(HBĐT) - Đó là đồng chí Bùi Hải Hòa, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Dân Hòa (Kỳ Sơn). Anh cũng là ĐV-TN gương mẫu luôn đi đầu, xung kích trong mọi hoạt động Đoàn của xã. Dù công việc khá bận rộn nhưng chàng trai 8x luôn nỗ lực làm giàu trên mảnh đất quê hương với mô hình nuôi ong mật đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Đã có kinh nghiệm 5 năm trong nghề nuôi ong, với
anh Hòa, đó vừa là đam mê, vừa là hướng khởi nghiệp phù hợp cho một thanh niên
xuất phát từ nhà nông. Song song với công việc tại UBND xã, sau khi lập gia
đình, anh khởi sự chỉ với 30 đàn ong từ mô hình tương tự mà người thân trong
nhà đã nuôi từ lâu. Cùng với ý chí, quyết tâm và sự say mê tìm tòi, học hỏi
cách làm, hàng năm anh duy trì đều đặn 200 đàn vừa để lấy mật, vừa bán ong
giống.
Từ 30 đàn ong ban đầu, đến nay, anh
Bùi Hải Hoà, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Dân Hoà (Kỳ Sơn) đã nhân lên và duy trì
đều đặn 200 đàn mỗi năm.
Để đáp ứng được những thị trường "khó tính” như Hà
Nội, Hải Phòng, Hải Dương..., anh luôn đảm bảo chất lượng ong nuôi tự nhiên,
mật sạch, không sử dụng thuốc nên khách hàng trong và ngoài tỉnh rất hài lòng.
Một đàn ong của anh có từ 4-5 cầu ong, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị
trường khoảng 3.000 lít mật. Giá mật hoa nhãn, vải dao động từ 160.000 – 190.000 đồng/lít, đắt hơn so với mật hoa
rừng từ 60.000 – 70.000 đồng/lít. Anh Hoà cho biết: "Những thị trường mà tôi
cung cấp mật ong đều có nhu cầu sử dụng cao nên việc tiêu thụ sản phẩm không
mấy khó khăn. Tuy nhiên, thời tiết năm nay thất thường khiến cho khoảng 40 đàn
ong của tôi bay đi, ảnh hưởng đến việc cung cấp mật cho các tiểu thương. Nhu
cầu thị trường cao, lượng mật không đủ cung cấp như mọi năm cũng khiến cho thu
nhập giảm sút”.
Cũng theo anh Hoà, khó khăn nhất trong nuôi ong là
việc duy trì đều đặn số lượng ong giống và đảm bảo chăm sóc cho đàn ong. Khác
với những hộ gia đình nuôi ong khác, ngoài bán mật, anh kết hợp bán ong giống
với giá từ 150.000 - 220.000 đồng/cầu ong và gần 1 triệu đồng/đàn. Với kinh
nghiệm của mình, anh luôn đảm bảo các khâu trong kỹ thuật nuôi ong giống gồm:
tạo chúa, phát hiện và chữa bệnh cho ong, tách đàn. Vòng đời của một ong chúa
kéo dài tới 3 năm trong khi ong thợ chỉ có 65 ngày. 6 tháng đầu tiên trong vòng
đời là khoảng thời gian tốt nhất cho ong chúa thực hiện chức năng sinh sản.
Chính vì vậy, khoảng thời gian "vàng” này anh luôn theo dõi thường xuyên tình
trạng sức khoẻ của ong, tránh để những tác nhân bên ngoài gây ảnh hưởng.
Về khắc phục tình trạng bệnh cho ong, anh Hoà chia sẻ:
"Mỗi khi ong có biểu hiện bệnh, tôi sử dụng thuốc kháng sinh Kanamycin pha lẫn
với nước và mật rồi phun trực tiếp lên từng cầu ong. Với trường hợp nhiều đàn
ong bay đi như tháng 4 vừa rồi, theo kinh nghiệm của mình, tôi lùa ong về lại
đàn và đổi cầu ong khoẻ, cầu ong yếu xen kẽ với nhau để đảm bảo việc thu mật
đều đặn của mỗi đàn. Đồng thời, tôi loại bỏ những cầu đã hỏng và thay thế bằng
cầu ong mới”. Thời điểm 3 tháng mùa đông, anh không thu mật mà nuôi ong bằng
đường vàng. Đồng thời, tập trung đầu tư cho ong giống, nhân đàn với số lượng lớn
để sẵn sàng cho mùa thu mật tới.
Đồng chí Nguyễn Thái Hoà, Bí thư Huyện Đoàn Kỳ Sơn
đánh giá: "Đồng chí Bùi Hải Hoà là cán bộ gương mẫu, đồng thời cũng là thanh
niên có ý chí làm giàu. Mô hình nuôi ong lấy mật và bán ong giống của anh Hoà
chắc chắn sẽ là kênh tham khảo hữu ích, nhất là đối với người trẻ có quyết tâm
khởi nghiệp ngay từ bây giờ”.
T.S