(HBĐT) - Năng động, tự mình khởi nghiệp thành công hoặc "đứng sau” hỗ trợ đắc lực để chồng phát triển doanh nghiệp. Câu chuyện của nhiều nữ doanh nhân, những "bông hồng vàng” trên thương trường đã góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhiều người, trong đó không chỉ là phụ nữ mà cho cả nam giới đang theo đuổi nghiệp kinh doanh.


Chị Lê Thị Thảo luôn chủ động học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng ngày càng cao đòi hỏi trong công tác quản lý doanh nghiệp hiện nay.


Chị Quách Thị Thoa tư vấn pháp lý cho khách hàng.

Niềm tin vào bản thân
 
Những ngày cuối năm, để hẹn được những người phụ nữ năng động thực sự không đơn giản. Tranh thủ "bắt cóc” các chị 30 phút nghỉ trưa sau cuộc hội ngộ của CLB nữ doanh nhân TP Hòa Bình, câu chuyện xoay quanh những sở thích, chuyện gia đình, nhà cửa đã hết quá nửa thời gian. ấy vậy mà về nhà, lục tư liệu ra lại bắt gặp quá nhiều triết lý kinh doanh, những câu chuyện khởi nghiệp thú vị. Có lẽ bởi như nhiều người đã nói, với cánh "mày râu”, làm ông chủ một ngày làm việc được vạch ra rạch ròi, cụ thể nhưng với các "nữ tướng” thương trường, ngoài công việc họ vẫn phải lo toan việc gia đình và con cái. Khi người phụ nữ gánh vác trọng trách quản lý doanh nghiệp thì họ buộc phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà” và hoàn thành sứ mệnh làm vợ, làm mẹ. Và cũng không ít những người phụ nữ thành công trên thương trường đơn giải là xuất phát từ những triết lý "cơm áo, gạo tiền” trong gia đình như thế.

 Trong CLB các nữ doanh nhân TP Hòa Bình, chị Lê Thị Thảo, Công ty TNHH Việt Tùng là một trong những hội viên nhiều lần được vinh danh trong lĩnh vực xây lắp dân dụng và san lấp mặt bằng. Chính thức cùng chồng thành lập Công ty từ năm 2002 nhưng với chị Thảo, câu chuyện khởi nghiệp đã bắt đầu từ rất lâu. Chị kể, chị đam mê buôn bán từ nhỏ, mặc dù gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề giáo. Vì vậy khi học xong, thay vì đi làm Nhà nước, chị mở quán nước rồi mở cửa hàng bán quần áo tại chợ Thái Bình. Với chị, dù là những cửa hàng rất nhỏ nhưng đã cho chị nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu, đó là thương hiệu, là chữ tín trong kinh doanh. Sau này, khi cùng chồng gây dựng doanh nghiệp, chữ tín vẫn là phương châm hàng đầu mà vợ chồng chị hướng đến. Chính vì vậy, dù công trình nhỏ hay lớn, Công ty của chị luôn dốc hết tâm sức khi thi công.

 Chị vẫn nói: Mỗi công trình xây dựng nó là tổng thể của rất nhiều những công trình nhỏ. Một chi tiết trong tòa nhà cũng chính là một công trình của người thợ xây. Vì vậy, mỗi người thợ xây chăm chút cho công trình nhỏ của mình thì mới được một công trình lớn hoàn hảo. Đó cũng chính là triết lý trong kinh doanh của Công ty Việt Tùng, khẳng định thương hiệu từ những công trình nhỏ nhất.

 Công ty của vợ chồng chị Thảo đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của UBND tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Quan trọng hơn, thương hiệu của Công ty đã được khẳng định qua những công trình trọng điểm như: Công trình nhà UBND tỉnh, công trình trụ sở UBND thành phố Hòa Bình…

 Tuy nhiên, thương trường không trải thảm đỏ cho bất kỳ ai bước chân vào kinh doanh, dù là phụ nữ hay nam giới. Với chị Thảo vẫn tin rằng nữ doanh nhân có lợi thế, điều quan trọng là phải tin vào sức mạnh của bản thân.

 Bản lĩnh, kiên định trên con đường đã chọn

 Có nhiều khó khăn trên bước đường kinh doanh mà để vượt qua không thể thiếu được sự kiên định, bản lĩnh và lòng đam mê với công việc. Câu chuyện khởi nghiệp của nữ doanh nhân trẻ Quách Thị Thoa, Giám đốc Công ty tư vấn doanh nghiệp Q &T là một trong những trường hợp như thế, khi mà cô gái trẻ sinh năm 1984 này là người đầu tiên thành lập công ty tư vấn pháp lý tại Hòa Bình, một trong những lĩnh vực hoàn toàn mới lại ở thị trường không lớn khi số doanh nghiệp hoạt động trên thị trường là con số khiêm tốn so với các thành phố lớn. Tuy nhiên, với bản lĩnh và quyết tâm, Công ty tư vấn doanh nghiệp Q &T của chị Thoa không chỉ trụ vững mà ngày càng khẳng định được uy tín trong giới kinh doanh.

 Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, ngay từ bé, để có thể đến trường, chị Thoa đã phải cố gắng nỗ lực gấp đôi người khác. Chị kể: Suốt những năm cấp II, để có tiền đóng học, chị đã phải làm thuê đủ nghề để sống, từ đi kéo gỗ thuê, đi đổ đá làm đường thuê nhưng chính những gian khổ ngày đó, chị Thoa càng quyết tâm theo học, vì chị biết chỉ có học thật giỏi mới giúp chị thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.

 Với ý chí và quyết tâm, chị Thoa lần lượt hoàn thành trung cấp tài chính kế toán rồi Đại học chuyên ngành Luật Kinh tế. Sau khi ra trường, chị về quê làm việc cho một công ty khai thác khoáng sản của địa phương. Chính trong những năm tháng làm việc tại đây đã định hình cho chị hướng đi sau này khi hàng ngày được giao nhiệm vụ lo các thủ tục hành chính của Công ty. Chị Thoa phát hiện ra rằng muốn khởi nghiệp thì phải hiểu rõ về pháp luật. Tuy nhiên thực tế có nhiều công ty lại lúng túng khi đối mặt với các vấn đề này. Chính vì vậy, chị nảy ra ý tưởng thành lập công ty chuyên tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Chị kể: Nói là Công ty nhưng thực ra chỉ là văn phòng nhỏ với chiếc bàn làm việc và bộ máy vi tính, chị cũng là người trực tiếp tư vấn.

 Những ngày đầu khó khăn khi người ta chưa quen với dịch vụ tư vấn pháp luật nhưng không nản, chị Thoa thường xuyên cập nhật những văn bản mới trong hoạt động của doanh nghiệp để tư vấn cho doanh nghiệp. Từ đó, công ty của chị dần tạo được niềm tin với các doanh nghiệp. Phương châm của công ty là đồng hành cùng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp khi đến với công ty không chỉ được hỗ trợ để đăng ký thành lập công ty thành công mà còn đồng hành cùng công ty trong suốt quá trình hoạt động, để làm sao các công ty hoạt động đảm bảo trong khung pháp lý và phát triển bền vững. Chính cách làm đó đã giúp chị vừa giữ được khách hàng thân quen, vừa tạo nên thương hiệu. Sau 7 năm đi vào hoạt động, đến nay, công ty đã mở 2 văn phòng với 4 nhân viên và mở rộng nhiều loại hình tư vấn. Tuy nhiên theo chị Thoa, công việc tư vấn pháp lý không hề đơn giản.

 Chị tâm sự: Có nhiều lúc công việc bế tắc đến phát khóc nhưng vẫn phải tiếp tục. Điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp để vừa có thể cân bằng lợi ích kinh doanh vừa đảm bảo hoạt động đúng hành lang pháp lý và phát triển lâu dài. Muốn như vậy, bản thân nhà tư vấn phải tạo được niềm tin của khách hàng, đồng hành cùng doanh nghiệp.

 Câu chuyện của 2 nữ doanh nhân kể trên chỉ là trong nhiều "nữ tướng” thành công trên thương trường hiện nay. Với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, các nữ doanh nhân đã khẳng định vị thế của mình bằng niềm tin, sự đam mê và bản lĩnh trên thương trường. Họ thực sự có những đóng góp to lớn thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển. Các chị là những bông hồng vàng rực rỡ tô đẹp thêm cho những thành tựu của quê hương Hòa Bình.

 

 

P.L

 


Các tin khác


Làm giàu từ nghề mộc

(HBĐT) - 28 tuổi nhưng đoàn viên Nguyễn Văn Chiến, thôn Đa Sỹ, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn đã là ông chủ một xưởng mộc khá lớn. Anh là tấm gương sáng vượt qua đói nghèo để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Thương binh Đặng Xuân Đích nêu gương “tàn nhưng không phế”

(HBĐT) - Trở về với cuộc sống đời thường, thương binh Đặng Xuân Đích, xóm Nam Thái, xã Nam Phong (Cao Phong) phải đối mặt với không ít khó khăn. Thế nhưng phát huy phẩm chất "bộ đội Cụ Hồ”, ông tiếp tục vươn lên, trở thành người thương binh "tàn nhưng không phế”.

Cô Hiệu trưởng tâm huyết với nghề

(HBĐT) - Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được ngành giáo dục thực hiện nhiều năm qua. Từ cuộc vận động này, nhiều thầy, cô giáo vượt lên chính mình để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Nữ chiến sĩ nuôi quân hai giỏi

(HBĐT) - Đến với nghề nấu ăn như cái duyên và gắn bó trong suốt quãng đời công tác, đại úy Xa Thị Xuân Diệu - Đội trưởng Đội Hành chính quản trị, Công an tỉnh luôn trăn trở làm sao phục vụ cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) tốt nhất, làm sao giúp đồng đội có đủ sức khỏe để công tác, chiến đấu. Nghề nấu ăn tưởng chừng là công việc giản đơn nhưng thực tế đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và trên hết là tâm huyết, trách nhiệm với nghề.

Người tiên phong đưa cây bưởi đỏ lên đồi ở xã Tử Nê

(HBĐT) - Đó là anh Phạm Khắc Thường, sinh năm 1966 ở xã Tử Nê (Tân Lạc). Cách đây 5 năm, khi anh mạnh dạn đưa cây bưởi đỏ lên trồng ở trên đồi, không ít hộ làm vườn trong vùng lo ngại, hồ nghi. Còn hiện giờ, mọi người đều thán phục. Hàng chục hộ đã nhìn vào anh học tập, làm theo, cũng đưa cây bưởi đỏ lên đồi.

“Vua cam V2” trên đất Phú Thành

(HBĐT) - Xã Phú Thành hiện là một trong những vùng trọng điểm trồng cam cho năng suất, sản lượng cũng như vị thơm ngon đặc trưng của vùng đất Lạc Thủy. Đi đầu trong phong trào không thể không nói đến trang trại cam của một phụ nữ được mệnh danh là "Vua cam V2” trên vùng đất này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục