(HBĐT) - Chiều đến, ông Nguyễn Văn Mừng ở xóm Đễnh, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) tất bật chặt mía, cỏ thành từng đốt, trộn với cám tiếp thêm thức ăn cho gia súc. Xung quanh ông là đàn trâu con nào, con nấy béo tốt, khỏe mạnh dàn hàng đợi cho ăn. Đó là cảnh tượng vui mắt khi chúng tôi đến thăm, tìm hiểu phương cách nào mà ông Mừng lại có đàn trâu đông đến vậy với hơn 40 con.


Tranh thủ lúc trời hửng nắng, ông Nguyễn Văn Mừng, xóm Đễnh, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) lùa trâu ra vườn vận động và sưởi ấm.

Hướng tay về phía những quả đồi, ngọn núi phía sau nhà, ông Mừng chia sẻ: Nếu chăn nuôi vỗ béo tại nhà, chẳng thể nào có đủ lượng thức ăn cho chúng. Vậy nên ngày ngày, giống như kiểu chăn nuôi du mục, tôi lùa đàn trâu lên rừng để chúng kiếm ăn. Tuy nhiên, khác với lối thả rông, bỏ mặc gia súc tự kiếm thức ăn, tối tự tìm chỗ ngủ trên rừng, tôi trông nom, bảo vệ bằng cách luôn theo sát đàn, chỉ chăn thả khi thời tiết ấm và sau mỗi trưa lại lùa trâu về chuồng trại gần nhà để dễ chăm sóc, quản lý.

Có một thực tế là nếu chỉ duy trì chăn thả thì thức ăn có trong tự nhiên cho đàn cũng không thể đủ. Để giải quyết vấn đề thức ăn gia súc, nhất là ở vụ đông - xuân, ông tận dụng những vạt đất quanh khu vực vườn nhà để trồng cỏ voi, cỏ VA06 có năng suất cao. Mặt khác, ông dành hẳn khu vực kho bếp để tích trữ rơm khô dùng khi sương giá, không đưa trâu đi chăn thả được. Các loại cám ngô, sắn, cây chuối và một số phụ phẩm nông nghiệp khác cũng được ông dự trữ đảm bảo lượng thức ăn và dinh dưỡng cho trâu.

Hệ thống chuồng trại thành dãy, rộng, khô thoáng được ông xây dựng kiên cố cũng là điều khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi với đầu đàn đông đúc như vậy nhưng chuồng nuôi được vệ sinh sạch sẽ. Nguồn phân chuồng đã thu gom và ủ kín nên ô nhiễm không khí và môi trường được giảm thiểu. ông Mừng cho biết, chuồng trại gần nhà, gần khu dân cư nên nếu khâu vệ sinh không tốt thì sức khỏe của mình, gia đình, người thân, bà con làng xóm cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, vệ sinh chuồng trại thường xuyên là điều kiện đảm bảo để trâu lớn nhanh, khỏe mạnh, phòng tránh nhiều bệnh tật.

ông Mừng bắt đầu nuôi trâu cách đây hơn 15 năm. Đàn trâu thủa mới gây nuôi chỉ có 2 - 3 con, đến nay đã vượt đầu đàn 40 con. Chỉ tay về phía ngôi nhà mái bằng khang trang, ông cho biết nhờ bán bớt trâu mà ông dựng được ngôi nhà này. Thu nhập chính của gia đình đều từ nuôi trâu mà có. Đàn trâu mỗi năm không ngừng sinh sôi, ông bán bớt những con trâu đực, trâu già và dự tính trong thời gian tới sẽ đầu tư mua 1 - 2 con trâu giống có tầm vóc to cao nhằm cải tạo đàn và tránh tình trạng lấy giống cận huyết. Bí quyết để ông duy trì và phát triển chăn nuôi đàn trâu với tổng đầu đàn lớn không khó nhưng cũng không dễ thực hiện, công việc bận rộn tối ngày. Theo quan điểm của ông, con trâu là "đầu cơ nghiệp” của nhà nông, muốn "ăn nên, làm ra”, việc chăm sóc và bảo vệ chúng phải đảm bảo chu toàn. Cho ăn đủ lượng, đủ chất, môi trường khu vực chăn nuôi phải giữ sạch sẽ, đến kỳ nhất thiết phải tiêm phòng vắc xin để ngừa bệnh dịch nguy hiểm và khi gặp thời tiết khắc nghiệt cần đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc để trâu không bị thiệt hại vì đói, rét.

 Bùi Minh

Các tin khác


Người phụ nữ bền bỉ nuôi con, nuôi chữ

(HBĐT) - Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, những năm 60 của thế kỷ trước, bà Đinh Thị Nho cùng gia đình lên khai hoang tại xóm Phú Yên, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy. Mặc dù làm nông nghiệp với hơn 1 ha ruộng màu nhưng gia đình vẫn quyết tâm cho con cái học tập. Nhớ về những ngày khó khăn đó, bà Nho xúc động chia sẻ: "Ngày đó khó khăn lắm, không có đủ cơm áo để nuôi các con ăn học, nhiều khi gia đình phải ăn sắn với rau má để sống qua ngày. Chính vì thế mà vợ chồng chúng tôi bảo nhau phải cho con ăn học thành người để sau này chúng bớt khổ”.

Làm giàu từ nghề mộc

(HBĐT) - 28 tuổi nhưng đoàn viên Nguyễn Văn Chiến, thôn Đa Sỹ, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn đã là ông chủ một xưởng mộc khá lớn. Anh là tấm gương sáng vượt qua đói nghèo để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Thương binh Đặng Xuân Đích nêu gương “tàn nhưng không phế”

(HBĐT) - Trở về với cuộc sống đời thường, thương binh Đặng Xuân Đích, xóm Nam Thái, xã Nam Phong (Cao Phong) phải đối mặt với không ít khó khăn. Thế nhưng phát huy phẩm chất "bộ đội Cụ Hồ”, ông tiếp tục vươn lên, trở thành người thương binh "tàn nhưng không phế”.

Cô Hiệu trưởng tâm huyết với nghề

(HBĐT) - Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được ngành giáo dục thực hiện nhiều năm qua. Từ cuộc vận động này, nhiều thầy, cô giáo vượt lên chính mình để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Nữ chiến sĩ nuôi quân hai giỏi

(HBĐT) - Đến với nghề nấu ăn như cái duyên và gắn bó trong suốt quãng đời công tác, đại úy Xa Thị Xuân Diệu - Đội trưởng Đội Hành chính quản trị, Công an tỉnh luôn trăn trở làm sao phục vụ cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) tốt nhất, làm sao giúp đồng đội có đủ sức khỏe để công tác, chiến đấu. Nghề nấu ăn tưởng chừng là công việc giản đơn nhưng thực tế đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và trên hết là tâm huyết, trách nhiệm với nghề.

Người tiên phong đưa cây bưởi đỏ lên đồi ở xã Tử Nê

(HBĐT) - Đó là anh Phạm Khắc Thường, sinh năm 1966 ở xã Tử Nê (Tân Lạc). Cách đây 5 năm, khi anh mạnh dạn đưa cây bưởi đỏ lên trồng ở trên đồi, không ít hộ làm vườn trong vùng lo ngại, hồ nghi. Còn hiện giờ, mọi người đều thán phục. Hàng chục hộ đã nhìn vào anh học tập, làm theo, cũng đưa cây bưởi đỏ lên đồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục