Anh Nguyễn Văn Ba, xóm Vai, xã Thanh Nông (Lạc Thủy) hàng ngày kiểm tra từng lồng thỏ, phát hiện sớm những con bị bệnh để chữa trị kịp thời.
Trong trang trại thỏ hơn 200 lồng, anh Ba đang chăm sóc đàn thỏ vừa mới sinh vài tuần tuổi. Chúng tôi cảm nhận được tình yêu của anh dành cho đàn thỏ thông qua ánh mắt và cử chỉ, cách mà anh chăm sóc chúng. Dẫn chúng tôi thăm quan trang trại, anh Nguyễn Văn Ba tâm sự về cơ duyên với nghề.
Tốt nghiệp THPT, anh có hứng thú với nghề nuôi thỏ. Sau khi tìm đến Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ ở Sơn Tây để học tập, anh bắt đầu với nghề bằng 25 con thỏ giống. Nuôi được một thời gian, đàn thỏ bắt đầu sinh sản, nâng tổng số thỏ lên hơn 200 con. Một thời gian sau anh Nguyễn Văn Ba trúng tuyển vào trường Cao đẳng y Phú Thọ, đành gác lại niềm đam mê của mình, anh bán hết số thỏ hiện có để tập trung vào việc học tập. Tốt nghiệp chuyên ngành đông y, anh Ba học thêm một khóa tây y ngắn hạn rồi trở về quê hương Lạc Thủy nhận công tác. Hiện nay anh là cán bộ y tế tại trường mầm non xã Nam Thượng (Kim Bôi).
Công việc của một y sĩ trường học hầu như chiếm hết thời gian nhưng không vì thế mà niềm đam mê chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Ba bị bỏ ngỏ. Năm 2013, anh bắt đầu thực hiện lại mô hình, tìm mua giống tại các trang trại thỏ trước đây mua giống của mình. Nhờ đã có kinh nghiệm từ trước, anh không gặp khó khăn trong việc chọn giống, phương pháp chăm sóc, xây chuồng, tìm kiếm nguồn thức ăn… Việc kiểm tra sức khỏe, trị bệnh, khám thai, phối giống cho thỏ… anh đều đảm đương. Nhờ thế, anh "hiểu” từng con thỏ, mỗi khi chúng "dở chứng” anh có cách điều trị, chữa bệnh phù hợp.
Nói về bí quyết chăm sóc thỏ khoẻ mạnh, anh Ba không giấu giếm: "Nuôi thỏ cần thời gian chăm sóc, kiểm tra hàng ngày, hàng giờ. Nếu để một con bị bệnh mà không kịp xử lý sẽ ảnh hưởng đến cả đàn. Do đó, phải tách đàn, chăm sóc riêng khi phát hiện thỏ kém ăn, có biểu hiện mệt mỏi. Phải có bảng theo dõi hàng ngày cho từng con như ngày phối giống, ngày đẻ, số con trên lứa, từ đó tính toán con nào đẻ kém để loại thải kịp thời. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ tự trồng nên khá đảm bảo. Cho ăn kết hợp cả tinh bột để thỏ mau lớn và phát triển khỏe mạnh.
Độ tuổi sinh sản tốt nhất của thỏ từ 4 - 4,5 tháng, trọng lượng trên 4 kg; mỗi thỏ mẹ có thể sinh sản từ 7 - 8 lứa/năm, mỗi lứa từ 6 - 9 con. Giá thỏ giống 150.000 đồng/kg, thỏ thịt 85.000 đồng/kg, có thị trường thuận lợi, trang trại của anh Ba xuất bán thường xuyên. Hiện nay, tiêu thụ chủ yếu ở các nhà hàng huyện Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn… Sau khi trừ chi phí, trang trại thỏ của anh cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.
Có được thành quả như ngày hôm nay ngoài chọn nguồn thức ăn tốt và đảm bảo, anh còn đặc biệt chú trọng đến khâu vệ sinh chuồng trại. Anh chia sẻ: Đầu tiên chuồng phải thông thoáng, hợp vệ sinh. Trước đây xây dựng theo mô hình máng hình chữ V nên ngày nào tôi cũng phải mất 1 tiếng để xả nước, quét dọn. Hiện nay, tôi đã chuyển sang mô hình đệm lót sinh học, đó là giải cá thể mùn cưa, trấu trộn với men vi sinh để khử mùi, một tháng xúc đi một lần, tận dụng làm phân bón cho cây.
Cuối năm 2016, anh đầu tư xây thêm một nhà nuôi thỏ với 160 lồng được đầu tư bài bản từ lồng sắt, quạt trần, hệ thống phun nước, phun sương, không gian thoáng mát, rộng rãi, hợp vệ sinh. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Nguyễn Văn Ba còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp con giống cho những ai có nhu cầu học tập theo mô hình của mình.
(HBĐT) - Gia đình chị Bùi Thị Giới, xóm Bôi Cả, xã Nam Thượng là một trong những điển hình phát triển kinh tế tiêu biểu được huyện Kim Bôi giới thiệu trong danh sách điển hình của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh. Để tìm hiểu điển hình này, những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có dịp về thăm gia đình và càng khâm phục hơn ý chí không cam chịu đói nghèo của chị Bùi Thị Giới.