(HBĐT) - Khát vọng làm giàu của chàng thanh niên người Mường Bùi Mạnh Ly đã không ít lần tưởng chừng như vụt tắt. Mới 25 tuổi, chàng thanh niên sinh năm 1989 này đã mang khoản nợ gần 4 tỷ đồng. Chỉ có nghị lực, tầm nhìn vượt khỏi "lũy tre làng” và hướng đi khác biệt mới đem lại thành công như ngày hôm nay. 


Bùi Mạnh Ly, xóm Báy, xã Phú Lương (Lạc Sơn) sinh ra trong một gia đình có 4 anh em, Ly là con trai thứ 2. Không có điều kiện để kéo dài sự học, tốt nghiệp THPT, Ly bắt đầu hành trình khởi nghiệp với những thất bại liên tiếp trong sự lo lắng của gia đình, gièm pha của láng giềng.

Chuyện đời như phim

"Bây giờ nếu kể về những thất bại của chú Ly thì chẳng ai tin đâu. Để có được những thành quả như ngày hôm nay, hành trình mà chú ấy trải qua đầy gian truân, vất vả, cứ như một bộ phim vậy”, anh Bùi Sơn Lâm, anh trai ruột của Ly mở đầu câu chuyện về em trai mình.

Quả đúng như vậy. Ngày 2 anh em Lâm và Ly còn đèo nhau trên chiếc xe đạp chở củi, gạo của bố mẹ ra trường huyện trọ học THPT, Ly đã thể hiện "máu kinh doanh, buôn bán”. Ngoài những giờ học trên lớp, Ly đạp xe đi khắp huyện thu gom đồng nát, rồi đi buôn nhộng tằm và nhiều công việc khác để có tiền trang trải sinh hoạt cho cả hai anh em. Tốt nghiệp THPT, gia đình không có điều kiện nên sự học của Ly dừng lại.


                      Bùi Mạnh Ly với sản phẩm hoa giấy lụa giúp anh khởi nghiệp thành công.

"Gia đình mình không có điều kiện nên anh em chỉ học hết THPT là bắt đầu bươn trải để tạo dựng cuộc sống của mình. Chú Ly thì làm nhiều việc khác người. Nhiều người bảo chú ấy khùng hay sao mà giữa trưa, trời nắng chang chang thì ra đồng chăm sóc cà chua. Khi đấy, ở mình chưa ai trồng cà chua cả. Rồi chú ấy cứ đi lên núi tìm những khúc gỗ kéo về nhà để buộc phong lan. Thành quả ban đầu chẳng được là bao mà vất vả lắm. Nhiều hôm giữa trưa nắng chú ấy chở phong lan từ nhà xuống Hà Nội mà mình chảy nước mắt vì thương em. Sau này đi buôn mía tím, cây cảnh, rồi thuê đất trồng cây nhưng lại bị ngập lụt nên thất bại cứ chồng chất”, anh Lâm nhớ lại.

Thất bại nghĩa là nợ nần. "Năm 25 tuổi, thời điểm gặp vô vàn khó khăn, mình mắc nợ gần 4 tỷ đồng. Bố mẹ, gia đình rất lo lắng nhưng bản thân đã rèn được tư duy lạc quan. Lúc này nếu dừng lại, nghĩa là mình thừa nhận thất bại, do đó phải càng tiến lên”, anh Ly bày tỏ.

Thành công không quay lưng với người dám đương đầu với thất bại. Năm 2011, Bùi Mạnh Ly đã tìm được cho mình con đường khởi nghiệp mới mẻ với một sản phẩm mà như anh nói: "một mình, một chợ”...

 Quả ngọt đến từ sự khác biệt

Sản phẩm mới mẻ đó là giỏ hoa giấy lụa. Anh Ly cho biết: "ý tưởng sản xuất hoa giấy lụa đến rất tình cờ. Năm 2011, mình bắt gặp một cô giáo bán vài giỏ hoa tự làm được mọi người đón nhận. Mình nảy ra ý tưởng, sao không làm thương mại nên mua một giỏ với giá 100.000 đồng về để nghiên cứu, tìm tòi. Tuy nhiên, thời gian đầu mình gặp rất nhiều khó khăn vì chưa tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu. Ngoài vỏ chai nhựa (loại 1,5 lít – cắt thành các sợi nhỏ để tạo giỏ hoa) có thể thu gom được thì giấy gói hoa (dùng để cắt cánh hoa) hay hạt xốp đều phải ra bãi rác để tìm kiếm. Trong 3 năm đầu tiên, mình làm hoàn toàn thủ công nên sản lượng chưa nhiều, trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn. Năm 2014, khi mình nhập về dây chuyền dập cánh hoa thì sản lượng tăng rất nhiều, mẫu mã ngày một đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”.

Theo chia sẻ của anh Ly, nếu trước đây Hà Nội là thị trường tiêu thụ chủ yếu thì hiện nay đã được mở rộng ở khắp các tỉnh lân cận Hà Nội cũng như một số tỉnh ở miền Nam. Từ chỗ sản xuất sản phẩm, hiện nay, anh Ly tập trung sản xuất nguyên liệu để cung cấp cho khách hàng. Như anh Ly nói, khi mình cung cấp nguyên liệu, khách hàng sẽ tự cắm hoa, đó là những giỏ hoa được làm từ tình yêu thương gia đình, với "cha cắm hoa, mẹ tạo kiểu, con phụ giúp”. Từ hơn 4.000 sản phẩm trong năm đầu tiên, trong năm 2016 đã có 229.000 sản phẩm được bán ra thị trường, đem lại nguồn thu gần 6 tỷ đồng.

Hoa giấy lụa không chỉ đem lại quả ngọt cho chàng thanh niên người Mường này sau những thất bại mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. "Đây là một sản phẩm khá độc đáo, được nhiều người ưa chuộng. Từ khi cháu Ly đưa nguyên liệu về địa phương làm đã tạo ra việc làm cho chúng tôi, giúp gia đình có thêm thu nhập. Người già, các cháu học sinh đều làm được cả. Cuối năm, công ty của cháu Ly tổ chức trao quà cho những người lao động giỏi nên mọi người rất phấn khởi”, ông Cao Viết Sự, người dân xóm Báy, xã Phú Lương chia sẻ.

Về định hướng sắp tới, anh Ly cho biết, vẫn tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm hoa giấy lụa. Hoa giấy lụa là nền tảng để anh thực hiện các dự án khác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, tại núi Chuối Ong, thuộc địa phận xóm Đừng, xã Gia Mô (Tân Lạc), anh Ly đã xây dựng trang trại mang tên Linh Sơn Trang (trang trại trên núi thiêng). Đây là nơi anh Ly đang ấp ủ xây dựng dự án Công viên Nông nghiệp với hi vọng có thể biến nơi đây thành địa chỉ chuyển giao kỹ thuật, giúp bà con nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Không chỉ làm giàu cho mình, Bùi Mạnh Ly còn thường xuyên mở các khóa học trao đổi kinh nghiệm cho các bạn trẻ đang trên con đường khởi nghiệp.

Ở mảnh đất Phú Lương (Lạc Sơn), bà con không chỉ khâm phục nghị lực của chàng thanh niên này, họ còn vô cùng biết ơn Ly vì những việc làm thiện nguyện. Chính Ly là người đã kêu gọi bạn bè, góp tiền mua nguyên vật liệu sửa chữa lại 2 cây cầu treo đã xuống cấp nghiêm trọng ở xóm Rẽ và xóm Giang.

 

                                                                                                Viết Đào

Các tin khác


Làm giàu trên vùng đất khó


(HBĐT) - Là người mạnh dạn đem cây nhãn về trồng và luôn học tập để áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt trên vùng đất nhiều khó khăn để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cây trồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là người năng nổ, nhiệt tình trong mọi công việc của địa phương. Đó là những lời nhận xét của người dân xã Sơn Thủy (Kim Bôi) dành cho anh Bùi Văn Hà.

“Truyền lửa” khởi nghiệp cho tuổi trẻ vùng cao


(HBĐT) - Về thị trấn Cao Phong, nơi được ví như "thủ phủ” vùng cam Cao Phong đặc sản, chúng tôi nghe nhiều lời ngợi khen dành cho Trần Thị Mai, Bí thư Đoàn thị trấn. Không chỉ là cán bộ tâm huyết, năng nổ với nghiệp vụ công tác đoàn, Mai còn tiên phong trong phong trào tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp, là tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu của tổ chức Đoàn.

Chàng trai 8x đam mê nuôi ong mật


(HBĐT) - Đó là đồng chí Bùi Hải Hòa, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Dân Hòa (Kỳ Sơn). Anh cũng là ĐV-TN gương mẫu luôn đi đầu, xung kích trong mọi hoạt động Đoàn của xã. Dù công việc khá bận rộn nhưng chàng trai 8x luôn nỗ lực làm giàu trên mảnh đất quê hương với mô hình nuôi ong mật đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Khởi nghiệp với vườn ươm cây giống

(HBĐT) - Khởi nghiệp trên mảnh đất nổi tiếng của các loại trái cây cam, quýt đã tạo nên thương hiệu riêng nhưng Nguyễn Duy Hưng, Bí thư chi Đoàn khu 9, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chọn cách ươm giống các loại cây có múi cung cấp cho những người trồng cây. Sau gần 6 năm gắn bó với nghề, khách hàng của Hưng không chỉ là người trồng cây trong huyện mà ở nhiều huyện khác trong tỉnh như: Yên Thuỷ, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi… và các tỉnh Thanh Hoá, Sơn La…

“Trung tâm cứu hộ” chim rừng ở Đà Bắc

(HBĐT) - Sinh ra từ rừng, yêu quý chim rừng nên chị Lường Thị Quý ở tiểu khu Liên Phương, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) mua các loại chim rừng từ các thợ săn bắt về trị thương và nuôi dưỡng. Từ việc làm đó, mấy chục năm qua, nhà chị trở thành "trung tâm cứu hộ”, nuôi và gây giống các loại chim rừng ở Đà Bắc.

Ao cá bạc triệu của Bí thư Đoàn xã


(HBĐT) - "Đặc điểm của loài cá trắm đen ăn khỏe, lo nhất là hàng ngày không kiếm đủ ốc làm thức ăn cho chúng!”. Đó là trăn trở của chàng trai trẻ Nguyễn Quốc Huy, trú tại thôn 2, xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Người tiên phong phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá trắm đen, bưaớc đầu cho kết quả đáng ghi nhận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục