(HBĐT) - Mảnh đất rộng hơn 2 ha nằm giữa xóm La Văn Cầu, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn của anh Hoàng Thanh Giang có vị trí đắc địa. Đất bằng phẳng, có đường giao thông, điện, nước thuận tiện. Đây là yếu tố quan trọng để làm nông nghiệp. Anh Giang đã không chọn cây bưởi, cam, chanh để trồng mà chọn cây dổi. Một loại cây đặc sản nhưng phải chờ "mỏi mắt” mới được thu hoạch.
Anh Hoàng Thanh Giang bên vườn dổi hơn 6 năm tuổi của gia đình.
Đi xung quanh vườn dổi, anh Giang vạch từng tán
cây chỉ cho tôi những cánh hoa đã nở. Anh cho biết: Cây này trồng đã 6 năm, bây
giờ có hoa trái vụ cũng không thể có quả được. Nhưng đây là tín hiệu mừng báo
hiệu đến mùa xuân sang năm cây sẽ ra hoa và có quả cho thu hoạch. Khi tôi trồng,
nhiều người bảo chắc đến đời con tôi mới có quả. Với mảnh đất đó, trồng dổi
lãng phí. Tôi cho rằng, cây dổi có giá trị riêng của nó, không phải ai cũng
nhận ra. Cây dổi vốn là một loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh và có mùi
thơm, chỉ có người giàu mới dám dùng đồ mộc gỗ dổi như cửa, tủ, bàn, ghế và làm
phản. Hạt dổi nướng than giã nhỏ trộn muối, làm món chấm thịt gà, thịt lợn hoặc
nấu canh cá măng chua là món ăn độc đáo của người Mường Hòa Bình. Mấy năm gần
đây, nhiều nơi cũng trồng dổi nhưng không đâu hạt dổi ngon bằng ở Lạc Sơn. Đây
là cây đặc sản nên không bao giờ mất giá, hạt dổi cũng không bao giờ mất giá.
Giờ Nhà nước đã đóng cửa rừng, sau 10-15 nữa, mỗi cây dổi trị giá hơn cả cây
vàng.
Sau khi rời công trường xây dựng thủy điện Hòa Bình,
anh Hoàng Thanh Giang, quê ở huyện Mỹ Lộc, TP Nam Định quyết định ở lại lập
nghiệp trên đất Hòa Bình. Là người con của đất Thành Nam chật chội nên khi ở lại Hòa
Bình anh rất thích đất để làm nông nghiệp. Sau bao năm tích cóp làm ăn với
nhiều nghề khác nhau, anh đã dồn mua đất làm vườn. Cách đây gần 10 năm, anh đưa
cây cam Vinh, cam dường Canh về đất Lạc Sơn để trồng. Anh trở thành một trong
những người đầu tiên ở đây đưa cây cam về trồng. Để nuôi vườn, vợ chồng anh
xoay đủ thứ nghề.
Anh chia sẻ: Đất và khí hậu ở Lạc Sơn không khác nhiều
với đất Cao Phong nên quả cam cũng ngon và ngọt. Tuy nhiên, ở Lạc Sơn diện tích
cây cam ít, chưa xây dựng được thương hiệu, khi tiêu thụ cũng hạn chế ít nhiều.
Sau khi vườn cam ổn định cho thu hoạch vài trăm triệu đồng/năm, anh quyết định
trồng dổi. Không như những vườn dổi cũ trồng xen lẫn các cây khác hoặc trồng
dày, anh trồng khoảng cách cây cách cây, hàng cách hàng 8 m. Nhiều người bảo
trồng lãng phí. Nhưng khi trồng và chăm bón, cây lớn hơn nhiều. Những vườn dổi
cũ trồng xen không chăm bón nên cây phát triển chậm, lâu ra quả. Khi trồng thưa,
bón phân như các cây khác thì cây lớn nhanh và việc chăm sóc cũng rất thuận
tiện. Đến năm nay khi cây đã 6 tuổi tán nhiều, quả sẽ sai và sau này hàng chục
năm nữa cây sẽ không bị cớm, giao tán nhau. Hiện nay, diện tích 2 ha của anh trồng được 300
cây dổi. Theo tính toán, từ năm sau, mỗi năm cây dổi chỉ cần thu 2 - 3 kg hạt,
giá bán 2 triệu đồng/kg, một cây dổi sẽ cho thu nhập cao mà ít công chăm sóc
hơn nhiều loại cây khác. Hiện nay, trồng dổi có 2 hình thức ghép và gieo hạt.
Dổi ghép sau 3 năm cho thu hoạch, dổi gieo hạt phải 7 năm cây bói quả.
Anh Giang chia sẻ thêm: Hiện nay, nhiều người bỏ tiền
đầu tư ồ ạt làm nông nghiệp, đến khi cạn vốn thì bán lại đất, vườn. Nếu làm
tiếp không có điều kiện đầu tư nên không hiệu quả. Nhưng với tôi, tôi có quan
điểm khác. Mình có điều kiện đến đâu làm đến đó, đảm bảo việc đầu tư không ảnh
hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình. Tôi làm nghề khác nuôi cam, cam cho thu
hoạch thì cam nuôi dổi. Do vậy, việc đầu tư không ảnh hưởng quá nhiều đến tài
chính gia đình thì mới yên tâm làm được. Đó là một trong những yếu tố thành
công.
Việt Lâm
(HBĐT) - Gần 3 tháng trở lại đây, người dân xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) đã quen với bóng dáng những con đà điểu cao lênh khênh trong một gia trại tại xóm Lục 2. Chúng tôi đến tìm hiểu và càng bất ngờ hơn khi chủ gia trại là anh Bùi Văn Vính, trưởng xóm Lục 2, chàng trai 9x đầy nhiệt huyết và năng động.
(HBĐT) - "Anh Ba thỏ” là biệt danh mọi người đặt cho anh Nguyễn Văn Ba, sinh năm 1990, trú tại xóm Vai, xã Thanh Nông (Lạc Thủy), người thành công với mô hình chăn nuôi thỏ, bước đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định và đang từng bước vươn lên làm giàu.
(HBĐT) - Học hành tử tế, có công việc ổn định ở cơ quan Nhà nước, bất ngờ tai ương ập xuống Lê Huy Tích. Anh sống đi, chết lại nhiều lần, trở thành người tàn phế, thường trực nỗi đau thể xác, tinh thần. Đã nhiều lúc anh muốn tìm cách tự giải thoát. ấy vậy mà Lê Huy Tích đã bền bỉ vượt lên số phận nghiệt ngã trở thành chủ cửa hàng chế tạo xe lăn, sửa chữa xe điện, tạo việc làm cho những người không may mắn, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho không chỉ những người khuyết tật trên địa bàn.
(HBĐT) - Từ năm 2011, những cây cà gai leo đầu tiên được trồng tại đồng đất Yên Thủy. Đây là loại dược liệu quý, nhiều công dụng, được dân gian sử dụng hỗ trợ điều trị, chữa các bệnh về gan, giải rượu, chữa đau nhức xương... Tuy nhiên, khi diện tích trồng cà gai leo mở rộng, vấn đề đầu ra cho sản phẩm trở thành bài toán khó cho người nông dân. Đứng trước thực tế đó, cô gái trẻ Nguyễn Thùy Linh (khu phố 12, thị trấn Hàng Trạm) đã mạnh dạn thực hiện dự án "Trồng, bảo tồn gen dược liệu quý; sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu”. Địa điểm được Linh chọn lựa để thực hiện dự án là xóm Yên Sơn, xã Yên Lạc, huyện Yên Thủy. Mục tiêu được dự án đặt ra là phát triển và bảo tồn giống dược liệu quý; mang sức khỏe đến cho cộng đồng và tiêu thụ sản phẩm do nhân dân làm ra.
(HBĐT) - Với chị Dương Thị Bin, xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là nghề mà còn là niềm đam mê. Chị luôn mong nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn và phát triển ngay trên quê hương mình. Chính tình yêu của chị với thổ cẩm đã thắp lên niềm tin cho thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống.
(HBĐT) - Làm giàu trên mảnh đất quê hương là khát vọng của không ít người, song với những thanh niên có ý chí, nghị lực vươn lên, khát khao ấy lại càng mạnh mẽ. Gặp Đinh Văn Tư, Bí thư chi đoàn xóm Ong 1, xã Nam Phong (Cao Phong) chúng tôi thêm hiểu, thêm tin vào điều này.