Ông Bùi Văn Ểu say sưa tập luyện bên cây đàn yêu thích của mình.
Hát đối đáp có từ bao đời nay. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, trong tục lệ của người Mường, những ngày lễ, ngày vui đêm trăng đều có hát đối. ông ểu chia sẻ: Hát đối thuộc thể lục bát, khi vào xới hát sẽ có 3 nam, 3 nữ ngồi đối diện nhau trong chiếu hát và bắt đầu hát theo chủ đề. Người hát mượn sự vật, sự việc gần gũi trong đời sống hàng ngày như cỏ, cây, hoa, lá, tình yêu đôi lứa, rồi tùy thuộc hoàn cảnh để đặt lời hát đối đáp với đối phương.
Ông Ểu biết hát đối từ năm 13 tuổi, biết chơi nhạc cụ năm 16 tuổi. Hồi nhỏ ông rất đam mê ca hát. Ban đầu chỉ là thích đi xem hát, càng xem nhiều lại càng thấy đam mê và hứng thú. Cuối cùng ông quyết tâm theo học hát từ thế hệ đi trước. Từ đó, ông hiểu rõ hơn về vai trò của hát đối đáp trong đời sống tinh thần và mong muốn được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa truyền thống.
Hiện tại, ông tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ. Lớp học nhạc cụ dân tộc miễn phí của ông ểu có 9 người trong độ tuổi từ 20 – 40 tuổi. Những học viên này đều là người trong xóm, được ông phát hiện tài năng chơi nhạc cụ. Gọi là lớp học nhưng thực ra chỉ là những người có đam mê, tập trung đến nhà rồi ông hướng dẫn lại những gì mình biết. Lớp học không có sách vở cũng chẳng có giáo án, tất cả những âm điệu và diễn tấu đã được ông ghi sâu trong trí nhớ.
Từ ngày biết đến hát đối, nhớ về kỷ niệm đáng nhớ nhất, ông Ểu hào hứng kể lại: "Thời còn thanh niên, chưa vợ con, tôi thường xuyên tham gia các cuộc hát đối trong làng, xã. Có lần tôi thi hát cùng một cô gái ở Mỹ Hòa, hát tới 3 đêm với tất cả các chủ đề mà ban giám khảo đưa ra nhưng bất phân thắng bại. Cuối cùng tôi vẫn phải nhận thua vì cô gái đó hết sức tài giỏi. Lúc mới hát còn ở rất xa nhau. Hát cho đến khi gần nhau, đứng ngay trước mặt rồi mới phát hiện ra cô gái giấu một quyển vở ghi chép các câu hát ở sau lưng. Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi rất muốn gặp lại cô gái đó để được thi hát tiếp nhưng buồn nỗi là cô ấy đã mất rồi”.
Ông Ểu từng là người gióng lên 3 hồi chiêng trong lễ hội Khai hạ Mường Bi; làm giám khảo cuộc thi hát đối và thi nhạc cụ dân tộc trong lễ hội Khai hạ; tham gia văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và giao lưu văn nghệ trong xã, huyện.
Trong thời gian tới, ông Ểu mong muốn được mở thêm lớp truyền dạy hát đối cho người dân trong xóm. Lớp học mở rộng cửa chào đón những người yêu và mong muốn được tìm hiểu về âm nhạc dân tộc.
"Tôi đang bàn với Hội Nông dân xã, sang tháng tới xin mở thêm một lớp nữa. Mình biết thì mình phải truyền lại cho thế hệ sau nếu không sẽ bị mai một đi. Tôi hy vọng hát đối sẽ ngày càng được nhiều người yêu thích và tìm hiểu, đặc biệt là giới trẻ. Nếu chúng ta cùng nhau bảo vệ và giữ gìn, tôi tin sẽ làm được” – ông Ẻu tâm sự.
Linh Nhật
(Sinh viên thực tập
Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Gặp nghệ nhân Phạm Đạt lần đầu, nhiều người đều có cảm nhận rất dễ gần bởi vóc dáng cao, gầy và đôi mắt hiền. Cái tên Phạm Đạt được người trong nghề nhắc tới nhiều khi anh đã phục chế và phát triển thành công dòng men rạn cổ của Bát Tràng. Nhưng ít ai biết rằng, để có được sự thành công đó, nghệ nhân này đã phải trải qua một chặng đường dài gian nan...