Khởi nghiệp từ 20 đàn ong với số vốn 20 triệu đồng, hiện anh Nguyễn Trọng Toàn, xóm Tân Lập, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) đã có 140 đàn, sản xuất 2,5 tấn mật mỗi năm.
Nuôi ong mật -niềm đam mê của mọi thế hệ ở làng "ong”
Xóm Tân Lập có 14/63 hộ duy trì nghề nuôi ong mật từ nhiều năm nay. Ngoài lấy mật, các hộ còn bán ong giống giúp tăng thêm nguồn thu nhập. Trong 14 hộ nuôi ong có đến một nửa là thanh niên trẻ, tuổi đời từ 35 đổ lại, còn lại là những "lão làng” đã có kinh nghiệm dày dặn trong nghề. ông Nguyễn Chí Lừng, Trưởng xóm Tân Lập cho biết: "Năm 2004, nghề nuôi ong mật mới được nhen nhóm ở một vài hộ trong xóm với số lượng ít, trong đó có gia đình tôi. Nguồn ong giống chúng tôi lấy từ những người nuôi ong ở Hưng Yên chuyển ong đến đây để lấy mật hoa. Sau thời gian dài tìm tòi, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, hiện cả xóm duy trì từ 1.300 - 1.400 đàn ong/năm, cung cấp cho thị trường: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và địa phương từ 14 - 16 tấn mật mỗi năm”.
Từ năm 2011, phong trào nuôi ong rầm rộ hơn khi nhiều hộ nhận thấy được tiềm năng kinh tế và đem lại hiệu quả cao như hộ các ông: Cao Đình ơn, Nguyễn Văn Cần, Lê Văn Hảo… có từ 100 - 200 đàn/hộ/năm. 4 năm trở lại đây, nhiều thanh niên trẻ cũng bước chân vào nghề, người thì nối nghiệp gia đình như các anh: Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Văn Tuân; người thì tự thân vận động như các anh: Lê Xuân Trường, Bùi Văn Hiếu, Nguyễn Trọng Toàn. Với giá bán mật và ong giống ổn định, mật nhãn, vải 200.000 đồng/lít, mật rừng từ 160.000 - 170.000 đồng/lít, ong giống được bán với giá 130.000 đồng/cầu giúp đem lại thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm cho các gia đình. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt 20 triệu đồng/năm. Riêng các hộ nuôi ong có thu nhập bình quân đầu người lên tới 30 triệu đồng/ năm. Nói như anh Nguyễn Trọng Toàn, thanh niên trẻ khởi nghiệp, chỉ với 20 đàn ong ban đầu cùng số vốn 20 triệu đồng nhưng đã có những thành công nhất định: "Dù làm việc gì, chỉ cần có đam mê và nhiệt huyết, thất bại mà không nản chí ắt sẽ thành công. Nghề nuôi ong mật cũng không ngoại lệ”.
Hướng tới thành lập tổ hợp tác "nuôi ong mật” xóm Tân Lập
Theo ông Lừng, ban đầu các hộ làm lẻ tẻ mang tính chất tự phát nên gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật chăm sóc ong. Việc vay vốn để mở rộng quy mô cũng hạn chế. Thế nhưng cứ hỏng thì làm lại, các hộ tự học hỏi lẫn nhau và rút kinh nghiệm. Anh Toàn chia sẻ: "Hồi mới vào nghề, tuy được tham khảo cách làm của các bác, các chú trong xóm nhưng do thiếu kinh nghiệm nên chất lượng ong chưa bằng so với những người đi trước. Vì vậy, thất bại ban đầu là không tránh khỏi”. Không nản lòng, anh Toàn cùng các thanh niên trẻ chung chí hướng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm không chỉ ở địa phương mà sang nhiều tỉnh khác để tham khảo các cách làm hay như Hải Dương, Hưng Yên, Ba Vì (Hà Nội). Sau 4 năm, hiện anh Toàn đã có 140 đàn ong cung cấp ra thị trường 2,5 tấn mật/năm, thu về 150 triệu đồng/năm.
Thực tế hiện nay, các hộ nuôi ong ở xóm Tân Lập có thể gọi là nhóm cùng sở thích trong chăn nuôi bởi các hộ có những hoạt động giúp nhau quay mật, tách đàn, trao đổi kỹ thuật nuôi… Từ những hoạt động thiết thực đó giúp chất lượng ong giống và mật của các hộ nâng lên. "Để thuận lợi hơn trong việc giúp nhau phát triển kinh tế từ nuôi ong, chúng tôi mong muốn được thành lập tổ hợp tác nuôi ong mật để các thành viên có điều kiện làm kinh tế tập thể, thuận lợi hỗ trợ nhau vay vốn và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”, Trưởng xóm Tân Lập gửi gắm.
Theo đồng chí Đinh Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Dân Hòa, hiện xã có 1 hợp tác xã dịch vụ điện năng, 1 tổ hợp tác chăn nuôi. Với sự phát triển của nghề nuôi ong mật hiện nay, xã sẽ có đề xuất với chính quyền cấp trên để các hộ nuôi ong thành lập tổ hợp tác hoặc HTX nuôi ong mật.
Thanh Sơn