Trang
trại đà điểu của vợ chồng chị Lê Hải Yến, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) tạo
nguồn thu ổn định từ 100 – 150 triệu đồng/năm.
Dám nghĩ, dám làm tạo nên thành công
Qua tham khảo và tìm hiểu trên mạng về loài đà điểu, gia đình chị Yến cũng được người quen ở huyện Ba Vì - Hà Nội giới thiệu lấy giống từ tỉnh Khánh Hòa về nuôi thử nghiệm. Năm 2012, gia đình chị Yến lấy về 6 con loại từ 5 - 7 kg với giá 2 triệu đồng/ con. Do đang có con nhỏ và chưa thầu được quỹ đất rộng nên vợ chồng chị ngừng nuôi. Sau 3 năm, vợ chồng chị đầu tư 30 triệu đồng thầu hơn 1.000 m2 đất và nuôi lại với số lượng 30 con. Thấy đà điểu phát triển đều, dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện thời tiết lại ít dịch bệnh nên anh chị tăng dần số lượng từ 60 - 100 con, lúc cao điểm lên tới 200 con. Hiện, trang trại của chị Yến duy trì khoảng 120 con thương phẩm và 6 con đẻ trứng.
Chị Yến cho biết: "Gia đình tôi chủ yếu nuôi đà điểu để lấy thịt, trứng để bán lẻ. Mỗi con cái từ 18 - 20 tháng tuổi có thể đẻ trứng nhưng vì chưa có lò ấp, kỹ thuật ấp trứng đòi hỏi cao nên gia đình tôi chưa thể thực hiện được. Do đó, tôi tập trung vào nuôi lấy thịt”. Hiện, chị bán thịt đà điểu cho các nhà hàng trong tỉnh và chủ yếu bán lẻ ở chợ Nghĩa Phương và Tân Thành. Giá thịt đà điểu bán lẻ từ 100.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại, 80.000 – 85.000 đồng/cân hơi và 250.000 -280.000 đồng/kg giò. Mỗi tuần, chị xuất 2 con vào thứ bảy và chủ nhật hoặc nhiều hơn khi có khách đặt. Cao điểm những dịp lễ, tết, trang trại của chị xuất 4 con/ngày. Với giá thành phải chăng, thịt đảm bảo tươi ngon nên khách hàng ưa chuộng.
Khẳng định chất lượng đà điểu "sạch”, chị Yến cho biết: "Chúng tôi nuôi đà điểu bằng cỏ voi, cỏ hoa trắng, rau muống, bèo… Trong quá trình nuôi, lượng thức ăn phải đạt đúng tỷ lệ. Cụ thể, khi đà điểu đang úm thì cho ăn cám gà, khi trưởng thành nuôi bằng cỏ kết hợp với cám ngô. Đặc biệt, khi vệ sinh chuồng trại, chúng tôi cẩn thận lượm bỏ hết các vật sắc nhọn, cứng để tránh đà điểu ăn phải. Tôi thường nhập giống về từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm, mỗi lần khoảng 100 con vừa úm”.
Để có kiến thức chăm sóc đà điểu, vợ chồng chị Yến không ngừng tìm tòi, học hỏi trên mạng và trao đổi với nơi cung cấp giống. Do tự học nên ban đầu vợ chồng chị gặp không ít khó khăn. Chị Yến chia sẻ: "Ngoài nguồn vốn hạn chế thì kinh nghiệm là điều lo lắng nhất của chúng tôi. Trong quá trình vận chuyển, nhiều con chết dọc đường. Những con non chết do đề kháng yếu, con lớn do việc vận chuyển đường xa giẫm đạp lên nhau gây ngạt thở mà chết. Có lần tôi lấy về 12 con thì chết dọc đường một nửa”. Rút kinh nghiệm, mỗi lần chuyển đà điểu, chị chỉ chở số lượng ít vào thời điểm mát trời, đặc biệt là phải chở vào ban đêm. Hiện trang trại đà điểu đem về cho gia đình chị từ 100-150 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập.
Nuôi đà điểu - hướng đi khả quan cho người nông dân
Khác với vật nuôi truyền thống như lợn, gà, trâu, bò, đà điểu có sức khỏe tốt, dễ nuôi, ít dịch bệnh và có giá trị kinh tế cao hơn hẳn nên phù hợp để nhân rộng trong xã và toàn tỉnh. Hiện có một số hộ ở xã Yên Mông và các huyện Kim Bôi, Tân Lạc đến lấy giống đà điểu từ trang trại của chị về nuôi thử. Mỗi lần người mua chỉ lấy khoảng chục con giống vì vốn đầu tư lớn. Để tạo điều kiện giúp nhân rộng mô hình, gia đình chị vừa bán thịt, vừa cung cấp con giống và chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm. Chị cũng giúp người mới nuôi lưu ý những điểm như bảo vệ cẩn thận đôi chân của đà điểu, tránh để va chạm mạnh; nuôi con nhỏ phải dải cát lên mặt đất để chúng không bị trơn ngã, cách giữ ấm mùa đông, làm mát vào mùa hè. Mỗi con giống từ 20 - 30 kg có giá 3 triệu đồng, con úm từ 1,8 - 2 kg có giá từ 1,6-1,8 triệu đồng/con.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Linh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Mông cho biết: "Đây là mô hình chuyển đổi vật nuôi hoàn toàn mới ở xã, bước đầu cho thấy hiệu quả nhất định. Vì vậy, xã khuyến khích bà con chuyển đổi vật nuôi phù hợp với điều kiện từng gia đình. Chính quyền xã sẽ có đề xuất lên cấp trên xem xét tạo điều kiện để người dân được vay vốn nhân rộng mô hình này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương”.
Thanh Sơn