(HBĐT) - Chịu khó học hỏi, thất bại không nản và mạnh dạn đầu tư hướng phát triển mới đã giúp anh Bùi Hồng Quân, xóm Bận Dọi, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) đạt được những kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế.
Anh Bùi Hồng Quân, xóm Bận Dọi, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) chăm sóc đàn thỏ của gia đình.
Như thực tế ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, gần chục năm trở lại đây, đa số đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn xã Nhân Mỹ cũng sớm ly hương để tìm kế sinh nhai, lập nghiệp ở các thành phố lớn, còn số ít thanh niên kiên trì tìm tòi các hướng phát triển kinh tế với mong muốn có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương. Theo giới thiệu của Đoàn xã Nhân Mỹ, chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với anh Bùi Hồng Quân, đoàn viên chi đoàn xóm Bận Dọi phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi thỏ.
Đến thăm gia đình anh Quân đúng lúc anh đang chuẩn bị chạy xe máy chở thỏ ra Cao Phong cho khách. Mới đầu sáng nhưng vợ chồng anh đã khá bận rộn với những đơn hàng. Anh chia sẻ: "Từ sáng sớm, vợ tôi đã đi giao 100 con thỏ giống cho khách, còn tôi giờ đi giao thỏ thịt cho khách ở Cao Phong. Họ muốn làm cỗ trưa nay nên yêu cầu giao sớm để kịp thời gian”. Nuôi con gì, trồng cây gì thì vấn đề đầu ra luôn là bài toán khó giải nên chúng tôi hiểu được cảm giác vui của anh Quân. Nán lại thời gian để chia sẻ về cơ duyên đến với con thỏ, một vật nuôi mới hoàn toàn ở xã Nhân Mỹ, anh Quân cho biết: Trước đây, tôi đã có nhiều năm đi làm ăn xa ở các thành phố lớn. Nhưng sau khi lập gia đình, tôi nhận thấy việc đi làm ăn xa chỉ là giải pháp tạm thời, chứ muốn kinh tế bền vững thì phải tìm hướng phát triển ở chính mảnh đất quê hương. Nghĩ là làm, anh đầu tư nuôi lợn nái, có thời điểm đến 20 con, đợt giá lợn xuống thấp anh đã giảm đàn. Rồi có thời điểm anh sang Phú Thọ học hỏi để nuôi giun quế, nhưng thắng ít hơn bại. Bại không nản, anh tự nhủ, phải tìm ra hướng phát triển kinh tế mới hơn.
Qua thời gian tìm tòi trên sách báo và mạng internet, anh nhận thấy mô hình nuôi thỏ rất phù hợp với điều kiện ở địa phương. Cuối năm 2017, sau khi đi học hỏi thực tế một số mô hình nuôi thỏ ở Hà Nội, xã Quyết Chiến (Tân Lạc), anh quyết định làm chuồng và mua thỏ giống về nuôi. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm thời gian đầu gặp không ít khó khăn, nhất là chăm sóc thỏ mới đẻ. Lúc này, anh lại tiếp tục đến các trại thỏ để học hỏi thêm, nắm được những kiến thức cơ bản để chăm sóc đàn thỏ của gia đình. "Khi có kiến thức, tôi nhận thấy nuôi thỏ không quá vất vả. Thỏ sinh sản nhanh, mỗi năm 7 - 8 lứa, mỗi lứa từ 4 - 12 con nên tăng đàn nhanh; nguồn thức ăn cũng có sẵn. Hiện đầu ra khá ổn định, nhiều khách đặt mua mà gia đình không có đủ số lượng để bán” - anh Quân chia sẻ.
Như vậy, từ 7 con thỏ giống ban đầu, đến nay, anh Quân đã tăng đàn lên hàng trăm con, trong đó có trên 40 thỏ nái, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình trên 60 triệu đồng. Anh dự định sẽ mở rộng diện tích chuồng nuôi để tăng đàn, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài nuôi thỏ, hiện, anh và gia đình còn chăn nuôi lợn và nuôi bò vỗ béo, tổng thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Đồng chí Bùi Văn Lê, Bí thư Đoàn xã Nhân Mỹ cho biết: "Mô hình nuôi thỏ của anh Bùi Hồng Quân là hướng phát triển kinh tế mới ở xã. Với hiệu quả kinh tế đem lại, nhiều ĐVTN trên địa bàn đã đến học hỏi để nhân rộng mô hình. Trước thực trạng nhiều ĐVTN đi làm ăn xa, thì anh Quân là tấm gương sáng về nghị lực làm giàu trên chính quê hương để các ĐVTN khác noi theo”.
Viết Đào
(HBĐT) - Là cán bộ Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), Thượng úy Bùi Ngọc Tiến luôn gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị và chỉ huy đội giao, được đánh giá là một trong những chiến sỹ trẻ tiêu biểu của đơn vị, nhất là trong thực hiện các phong trào thi đua trên tinh thần "khéo làm, khéo vận động”...
(HBĐT) - Sau khi tốt nghiệp đại học, đồng chí Nguyễn Duy Tư làm việc tại Văn phòng UBND TP Hòa Bình, Phòng Nội vụ thành phố và từ tháng 1/2018 là Bí thư Thành Đoàn. Đồng chí Tư chia sẻ: "Được tín nhiệm giữ cương vị Bí thư Thành Đoàn, tôi luôn nỗ lực, tâm huyết cùng cán bộ, đoàn viên xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, triển khai nhiều hoạt động thu hút, tập hợp thanh niên tham gia. Chỉ đạo tổ chức nhiều đợt thi đua, cuộc vận động, phong trào thiết thực, có ý nghĩa, khơi dậy được tính xung kích, lòng nhiệt huyết, tinh thần tình nguyện của ĐVTN. Nhiều phong trào, cuộc vận động được các cấp ủy, chính quyền và các cấp bộ Đoàn đánh giá cao”.
(HBĐT) - Vì nhiệm vụ, họ tạm xa gia đình, bất chấp hiểm nguy để điều trị cho những người nhiễm Covid-19. Mặc dù cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa kết thúc, nhưng đóng góp của những người hùng áo trắng cho cộng đồng vô cùng đáng trân trọng.