(HBĐT) - Gia đình chị Bùi Thị Giới, xóm Bôi Cả, xã Nam Thượng là một trong những điển hình phát triển kinh tế tiêu biểu được huyện Kim Bôi giới thiệu trong danh sách điển hình của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh. Để tìm hiểu điển hình này, những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có dịp về thăm gia đình và càng khâm phục hơn ý chí không cam chịu đói nghèo của chị Bùi Thị Giới.
Cán bộ huyện Kim Bôi và xã Nam Thượng đến thăm trang trại của gia đình chị Bùi Thị Giới, xóm Bôi Cả.
Khởi nghiệp từ 4.000 m2 ruộng
Đến xóm Bôi Cả hỏi thăm không ai không biết gia đình chị Bùi Thị Giới vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng… Trong nắng hè oi ả, để tìm được vợ chồng chị, chúng tôi phải vào tận trang trại của gia đình nằm cách đường cái khoảng 5km. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là vợ chồng chị tất bật, người tắm cho đàn lợn nái đỡ nóng, người chuẩn bị thức ăn. Miệng nói, tay làm, chị Giới chia sẻ: "Được huyện gọi điện thông báo từ hôm qua, chờ ở ngoài nhà sốt ruột vì có con lợn nái đang chuẩn bị đẻ nên chị lại phải vào trang trại”.
Cũng như bao cô gái vùng quê nghèo Nam Thượng, mười tám đôi mươi, chị Giới lập gia đình với anh Bùi Văn Sịnh cùng xóm. Mới đầu, vợ chồng chị ở cùng gia đình chồng. Sau khi sinh con năm 1999, tổ ấm nhỏ chuyển ra ở riêng. Bắt đầu tự thân lâp nghiệp, gia đình chị được bố mẹ chia cho 4.000m2 ruộng cấy lúa. Cần cù, chịu khó quanh năm với 2 vụ lúa, gia đình chị cũng chỉ làm đủ ăn. Hai vợ chồng trẻ luôn trăn trở làm thêm gì để phát triển kinh tế gia đình? Trước mắt, vì chưa có vốn, chị Giới bàn với chồng nuôi thêm đôi lợn. Anh chị nấu rượu, làm đậu để tận dụng phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Hai con lợn đầu tiên chị nuôi làm nái để gây giống phát triển dần. Lứa sau chị đầu tư nuôi 4 con lợn nái. Chị Giới chia sẻ: Thời kỳ đầu, hai vợ chồng xoay sở vất vả, làm lụng quanh năm cũng đủ chi tiêu, nuôi con cái ăn học.
Đến thành công với hàng chục ha VACR
Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của gia đình, chị Giới giới thiệu: "Trang trại lợn nái này được đầu tư sau trang trại lợn thịt bên kia ao cá. Bên trên là vườn keo rộng 3ha. Cách đây 5 năm, gia đình tôi vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 5 triệu đồng, cùng nguồn vốn tích cóp tôi đầu tư trang trại lợn thịt 20 con. Cuối năm 2015, gia đình mới lên kế hoạch đầu tư trại nuôi lợn nái. Ao cá với diện tích 1 ha mới phát triển từ 2 năm nay cũng cho thêm thu nhập 80 triệu đồng/năm. Đến nay, trong chuồng duy trì 42 lợn nái, trên 200 con thịt/năm”. Theo chị Giới, mấy năm trước, với giá bán lợn thịt trung bình 40.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình chị thu về trên 400 triệu đồng (trừ chi phí). Rừng keo 3 ha, 7 năm cho thu hoạch một lần, đợt thu vào năm 2015 đã cho thu trên 100 triệu đồng. Đến khi lợn xuống giá chỉ còn 20.000 đồng/kg, cũng may có thêm thu nhập từ cây măng tây đã gánh đỡ khó khăn cho giai đoạn này.
Chị Giới chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi đầu tư đa dạng các giống cây, con để khi giống này bị rớt giá có giống kia gánh vác. Trước đây, nuôi lợn để phát triển măng tây thì giờ đây măng tây nuôi lại lợn”. Tháng 6/2016, thấy một số hộ trên địa bàn xã trồng măng tây đem lại thu nhập cao, chị Giới cùng một người cùng xóm cùng thầu hơn 2 ha để trồng. Đến nay chia đôi mỗi người trên 1 ha. Được hơn 6 tháng, cây măng tây cho thu bói. Hiện nay, mỗi ngày, gia đình chị thu hoạch trung bình 60 kg/ngày, nếu chăm sóc tốt lên tới 1 tạ/ngày. Với giá bán trung bình dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Mỗi vụ thu hoạch, gia đình chị thu về 300 - 400 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị còn trồng thêm 4.000 m2 bí xanh để tăng thu nhập. Để duy trì trang trại VACR hiệu quả, gia đình chị lúc nào cũng duy trì 8 lao động thường xuyên, giải quyết việc làm mùa vụ cho 20 lao động địa phương.
Hiện nay, mô hình trang trại nuôi lợn nái, lợn thịt, thả cá, trồng rừng, trồng măng tây và ruộng vườn đem lại cho gia đình chị doanh thu đều đặn 1 tỉ đồng/năm. Chị Giới lúc nào cũng tâm niệm: "Khởi nghiệp từ chính nghề nông, xuất phát điểm khó khăn, không cam chịu đói nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình”.
(HBĐT) - Được đào tạo bài bản về xây dựng, là "dân công trình chính hãng” nhưng Nguyễn Hoàng Lượng, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) lại có những hiểu biết đáng nể về cá tầm - loại cá đặc sản có giá trị khá cao hiện nay. Không chỉ hiểu biết về đặc tính, Lượng còn nắm rõ bí quyết để làm sao chế biến được món cá tầm ngon và hấp dẫn nhất. Đơn giản, chàng kỹ sư trẻ hiện đang ấp ủ rất nhiều dự định khởi nghiệp từ loại cá ưa lạnh này.