Đặt chân đến xóm Ong 1, hầu như ai cũng biết chàng trai trẻ làm ăn giỏi với mô hình kinh tế tổng hợp, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ vận tải mỗi năm cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Dáng người dong dỏng, nụ cười thân thiện... là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về chàng thanh niên trẻ đầy nghị lực vượt khó Đinh Văn Tư. Sinh ra trong gia đình thuần nông, học hết THPT, do hoàn cảnh khó khăn, Tư ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Em tâm sự: ước muốn đi học cho bằng bạn bè, ai cũng có. Tuy nhiên đó chắc chắn không phải con đường duy nhất. Với suy nghĩ đó, em đã quyết tâm lập thân, lập nghiệp, phấn đấu làm giàu, trở thành người có ích cho xã hội.
Đinh Văn Tư (thứ 2 từ trái sang) thành công với mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ý tưởng khởi nghiệp nhiều nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên Đinh Văn Tư bắt đầu thực hiện với việc "lấy ngắn nuôi dài”. Từ việc nuôi ong lấy mật, sau nhiều năm, Tư đã tích lũy được một số vốn. Vừa làm, vừa tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, thăm quan học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn và những vùng lân cận có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự, Tư đã chọn phát triển kinh tế gia đình theo hướng xây dựng mô hình làm kinh tế tổng hợp, trong đó đầu tư chính cho 7 ha trồng mía, keo. Tư cho biết: Năm đầu, 3 ha mía tím, trừ chi phí cho thu về 350 triệu đồng. Gia đình em mừng lắm, tiếp tục thầu đất mở rộng diện tích trồng nhưng năm được, năm mất. Điển hình như năm 2015, mía rớt giá, có lúc em đã nghĩ đến việc đốt bỏ.
Tuy nhiên điều đó không làm cho Tư nhụt chí. Em tiếp tục mở rộng đầu tư sang chăn nuôi. Ban đầu là 5 rồi 10 con bò, nuôi hàng trăm gà thịt, gà đẻ trứng và duy trì diện tích trồng keo, mía. Nhận thấy nhu cầu vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản của bà con trên địa bàn lớn, Tư tiếp tục đầu tư phát triển dịch vụ vận tải. Hiện nay, với 2 xe chở hàng 2, 5 và 4, 5 tấn, Tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của bà con trong xã và các xã lân cận góp phần đáng kể tăng thu nhập cho gia đình.
Từ khi khởi nghiệp đến nay đã tròn 8 năm, trải qua bao thăng trầm, Tư càng trân trọng hơn những thành quả đang có. ở tuổi 28, Tư là ông chủ trẻ của mô hình kinh tế tổng hợp, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ vận tải hoạt động ổn định, giải quyết việc làm thời vụ cho 4 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2,5 - 4 triệu đồng /tháng. Bên cạnh đó, được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn xóm Ong 1, Tư không ngần ngại giúp đỡ ĐV -TN trong chi đoàn về giống, vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm làm ăn, đưa chi đoàn xóm trở thành điển hình trong toàn huyện về phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Chia sẻ về thành công tại chương trình hội ngộ thanh niên đoạt giải thưởng Lương Định Của do CLB thanh niên làm kinh tế giỏi tỉnh tổ chức, Tư chia sẻ: "Thành quả hôm nay được gây dựng nên từ những thất bại. Mong rằng những thanh niên nuôi chí làm giàu đừng ngại thất bại. Trong thời gian tới, tôi tiếp tục trau dồi kiến thức, mở rộng sản xuất, đồng thời tìm hướng đi phù hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của xã, huyện. Đất quê tôi còn rộng, còn có thể làm giàu, là người trẻ, chúng ta cần tiếp tục phấn đấu…”.
Hải Yến
(HBĐT) - Gia đình chị Bùi Thị Giới, xóm Bôi Cả, xã Nam Thượng là một trong những điển hình phát triển kinh tế tiêu biểu được huyện Kim Bôi giới thiệu trong danh sách điển hình của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh. Để tìm hiểu điển hình này, những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có dịp về thăm gia đình và càng khâm phục hơn ý chí không cam chịu đói nghèo của chị Bùi Thị Giới.
(HBĐT) - Say mê với nghề làm vườn, anh Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1969, quê gốc ở Ba Vì, Hà Nội đã gắn bó với vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi) trù phú hơn hai chục năm nay. Từ năm 1992-1997, cái tên Nguyễn Văn Thắng được nhiều người biết đến với danh hiệu "vua mía” ở vùng Thung Rếch trù phú bạt ngàn. Anh cũng là người đầu tiên đưa cây mía về với đồng đất vùng Thung này để rồi bà con nơi đây đua nhau trồng theo góp phần xoá đói - giảm nghèo.