Tâm sự về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tám cho biết: "Thấy quỹ đất của gia đình rộng nhưng chưa được đầu tư hiệu quả, tốt nghiệp THPT, tôi luôn trăn trở với suy nghĩ phải làm sao để mỗi tấc đất hoá tấc vàng, làm sao để những thanh niên như tôi có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương mình”.
Với suy nghĩ đó, anh Tám quyết định "bỏ ngang” việc học. Bất chấp sự phản đối của người thân, anh đã chứng minh sự lựa chọn của mình là đúng đắn khi mới 35 tuổi đã làm chủ một trang trại rộng trên 2,5 ha với thu nhập bình quân đạt gần 400 triệu đồng/năm.
Từ 250 gốc nhãn ban đầu, đến nay,anh Bùi Văn Tám, xã Sơn Thủy (Kim Bôi) đã làm chủ trang trại tổng hợp cho thu nhập bình quân 400 triệu đồng/năm.
Anh Tám nhớ lại: "Năm 1999, tôi về Hưng Yên lấy giống và bắt đầu phát triển trang trại bằng việc trồng 250 gốc nhãn trên diện tích 2,5 ha đất vườn của gia đình. Kết quả thành công ngoài mong đợi, năm đầu bói quả đã cho thu về 30 triệu đồng rồi tăng lên 150 triệu, 300 triệu, 600 triệu đồng... trong những năm tiếp theo”. Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì đã đạt được, anh thường xuyên học hỏi kỹ thuật trồng nhãn, chú trọng áp dụng KH-KT trong trồng trọt, thay dần những giống nhãn có chất lượng. Cho đến nay, vườn nhãn của anh Bùi Văn Tám vẫn luôn được các tư thương đánh giá cao và đặt hàng từ rất sớm. "Năm nay nhãn được mùa nhưng giá không bằng mọi năm, tiền thu từ nhãn của gia đình vì thế có giảm, song qua nhiều năm thu hoạch cho năng suất cao đã minh chứng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sơn Thuỷ khá phù hợp để phát triển loại cây ăn quả này và hoàn toàn có thể là hướng thoát nghèo cho nông dân nơi đây”- anh Tám chia sẻ.
Song song với đầu tư trồng nhãn, qua tìm hiểu nhu cầu của thị trường, năm 2006, Bùi Văn Tám mở rộng quy mô trang trại bằng việc xây thêm 1 dãy chuồng trại khép kín để đầu tư nuôi lợn lòi lai lợn địa phương. Từ 4 đôi ban đầu, anh đã gây đàn. Với nguồn thức ăn sẵn có như cám nghiền, cây chuối..., chỉ 6 tháng, mỗi con lợn trong đàn đã nặng từ 14- 15 kg và có thể xuất bán, trung bình mỗi năm xuất 2 lứa, mỗi lứa 20-30 con. Hiện nay, ngoài cung cấp lợn hơi, anh còn chú trọng gây và bán lợn giống với giá dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Anh cho biết: Ngay những năm đầu nuôi giống lợn này đã cho thấy hiệu quả. Không chỉ giá thành cao, đầu ra cho sản phẩm cũng ổn định, tư thương thường đến tận nhà thu mua. Gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, song cho đến nay có thể nói vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Năm 2010, lấy giống tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Bùi Văn Tám nuôi thêm cầy nhung nhằm đa dạng mô hình trang trại, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên như: cỏ voi, ngô, đậu tương... Sau 1 năm, đàn cầy nhung của anh đã có 23 đôi, bắt đầu sinh sản. Hiện nay, anh vẫn phát triển nuôi cầy nhung theo hướng xuất bán giống với giá 1,5- 2 triệu đồng/đôi.
"ở thời điểm bắt tay xây dựng trang trại, mô hình làm ăn của Bùi Văn Tám là rất mới tại địa phương, đem lại hiệu quả cao. Mô hình của anh đã được Huyện Đoàn Kim Bôi nhân rộng, tổ chức cho nhiều thanh niên đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Anh Tám trở thành tấm gương điển hình có chí hướng làm ăn, dám nghĩ, dám làm, kiên trì, không ngại khó, nhiệt tình truyền kinh nghiệm cho người khác. Rất đáng quý!”, anh Bùi Văn Thắng, Bí thư Huyện Đoàn Kim Bôi nhận định.
Hải Yến