Chị Quách Thị Huấn chăm sóc vườn cây.

Chị Quách Thị Huấn chăm sóc vườn cây.

(HBĐT) - Đến phố Bưởi, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi hỏi thăm nhà chị Quách Thị Huấn, tôi được mấy người trong xóm giới thiệu ngay chị là một nữ nông dân làm kinh tế giỏi từ mô hình trang trại tổng hợp.

 

Quả thực, ngay từ khi bước vào trang trại của chị, được khỏa tầm mắt ngắm nhìn cơ ngơi rộng 6 ha mới thấy hết sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người phụ nữ dân tộc Mường trên quê hương Mường Động.

 

Đón chúng tôi bên ngôi nhà sàn giữa không gian xanh mướt của cây trái, chị Huấn tâm sự: “Cách đây hơn 10 năm, đây là bãi chăn nuôi bỏ hoang của xã Hạ Bì, phần sỏi nhiều hơn phần đất, đến cỏ cũng khó mọc được. Đã từng có nhiều người trong xã thử trồng hoa màu, cây ăn quả nhưng đều thất bại. Thấm nhuần câu nói của Bác Hồ “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, tôi đã quyết tâm đấu thầu và bắt tay vào sản xuất. Năm 1997, tôi trồng dứa trên toàn bộ diện tích, nhưng dứa cứ chết dần, cây nào còn sống thì quả cũng chỉ bằng chiếc bóng đèn. Ngày đó, tôi sợ nhất là có người đến tìm để hỏi nợ.” – chị Huấn nhớ lại những năm tháng gian nan bước đầu sản xuất. Sau thất bại đó, chị quyết định thế chấp sổ đỏ vay 200 triệu đồng để cải tạo đất. Bởi từ thất bại đã cho chị bài học nếu không có sự đầu tư, cải tạo đất thì mãi mãi sẽ không có thành công. Chị đã thuê xe ôtô chở đất tốt về rải lên diện tích sỏi đá. Đồng thời đi xin rơm, mùn cưa phủ lên đất để khi hoai mục sẽ tạo mùn. Để có nước tưới cây, chị đã đào 3 ao với hệ thống dẫn nước ngầm từ suối về dài 900m. Nhằm lấy ngắn nuôi dài, lúc đầu chị trồng các loại cây như khoai lang, khoai sọ, sắn. Như đất hạn gặp mưa, cây cối cả khu vườn tốt bời bời. Khi đó, chị quay hoạch tầng trên trồng 700 gốc nhãn Hương Chi, xoài Văn Chấn, chuối, tầng dưới trồng gừng, xả, khoai sọ và khoai lang phục vụ chăn nuôi. Chị thường xuyên mời cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn cách chăm sóc, phun thuốc bảo vệ cây cho phù hợp ở từng thời điểm. Nhờ đó, khi cây được 3 năm tuổi chị đã có nguồn thu đáng kể từ xoài, nhãn. Đến nay, nhãn đã cho thu vụ thứ hai đạt 8 tấn. Đây là loại nhãn có cùi dày, giòn, ngọt, hạt nhỏ nên khách hàng vào tận vườn đặt mua cho thu nhập 120 triệu đồng. 1 ha xoài 6 năm tuổi quả sai trĩu cành từ gốc lên ngọn đem lại 13 tấn quả, trị giá xấp xỉ 100 triệu đồng. Ngoài ra, các loại cây ở tầng dưới cũng cho thu nhập ổn định 20 – 25 triệu đồng/năm.

 

Tận dụng vườn cây và có bãi thả, chị nuôi trên 300 con gà ri thả đồi. Do gà có chất lượng thịt ngon nên khách hàng rất ưa thích và thường xuyên đến đặt hàng. Ngoài ra, chị đầu tư xây khu chuồng nuôi lợn với 10 ô chuồng đảm bảo ấm đông, thoáng hè, vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. Chị nuôi 5 lợn nái, 1 lợn đực giống lợn lòi để chủ động nguồn giống thuần chủng. Trong khu chuồng của gia đình chị thường xuyên có khoảng 50 con lợn. Mỗi năm xuất bán 2 lứa với khoảng 7 tạ lợn thịt đã đem về khoản thu trên 70 triệu đồng. “Giống lợn lòi dễ nuôi và không cầu kỳ như lợn thường. Tận dụng cây khoang lang, cây sắn trồng trong vườn, hầu như gia đình ít phải mua thêm cám, giảm thấp chi phí đầu tư, lại có phân bón cho cây nên đem lại hiệu quả cao. Người nông dân Mường Động hoàn toàn có thể làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.” – chị Huấn chia sẻ.  

 

Với sự nỗ lực, mạnh dạn, sáng tạo, mô hình trang trại tổng hợp của chị Quách Thị Huấn đã thành công và đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Hiện tại, chị đang trồng thử nghiệm 35 gốc cây Thanh Long ruột đỏ. Trang trại của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, lúc cao điểm lên đến 10 người. Từ một người không có bằng cấp về nông nghiệp, nhờ chịu khó mày mò học hỏi, chị đã trở thành nữ triệu phú chân đất. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Huấn còn tích cực tham gia phong trào phụ nữ ở cơ sở và sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ về giống, kỹ thuật cho bà con hàng xóm cùng mở hướng làm giàu. Nhiều năm liên tục, gia đình chị được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi và được tham dự nhiều hội nghị thi đua tiên tiến tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh.

 

                                                                                               

                                                                                              Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục