(HBĐT) - Với chị Dương Thị Bin, xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là nghề mà còn là niềm đam mê. Chị luôn mong nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn và phát triển ngay trên quê hương mình. Chính tình yêu của chị với thổ cẩm đã thắp lên niềm tin cho thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống.


Sự ra đời của Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 phụ nữ trong xã, đã chứng minh sức sống mãnh liệt của nghề dệt thổ cẩm của những con người tâm huyết với bản sắc văn hoá dân tộc. Với tâm niệm không để mọi người lãng quên nghề dệt truyền thống, chị Bin say mê với nghề dệt thổ cẩm và coi đó là cái nghiệp của mình. 

Từ đam mê với nghề truyền thống 

Bên khung cửi dệt tấm thổ cẩm hoa văn mới, chị Bin không nhớ rõ mình đến với khung cửi năm bao nhiêu tuổi. Chị chỉ nhớ từ khi còn nhỏ, chị đã tò mò, thích thú với hình ảnh các bà, các mẹ trong làng ngày ngày ngồi bên khung dệt, miệt mài với từng đường tơ, sợi chỉ để làm nên những bộ quần áo đẹp. Và chị học dệt thổ cẩm với ước ao mình cũng làm ra những bộ váy Mường, bộ gối, chăn với những hoa văn đầy màu sắc. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, cũng là chừng ấy thời gian chị gắn bó với nghề dệt. Chị Bin hiện là một trong những người dệt thổ cẩm đẹp nhất xã và là Giám đốc Công ty. Chị tâm sự: "Dệt thổ cẩm truyền thống đã trở thành niềm đam mê của tôi. Những người phụ nữ trong gia đình tôi từ xưa đến nay luôn gắn bó, lưu giữ nghề dệt mà ông bà để lại. Vì vậy, tôi cũng muốn gìn giữ nguyên vẹn nghề truyền thống của gia đình cũng là góp phần giữ gìn một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường”.


 

Chị Dương Thị Bin say mê bên khung cửi.

 

Trước đây, chị Dương Thị Bin là cán bộ Hội phụ nữ xã. Từ tổ, nhóm chị em làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của xóm, năm 2008, được Hội LHPN huyện hỗ trợ 50 triệu đồng từ quỹ giải quyết việc làm giúp 50 hội viên với mức 1 triệu đồng /người để làm khung cửi. Với quyết tâm giữ nghề dệt thổ cẩm có nguy cơ mai một ở địa phương, năm 2010, chị Bin đã bàn với gia đình quyết định thành lập Công ty để tạo việc làm cho nhiều chị em trong xã.

Thời gian đầu, được Trung tâm Khuyến công về tổ chức 2 lớp dạy nghề cho 200 học viên yêu nghề dệt trong thời gian 3 tháng. 200 học viên này đều được cấp chứng chỉ và tham gia thành viên Công ty. Đến nay công ty có nhiều thợ dệt lành nghề có thể truyền dạy cho các chị em khác. Là giám đốc Công ty, chị Bin đã cùng các thành viên sáng tạo nhiều sản phẩm như túi xách, khăn, váy, áo thổ cẩm...

Chị Bin cho biết, từ niềm đam mê vẻ đẹp của những tấm thổ cẩm, tôi quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc bởi nếu không tiếp tục truyền lại cho thế hệ trẻ, sau này nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ bị mai một. Kể từ khi Công ty được thành lập, phụ nữ trong xã thêm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Chị luôn mong nghề dệt thổ cẩm của dân tộc được giữ gìn. 

Đến tâm huyết"giữ lửa” nghề dệt 

Với đôi bàn tay tài hoa, những họa tiết hoa văn truyền thống của người Mường được chị Bin thể hiện hài hòa, bắt mắt trên từng tấm vải thổ cẩm. Chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Trong đó, việc tạo hoa văn là bí quyết cơ bản để có được tấm thổ cẩm đẹp. Chị Bin tâm sự: "Cứ ngồi vào khung dệt là mình cảm thấy vui và hạnh phúc lắm. Nghề này đòi hỏi sự kiên trì, đôi tay khéo léo, sự sáng tạo của người phụ nữ. Từ xưa đến nay, phụ nữ làng mình luôn gắn bó, lưu giữ nghề dệt mà ông bà để lại. Vì vậy, mình cũng muốn gìn giữ và truyền dạy cho mọi người, nhất là lớp trẻ sau này”.

Thời gian đầu, chị Bin trực tiếp đi tìm thị trường tiêu thụ. Sau đó, khi được tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá giới thiệu sản phẩm, sản phẩm của Công ty đã có mặt ở nhiều tỉnh như Thanh Hoá, Phú Thọ, Sơn La, TP Hồ Chí Minh... Tuy chưa có đơn hàng lớn nhưng công ty duy trì đều đặn các đơn hàng nhỏ lẻ. ở các phiên chợ quê, các mế bày bán những sản phẩm của công ty như một cách bảo tồn văn hoá. Hiện, Công ty có 168 thành viên nhưng số lượng khung cửi mắc lúc cao điểm lên tới 300 khung. Nhà nào nhiều con gái là có nhiều khung cửi, chủ yếu làm trong lúc nông nhàn. Ngoài ra có 6 tổ sản xuất ở các xã lân cận với khoảng 300 chị em ngày đêm miệt mài làm ra những sản phẩm theo đơn đặt hàng để có thêm thu nhập.

Chị Bin cùng với 6-7 chị em tay nghề thành thạo đã mở các lớp dạy dệt thổ cẩm cho những người chưa biết nghề, tay nghề còn yếu ở trong làng, trong xã, nhất là thế hệ trẻ. Mỗi khi có thời gian, chị em trong các tổ sản xuất lại ngồi vào khung dệt cùng trao đổi những kinh nghiệm học được để hoàn thiện hơn những đường dệt. Sản phẩm của Công ty làm ra không chỉ chất lượng mà còn đa dạng về mẫu mã, giá cả cũng phải chăng nên được bà con ở các nơi tin tưởng tìm đến hỏi mua và lấy mối nhập hàng về bán.

ông Bùi Văn ích, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp cho biết: "Chị Bin không những dệt thổ cẩm đẹp mà còn tạo việc làm cho các chị em trong và ngoài xã từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng, vừa bảo tồn nét văn hóa truyền thống, vừa giúp nhau làm kinh tế”.

Mặc dù Công ty đã đi vào hoạt động 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn từ tổ chức nào để mở rộng SX -KD và xúc tiến thương mại. Tuy vậy, niềm đam mê "giữ lửa” nghề dệt vẫn luôn ngời lên trong mắt chị. "Dệt thổ cẩm không khó nhưng cần sự tỉ mỉ, nếu không có sự ham thích thì không làm được. Khó nhất ở chỗ tạo hoa văn. Mình phải có trí nhớ và sự tưởng tượng phong phú. Vui nhất là giờ phụ nữ trong làng mình ai cũng biết dệt, kể cả bọn trẻ. Ngoài dạy chúng dệt, mình luôn nhắc nhở chúng về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Phải biết tự hào và gìn giữ” - chị Dương Thị Bin chia sẻ.

                                                                                               Đinh Thắng

 


Các tin khác


“Làng ong” Tân Lập - khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương


(HBĐT) - Sở dĩ chúng tôi lấy cái tên "làng ong” để ví von cho xóm Tân Lập, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) bởi có đến hơn 1/4 hộ dân của xóm phát triển nghề nuôi ong mật cho thu nhập cao. Theo đánh giá của đồng chí Đinh Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Dân Hòa: "Nghề nuôi ong mật phù hợp với điều kiện thực tế và đang trở thành thế mạnh khi không chỉ có xóm Tân Lập mà nhiều xóm khác trong xã đã hình thành và phát phát triển ngành nghề này”.

Chàng thanh niên mang chí thoát nghèo

(HBĐT) - "Không đâu bằng đồng đất quê mình. Chỉ có ở đây mới có sự hỗ trợ tốt nhất để những người như chúng tôi đi lên bằng chính sức trẻ và đôi tay, khối óc của mình...”, chàng trai Bùi Văn Vì ở xóm Lục III, xã Yên Nghiệp - người được xem là tấm gương sáng vượt khó ở huyện Lạc Sơn trải lòng.

Khởi nghiệp với ý chí không cam chịu đói nghèo

(HBĐT) - Gia đình chị Bùi Thị Giới, xóm Bôi Cả, xã Nam Thượng là một trong những điển hình phát triển kinh tế tiêu biểu được huyện Kim Bôi giới thiệu trong danh sách điển hình của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh. Để tìm hiểu điển hình này, những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có dịp về thăm gia đình và càng khâm phục hơn ý chí không cam chịu đói nghèo của chị Bùi Thị Giới.

Chuyện làm giàu của người bỏ phố lên rừng

(HBĐT) - Say mê với nghề làm vườn, anh Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1969, quê gốc ở Ba Vì, Hà Nội đã gắn bó với vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi) trù phú hơn hai chục năm nay. Từ năm 1992-1997, cái tên Nguyễn Văn Thắng được nhiều người biết đến với danh hiệu "vua mía” ở vùng Thung Rếch trù phú bạt ngàn. Anh cũng là người đầu tiên đưa cây mía về với đồng đất vùng Thung này để rồi bà con nơi đây đua nhau trồng theo góp phần xoá đói - giảm nghèo.

Làm giàu trên vùng đất khó


(HBĐT) - Là người mạnh dạn đem cây nhãn về trồng và luôn học tập để áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt trên vùng đất nhiều khó khăn để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cây trồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là người năng nổ, nhiệt tình trong mọi công việc của địa phương. Đó là những lời nhận xét của người dân xã Sơn Thủy (Kim Bôi) dành cho anh Bùi Văn Hà.

“Truyền lửa” khởi nghiệp cho tuổi trẻ vùng cao


(HBĐT) - Về thị trấn Cao Phong, nơi được ví như "thủ phủ” vùng cam Cao Phong đặc sản, chúng tôi nghe nhiều lời ngợi khen dành cho Trần Thị Mai, Bí thư Đoàn thị trấn. Không chỉ là cán bộ tâm huyết, năng nổ với nghiệp vụ công tác đoàn, Mai còn tiên phong trong phong trào tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp, là tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu của tổ chức Đoàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục