(HBĐT) - Quyết tâm không để gia đình phải sống trong cảnh nghèo khó, làm lụng mãi vẫn không đủ ăn, ông Triệu Sinh Nhân ở bản Tiến Lâm 1 (xã Bắc Phong, Cao Phong) đã tìm tòi, vươn lên phát triển kinh tế, đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo, nuôi dạy các con học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Đến nay, gia đình ông được xếp vào diện kinh tế khá trong bản.


 

Vườn cam có diện tích trên 5.000 m2 của gia đình ông Triệu Sinh Nhân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Những ngày đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng, ông Nhân làm đủ nghề, từ trồng mía, trồng ngô, trồng lúa, làm dong riềng… nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, bữa đói, bữa no. Do trình độ thâm canh chưa cao, hơn nữa nhiều khi đợt thu hoạch vào đúng lúc nông sản mất giá nên nhiều vụ thua lỗ, có năm không bán được, ông đành chặt mía đem về cho trâu, bò ăn.

Tuy nhiên, với quyết tâm thoát nghèo, bằng ý chí, nghị lực vươn lên, ông quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. Thực hiện theo chủ trương đẩy mạnh phát triển cây có múi trên địa bàn của huyện Cao Phong, trên diện tích đất sản xuất của gia đình, ông đầu tư trồng các loại cây có múi có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng như cam Canh, V2, lòng vàng, đồng thời trồng xen các loại nông sản ngắn ngày như ngô, các loại rau màu thu hoạch quanh năm lấy ngắn nuôi dài. Đất không phụ người. Sau nhiều năm lao động cần cù, ông Nhân tích cóp tiền đầu tư trồng thêm bưởi Diễn. Đến nay, gia đình ông đã có diện tích cây ăn quả trên 5.000 m², trong đó có trên 100 gốc bưởi mới trồng, còn lại là các loại cam Canh, V2, lòng vàng, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Song song với trồng trọt, ông xây thêm chuồng trại để nuôi lợn, vừa đáp ứng nhu cầu của gia đình mỗi dịp lễ, tết, vừa để bán khi khách có nhu cầu. Giống lợn địa phương phát triển tốt, thịt chắc và thơm nên được giá, nhiều khi "cung không đủ cầu”. Nhờ chịu khó lao động, mạnh dạn đầu tư và áp dụng KH-KT nên kinh tế gia đình ông ngày một khấm khá. Hiện, tổng thu nhập của gia đình ông đạt trên 700 triệu đồng/năm.

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Triệu Sinh Nhân còn là hội viên nông dân tích cực. ông Triệu Tiến Nghiêm, Trưởng bản Tiến Lâm 1 cho biết: ông Nhân là hội viên tiêu biểu, tham gia tích cực các phong trào lao động sản xuất cũng như giúp đỡ các hộ khó khăn, luôn hết lòng vì mọi người. ông nắm rõ chủ trương phát triển kinh tế của địa phương, từ đó nghiên cứu để tìm ra hướng đi đúng đắn nhằm phát triển kinh tế gia đình, đồng thời chia sẻ kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, giúp đỡ bà con trong bản cùng nỗ lực lao động, cải thiện thu nhập, đẩy lùi đói, nghèo.

Nhờ ý chí ham học hỏi, tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Triệu Sinh Nhân trở thành tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần cho quê hương ngày càng giàu đẹp. Chưa dừng lại với những gì đã đạt được, ông dự định trong năm nay sẽ trồng thêm 1.000 gốc cam các loại để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao thu nhập.

Thu Hằng

 


Các tin khác


Người "giữ hồn" dòng gốm men rạn cổ

Gặp nghệ nhân Phạm Đạt lần đầu, nhiều người đều có cảm nhận rất dễ gần bởi vóc dáng cao, gầy và đôi mắt hiền. Cái tên Phạm Đạt được người trong nghề nhắc tới nhiều khi anh đã phục chế và phát triển thành công dòng men rạn cổ của Bát Tràng. Nhưng ít ai biết rằng, để có được sự thành công đó, nghệ nhân này đã phải trải qua một chặng đường dài gian nan...

Người phụ nữ bền bỉ nuôi con, nuôi chữ

(HBĐT) - Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, những năm 60 của thế kỷ trước, bà Đinh Thị Nho cùng gia đình lên khai hoang tại xóm Phú Yên, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy. Mặc dù làm nông nghiệp với hơn 1 ha ruộng màu nhưng gia đình vẫn quyết tâm cho con cái học tập. Nhớ về những ngày khó khăn đó, bà Nho xúc động chia sẻ: "Ngày đó khó khăn lắm, không có đủ cơm áo để nuôi các con ăn học, nhiều khi gia đình phải ăn sắn với rau má để sống qua ngày. Chính vì thế mà vợ chồng chúng tôi bảo nhau phải cho con ăn học thành người để sau này chúng bớt khổ”.

Làm giàu từ nghề mộc

(HBĐT) - 28 tuổi nhưng đoàn viên Nguyễn Văn Chiến, thôn Đa Sỹ, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn đã là ông chủ một xưởng mộc khá lớn. Anh là tấm gương sáng vượt qua đói nghèo để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Thương binh Đặng Xuân Đích nêu gương “tàn nhưng không phế”

(HBĐT) - Trở về với cuộc sống đời thường, thương binh Đặng Xuân Đích, xóm Nam Thái, xã Nam Phong (Cao Phong) phải đối mặt với không ít khó khăn. Thế nhưng phát huy phẩm chất "bộ đội Cụ Hồ”, ông tiếp tục vươn lên, trở thành người thương binh "tàn nhưng không phế”.

Cô Hiệu trưởng tâm huyết với nghề

(HBĐT) - Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được ngành giáo dục thực hiện nhiều năm qua. Từ cuộc vận động này, nhiều thầy, cô giáo vượt lên chính mình để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Nữ chiến sĩ nuôi quân hai giỏi

(HBĐT) - Đến với nghề nấu ăn như cái duyên và gắn bó trong suốt quãng đời công tác, đại úy Xa Thị Xuân Diệu - Đội trưởng Đội Hành chính quản trị, Công an tỉnh luôn trăn trở làm sao phục vụ cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) tốt nhất, làm sao giúp đồng đội có đủ sức khỏe để công tác, chiến đấu. Nghề nấu ăn tưởng chừng là công việc giản đơn nhưng thực tế đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và trên hết là tâm huyết, trách nhiệm với nghề.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục