(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020 gắn với quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp. Đây là thời gian xuất hiện nhiều dấu ấn, khẳng định TCC chính là hướng đi đúng giúp ngành nông nghiệp không ngừng nâng cao giá trị gia tăng (GTGT), tiếp tục phát triển bền vững.
Bám sát định hướng tái cơ cấu, một số vùng sản xuất chè tập trung tại huyện Lạc Thủy áp dụng cơ giới hóa, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè, thu nhập bình quân đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.
Lạc Thủy là một trong các huyện đang dẫn đầu toàn tỉnh trên lộ trình TCC nông nghiệp. "Kim chỉ nam” được xác định là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó, tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực. Kết quả đến nay đã xuất hiện các vùng sản xuất tập trung cho GTGT cao. Điển hình như vùng trồng cam cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha, vùng trồng bưởi cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha, các vùng trồng mía, chè, chuối, thanh long, bí xanh hàng hóa cho thu nhập trung bình trên 150 triệu đồng/ha...
Cũng như huyện Lạc Thủy, các địa phương trong tỉnh đã quyết tâm tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất nông nghiệp. Dự kiến năm 2020, con số này đạt khoảng 140 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với mức 85 triệu đồng/ha năm 2013 - thời điểm chưa bắt đầu lộ trình TCC. Thống kê 5 năm gần đây, giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt bình quân 128,4 triệu đồng/ năm, vượt 2,4% chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ Sở NN&PTNT lần thứ VI, tạo dấu ấn nổi bật trên lộ trình TCC nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: Lộ trình TCC nông nghiệp được tỉnh thực hiện từ năm 2014. Nhưng thực tế từ những năm trước đó, định hướng xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có GTGT cao đã được một số địa phương như Cao Phong, Lạc Thủy, Lương Sơn, Tân Lạc… tiên phong thực hiện khá tốt. Kết quả đã xuất hiện nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, nhiều tiến bộ KHKT được ứng dụng. Đến nay, các địa phương đều tạo chuyển biến tích cực trong từng lĩnh vực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu TCC nông nghiệp của toàn tỉnh.
5 năm qua, ngành NN&PTNT đã rà soát, điều chỉnh, lập mới 9 quy hoạch phục vụ TCC; tiếp tục thống nhất các mục tiêu trong đề án TCC đến năm 2020, cũng như kế hoạch thực hiện trên 5 lĩnh vực chuyên ngành. Trên cơ sở đó, ngành và các địa phương đã xác định được các sản phẩm chủ lực; ban hành 25 đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm. Riêng các huyện, thành phố đã ban hành 19 đề án phát triển sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh; đồng thời, chú trọng lồng ghép nguồn lực để thúc đẩy TCC nông nghiệp trên địa bàn.
Với quyết tâm cao và giải pháp đồng bộ ngay từ những năm đầu thực hiện, toàn tỉnh đã tạo được nhiều dấu ấn trên lộ trình TCC nông nghiệp. Kết quả đánh giá đến nay, các chỉ tiêu TCC đều đạt và vượt kế hoạch: Tốc độ tăng giá trị sản xuất của các lĩnh vực đều tăng mạnh. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Xuất hiện ngày càng nhiều nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao. Hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản hướng ra thị trường lớn... Đặc biệt, kết quả quan trọng hàng đầu là việc các địa phương đều xác định rõ các nhóm cây trồng, vật nuôi lợi thế để ưu tiên phát triển thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản xuất theo vùng hàng hóa tập trung ứng dụng KHKT hiện đại. Với những kết quả quan trọng này, ngành nông nghiệp đang tạo được nền tảng vững chắc để tiếp tục TCC, hướng tới những giá trị bền vững trong giai đoạn 2020 - 2025.