám. Vì thế, có nhiều học sinh phải nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ lao động và trông em. Thương học sinh phải bỏ học tương lai sẽ chẳng có gì, thầy cô trường THCS Tân Dân đã băng rừng, vượt suối đến từng nhà động viên các em đến lớp.
Một đứa trẻ mới 11 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, xa bố mẹ, nay phải sống tự lập. Khi đó thầy, cô chủ nhiệm đóng vai trò là những người cha, người mẹ thực sự. Các thầy uốn nắn từng li từng tí để các em có thể sống tự lập, nào là giặt quần áo, gấp quần áo, rồi đến nấu cơm, mổ cá. Đặc biệt hơn, gần như 100% các em từ núi cao xuống trường học nên đều không biết bơi, trong khi trường lại gần hồ. Công việc đầu tiên của các thầy, cô chủ nhiệm là phải dạy cho các em bơi thuần thục để tránh nguy hiểm.
Thầy Hà Mạnh Quyết - Hiệu trưởng trường THCS Tân Dân chia sẻ: "Vào đầu năm học, chúng tôi thường bớt ra 2 tháng để dạy các cháu bơi. Cứ cho các em vào vó kéo cá, nâng vó lên sau đó hướng dẫn từng động tác một. Không kể cô hay thầy, tất cả đều phải dạy các em tập bơi”. Cứ như vậy, 100% học sinh của trường THCS Tân Dân đều biết bơi. Bên cạnh thành tích học tập, điều khiến các thầy, cô vui nhất là khi các em trở về nhà bố mẹ thấy được sự tiến bộ, tính tự lập của các em.
Thầy Hà Mạnh Quyết trăn trở: "Do nhà xa, các em đa số phải ở nội trú, cuối tuần mới đi bộ về thăm nhà được. Dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng điều kiện vật chất vẫn còn khó khăn lắm. Nhiều em còn tư tưởng nghỉ học. Thế nên dạy chữ các em thôi chưa đủ, phải ăn cùng, ngủ cùng, động viên các em nữa”. Thầy Quyết cho biết thêm, theo quy định về hỗ trợ học sinh vùng sâu, các em nhà ở cách trường từ 7 km trở lên được ở nội trú và mỗi em được cấp 460.000 đồng /tháng tiền ăn. Số tiền này nhà trường chuyển hết cho phụ huynh, cứ hàng tuần các em về nhà lấy gạo và chút đồ mang theo lên trường, tự tổ chức nấu ăn theo từng nhóm. Với mức hỗ trợ đó, mỗi em có khoảng 15.000 đồng tiền ăn /ngày. Khó khăn trăm bề, rất khó để đảm bảo cho các em đang tuổi ăn, tuổi lớn, chưa kể nhiều trường hợp gia đình quá nghèo, đến thời kỳ giáp hạt chẳng thể gửi lương thực cho.
Nhìn vào bữa ăn của học trò, thầy Quyết nhiều lần không kìm được nước mắt. Thầy quyết định đêm xuống sẽ làm "ngư phủ” để cải thiện bữa ăn cho các trò. 23h, khi những trang giáo án gấp lại cũng là lúc thầy Quyết cùng các đồng nghiệp lặng lẽ xuống lòng hồ kéo vó kiếm cá bổ sung thức ăn cho học trò.
Vó được thiết kế rộng khoảng 20m2, xung quanh kết nối thành bè bởi những cây luồng, ở giữa bè là chiếc vó lớn. Trung tâm vó được nối sợi dây thừng to bằng ngón chân cái vào hệ thống quay tời. Phải 2 người cật lực quay kéo, chiếc vó mới nổi lên khỏi mặt nước. Để cá vào vó, phía trên bè phải thắp một bóng đèn. ánh sáng của đèn điện giữa đêm trên sông chính là "mồi câu” dụ cá. Ngày nào cũng 2 lần, khoảng 23h và 5h sáng là các thầy đi cất vó. Cá kiếm được dù to hay nhỏ sẽ được chuyển về bếp của nhà trường, sau đó chia cho các em cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Không chỉ lo cho các em từ cái ăn, cái mặc, thầy Quyết còn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình từng em. Như trường hợp của em Đinh Văn An, học sinh lớp 8. An là thuộc diện còi cọc nhất trường nhưng lại là một trong những học sinh giỏi nhất. An sống trên một quả núi cách trường khoảng 6 km, bố mất sớm do ung thư. Hai mẹ con phải dựa vào nhau mà sống, đã có lúc vì hoàn cảnh tưởng như An phải bỏ học để giúp mẹ ruộng nương. Được sự động viên và hỗ trợ hết lòng của các thầy cô, An đã cố gắng theo học. Em học sinh giỏi toàn diện, mỗi khi có đợt thi học sinh giỏi cấp huyện, thầy cô nào cũng muốn An vào đội tuyển của mình đi dự thi. Thầy Quyết kể: "Tôi động viên em rất nhiều, tôi bảo em thích môn toán nhất thì cứ theo môn toán. Năm vừa rồi em đạt học sinh giỏi môn toán cấp huyện. Đây là niềm tự hào cho cả trường”.
Để động viên An, thầy Quyết đã tặng em 1 con lợn giống sau khi đạt học sinh giỏi cấp huyện. Khi tặng lợn, thầy Quyết có nói: "Thầy tặng em con lợn giống này, em mang về nuôi, còn 1 năm nữa thôi là em lên lớp 10 rồi, lúc đó cần nhiều tiền để học hơn. Nếu em thương mẹ và quyết tâm học thì hãy nuôi con lợn này nhé”. Tặng An con lợn, thầy Quyết ra một điều kiện, khi lợn đẻ thầy lấy lại một con để trao cho một học sinh khác học giỏi… Cứ như vậy mô hình này sẽ nhân rộng ra.
Mặt trời đã lặn, sau giờ học vất vả, thầy, trò trường THCS Tân Dân lại cùng nhau vào bếp. Những niêu cá nhỏ chứa chất bao nghĩa tình bên nồi cơm mới chín. Rồi chúng sẽ khôn lớn, những thế hệ học trò khác lại đến đây, nhưng chắc hẳn không ai quên được những người thầy "ngư phủ” để bữa cơm các em được đầy hơn.
Gặp nghệ nhân Phạm Đạt lần đầu, nhiều người đều có cảm nhận rất dễ gần bởi vóc dáng cao, gầy và đôi mắt hiền. Cái tên Phạm Đạt được người trong nghề nhắc tới nhiều khi anh đã phục chế và phát triển thành công dòng men rạn cổ của Bát Tràng. Nhưng ít ai biết rằng, để có được sự thành công đó, nghệ nhân này đã phải trải qua một chặng đường dài gian nan...