(HBĐT) - Say mê với nghề làm vườn, anh Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1969, quê gốc ở Ba Vì, Hà Nội đã gắn bó với vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi) trù phú hơn hai chục năm nay. Từ năm 1992-1997, cái tên Nguyễn Văn Thắng được nhiều người biết đến với danh hiệu "vua mía” ở vùng Thung Rếch trù phú bạt ngàn. Anh cũng là người đầu tiên đưa cây mía về với đồng đất vùng Thung này để rồi bà con nơi đây đua nhau trồng theo góp phần xoá đói - giảm nghèo.



Anh Nguyễn Văn Thắng bên vườn ươm bưởi giống các lọai.

Duyên nợ với vùng Thung

Là người con thứ 5 trong gia đình 7 anh chị em, quê gốc ở Ba Vì, Hà Nội. Trước đây, anh ở trong quân ngũ đã bôn ba khắp các nơi từ Hà Bắc sang Thái Nguyên, năm 1991 về Hoà Bình. Lúc đó, anh công tác ở ban Kinh tế của Tỉnh đội Hoà Bình. Ngày ấy, Thung Rếch còn hoang vu và nghèo nàn, đất đai bạt ngàn màu mỡ nhưng không có ai nghĩ đến chuyển lên đó làm kinh tế. Khi đơn vị anh làm con đường lên Thung Rếch, thấy đất bằng phẳng, rộng rãi nên anh có ý định làm trang trại trồng mía và chăn thả bò.

Đơn vị đã ký hợp đồng với xã Tú Sơn thuê đất trong 5 năm và giao cho anh Thắng phụ trách. Anh Thắng đã tiên phong đưa cây mía tím lên đồng đất Thung Rếch làm thay đổi tư duy cho bà con vùng Thung.

Ban đầu, anh trồng 1 ha rồi phát triển lên 3 ha cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng /ha. Cây mía tím khi ấy trở thành cây xoá đói, giảm nghèo hiệu quả và anh Thắng được mệnh danh là "vua mía” vùng Thung. Những tưởng sẽ gắn bó lâu dài với cây mía nhưng năm 1998, toàn bộ diện tích mía bị cháy gây thiệt hại về kinh tế. Anh Thắng xin nghỉ chế độ quyết tâm phát triển kinh tế. Năm 2000, anh bỏ mía chuyển sang trồng cam chủ yếu là trồng cam Xã Đoài diện tích 1,5 ha, lúc cao điểm thu 70 tấn.

Năm 2005, anh bén duyên với cô giáo dạy cấp THCS. ổn định gia đình, anh có thời gian và tâm huyết hơn cho việc trồng cây ăn quả có múi. Việc lựa chọn trồng cây gì cho phù hợp với đồng đất vùng Thung và đem lại giá trị kinh tế cao luôn là trăn trở của anh Thắng. Người có công, đất chẳng phụ công người. Đến nay, diện tích trồng cây ăn quả của gia đình anh lên tới gần 5 ha gồm 3 ha cam, 1 ha chanh, bưởi và 1 ha nhãn muộn. Anh Thắng chia sẻ: "Lúc đầu, tôi cũng gặp khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi không ngần ngại đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Cứ thấy giống cây ăn quả nào ngon, tôi lại mua giống về thử nghiệm”. Theo tính toán, mỗi năm doanh thu của trang trại đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 700 triệu đồng.

Nhờ năng động, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Thắng đã vươn lên thành triệu phú vùng Thung. Không những thế, anh còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động thường xuyên.

Đặc biệt, từ cuối năm 2016, khi tham gia vào HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động, được HTX định hướng mô hình phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu đích thực của người dân gắn với nhu cầu thị trường đã tạo điều kiện bảo đảm liên kết 4 nhà cho các hộ nông dân như gia đình anh Thắng yên tâm phát triển SX -KD.

"Kỹ sư” nông dân

Đã có thời kỳ vườn cam nhà anh Thắng bị thiệt hại nặng do sâu bệnh. Với nhiều người nông dân trồng cây ăn quả cũng không khác gì đánh bạc với trời. Anh không thể nào quên khi gặp những hoàn cảnh gần như phá sản do vườn cây ăn quả gần vào vụ thu hoạch bị dịch bệnh, nguồn thu coi như mất trắng. Gia đình nào cây ăn quả không mắc bệnh, sản lượng quả cũng rất thấp vì trồng và chăm sóc theo kiểu truyền thống, không áp dụng tiến bộ KH -KT. Từ thực tế thất bại của gia đình, anh luôn tự mày mò học hỏi kỹ thuật và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Giờ anh thuần thục như một kỹ sư nông nghiệp.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan vườn cây ăn quả xanh tốt, anh Thắng cho biết: "Kinh nghiệm để trồng cây ăn quả đạt hiệu quả cao mà tôi đúc kết qua nhiều năm là chọn giống tốt, trồng nhiều loại cây khác nhau trong vườn, sử dụng phân chuồng bón cho cây, tưới nước giữ ẩm cho đất, thường xuyên theo dõi diễn biến sâu bệnh và chủ động phòng trị theo phương pháp khoa học. Có như vậy mới giúp cây ăn quả sinh trưởng, phát triển, ra hoa và đậu quả với tỷ lệ cao”.

Năm 2009-2010, anh đã đón những kỹ sư chuyên chiết ghép cây ăn quả về hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay, anh đã ghép thành công các loại cây có múi, vườn ươm giống của anh có nhiều loại cây. Mỗi năm, anh xuất bán 5 vạn cây giống cho nông dân trong tỉnh. Không chỉ bán giống cây, anh còn nhiệt tình tư vấn miễn phí và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, bảo hành cho đến khi cây ra quả.

Anh chia sẻ: Để biến ước mơ làm giàu trở thành hiện thực, vợ chồng tôi đã thất bại nhiều lần nhưng càng thất bại, tôi càng quyết tâm, càng tâm huyết với nghề hơn. Mình không chỉ làm chủ mà trực tiếp sản xuất, tiếp thị, quản lý, điều hành, đặc biệt phải áp dụng đúng kỹ thuật, tuân thủ đúng quy trình trong trồng trọt như phương pháp ghép mắt nhỏ có gốc, cây gốc ghép nên chọn cây bưởi chua hoặc cây chấp vì sẽ có tính tích hợp cao, sinh trưởng tốt và khả năng phòng - chống dịch hại như thối rễ.

Để cây phát triển tốt, anh Thắng sử dụng phân bón hợp lý, kết hợp phân hóa học với phân vi sinh, phân chuồng. Được chăm bón đúng cách, cam có vị ngọt đậm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh Thắng cho rằng, quan trọng nhất trong canh tác cam, quýt là phòng bệnh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Anh thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa cành thông thoáng, phát hiện sớm những biểu hiện của sâu bệnh để có cách chữa trị phù hợp. Hướng mới trong phát triển vườn cây ăn quả của gia đình anh cũng như các thành viên HTX Mường Động là chuyển sang dùng phân hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm cũng như không gây hại cho môi trường.

Những kết quả anh Thắng đạt được trên con đường lập nghiệp thật đáng trân trọng, thể hiện ước vọng và ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu của người dám bỏ phố lên rừng.

 

 


                                                                          Đinh Thắng


 

 

 

 

 

 


Các tin khác


“Trung tâm cứu hộ” chim rừng ở Đà Bắc

(HBĐT) - Sinh ra từ rừng, yêu quý chim rừng nên chị Lường Thị Quý ở tiểu khu Liên Phương, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) mua các loại chim rừng từ các thợ săn bắt về trị thương và nuôi dưỡng. Từ việc làm đó, mấy chục năm qua, nhà chị trở thành "trung tâm cứu hộ”, nuôi và gây giống các loại chim rừng ở Đà Bắc.

Ao cá bạc triệu của Bí thư Đoàn xã


(HBĐT) - "Đặc điểm của loài cá trắm đen ăn khỏe, lo nhất là hàng ngày không kiếm đủ ốc làm thức ăn cho chúng!”. Đó là trăn trở của chàng trai trẻ Nguyễn Quốc Huy, trú tại thôn 2, xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Người tiên phong phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá trắm đen, bưaớc đầu cho kết quả đáng ghi nhận.

Nguyễn Hoàng Lượng - thanh niên khởi nghiệp thế hệ mới

(HBĐT) - Được đào tạo bài bản về xây dựng, là "dân công trình chính hãng” nhưng Nguyễn Hoàng Lượng, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) lại có những hiểu biết đáng nể về cá tầm - loại cá đặc sản có giá trị khá cao hiện nay. Không chỉ hiểu biết về đặc tính, Lượng còn nắm rõ bí quyết để làm sao chế biến được món cá tầm ngon và hấp dẫn nhất. Đơn giản, chàng kỹ sư trẻ hiện đang ấp ủ rất nhiều dự định khởi nghiệp từ loại cá ưa lạnh này.

Khởi nghiệp từ những viên gạch bê tông


(HBĐT) - Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng, gạch bê tông đã và đang dần thay thế gạch nung truyền thống. Nắm bắt được xu thế đó, anh Bùi Văn Tự, xóm Yên Mu, xã Lạc Lương (Yên Thủy) đã đưa công nghệ gạch bê tông về sản xuất, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Người lập kỳ tích nuôi cá tầm ở vùng hạ lưu sông Đà


(HBĐT) - Lâu nay, cá nước lạnh thường được các doanh nghiệp, hộ đầu tư nuôi ở vùng lòng hồ có nguồn nước ổn định và nhiệt độ thích hợp, không ai hình dung có thể nuôi ở phía cuối nguồn. Vậy mà ngay tại thành phố Hòa Bình, một hộ dân đã "liều lĩnh” làm cái việc trước đó chưa ai dám làm - nuôi cá tầm ở… hạ lưu sông Đà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục