Ông Đỗ Văn Quý (bên trái), trưởng khu 7, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) thường xuyên trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, ông luôn tích cực vận động các thành viên trong gia đình và nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.
Khu 7 là một trong những khu dân cư tiêu biểu của thị trấn Cao Phong. Nhiều năm liên tục, khu dẫn đầu các phong trào xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế. Khu hiện có 108 hộ, 415 nhân khẩu, trong đó 2/3 số hộ trong khu có mức thu nhập trên 48 triệu đồng / người/năm. Đặc biệt, đây là khu dân cư đầu tiên và duy nhất trên địa bàn thị trấn Cao Phong (tính đến thời điểm hiện tại) đã xây dựng thành công CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc”. CLB duy trì sinh hoạt 2 lần /năm, đến nay đã tròn 10 năm hoạt động, được các cấp, các ngành đánh giá cao. Đóng góp vào những kết quả đó không thể không nhắc tới sự đóng góp của người trưởng khu Đỗ Văn Quý.
Bước vào tuổi 66 nhưng ông vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát của người lính Quân khu I ngày nào. ông tâm sự: Làm công việc gì cũng phải xuất phát từ cái tâm và phải làm hết sức. Đặc biệt, công việc trưởng khu đối với tôi còn cần thêm tinh thần cầu thị, cầu tiến; biết lắng nghe, chia sẻ và cũng cần quyết đoán.
Hưởng ứng CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, năm 2008, ông Đỗ Văn Quý là một trong những người đầu tiên khởi xướng xây dựng mô hình CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đến nay, CLB đã thu hút được 30 cặp vợ chồng tham gia. ông Lương Đình Ký, thành viên CLB cho biết: CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc” là loại hình tập hợp nhiều thành phần trong xã hội tham gia, qua đó góp phần xây dựng mối đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư. Thông qua sinh hoạt, chúng tôi được nâng cao kiến thức nhiều mặt của đời sống xã hội. Từ đó mỗi người đều ý thức cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tích cực tham gia học tập các kỹ năng sống để cuộc sống vợ chồng thêm hòa thuận, hạnh phúc.
Không chỉ năng nổ, nhiệt tình, ông còn dành nhiều thời gian sáng tác các tiểu phẩm để khu tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp và đạt được nhiều giải cao. Trở về với gia đình, ông luôn làm tròn bổn phận của người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Rời công việc trưởng khu, ông là lão nông mẫn cán. Vợ chồng ông đã thầu khoán gần 800 m2 đất của Công ty TNHH MTV Cao Phong để trồng cam. Mỗi năm, trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng. "Số tiền đó không thấm tháp gì so với nhiều tỷ phú trồng cam ở thị trấn Cao Phong nhưng đó là con số thiết thực để tôi làm gương cho con cháu và vận động nhân dân trong khu làm theo”, ông Quý chia sẻ.
Minh Tuấn
(Đài Cao Phong)
Gặp nghệ nhân Phạm Đạt lần đầu, nhiều người đều có cảm nhận rất dễ gần bởi vóc dáng cao, gầy và đôi mắt hiền. Cái tên Phạm Đạt được người trong nghề nhắc tới nhiều khi anh đã phục chế và phát triển thành công dòng men rạn cổ của Bát Tràng. Nhưng ít ai biết rằng, để có được sự thành công đó, nghệ nhân này đã phải trải qua một chặng đường dài gian nan...