(HBĐT) -Đam mê những nhành lan rừng khi còn là đứa trẻ, theo thời gian thì tình yêu với loài cây cảnh này ngày một sâu nặng. Và rồi, lan rừng lên ngôi, trở thành thú chơi thịnh hành đã mở ra cơ hội lớn để hai anh em 9X ở một xóm nghèo thuộc xã Đông Lai (Tân Lạc) khởi nghiệp và gặt hái được những thành công.


Vườn lan của anh Nguyễn Trung Hiếu (phải) và Nguyễn Xuân Hợi, xóm Bái Trang 2, xã Đông Lai (Tân Lạc) sở hữu nhiều giò lan phi điệp "khủng”.

Hòa Bình là một trong những địa phương đang bảo tồn nhiều loại lan quý, được giới chơi lan cả nước săn đón. Nhờ sự nhạy bén với thị hiếu thị trường, không ít người đã nhân giống và kinh doanh thành công với loại cây cảnh "sang chảnh” này. Ở huyện Tân Lạc, khi nói đến những giò lan khủng, vườn lan quy mô lớn, có nhiều giống quý thì không thể không nhắc tới vườn lan của hai anh ruột Nguyễn Trung Hiếu (26 tuổi) và Nguyễn Xuân Hợi (23 tuổi) ở xóm Bái Trang 2, xã Đông Lai.

Say mê lan rừng khi còn là đứa trẻ

Xóm Bái Trang 2 cách trung tâm xã Đông Lai hơn 4 km. Đây là một trong những xóm khó khăn nhất của xã Đông Lai. Con đường nội xóm hiện còn khá gập ghềnh, trắc trở, thế nhưng, hằng ngày, xóm nghèo này vẫn đón nhiều lượt khách đến thăm với điểm đến là vườn lan của anh em Hiếu, Hợi. "Ở cuối xóm, cứ nhìn thấy nhà nào có nhiều lan là vườn của anh em nó đấy”, một người dân trong xóm chỉ đường cho chúng tôi. Thú thật, khi được nghe mọi người giới thiệu vườn lan này có giá trị cả tỷ đồng, chúng tôi không khỏi hoài nghi. Thế nhưng, khi được mục sở thị, quả thật, rất khó để tưởng tượng rằng, ở một bản vốn được coi là nghèo nhất nhì xã này lại có mô hình trồng lan quy mô như vậy và chủ vườn là hai chàng trai mới ngoài hai mươi tuổi.

Khi chúng tôi đến, Hiếu và Hợi đang cặm cụi chăm sóc những mầm lan quý do hai anh em nhân giống. Vườn lan rộng hơn 600 m2, với hàng nghìn giò phong lan, trong đó, nhiều nhất là phi điệp, ngoài ra còn có quế lan hương, da báo, đùi gà. Thời điểm này không phải khoảng thời gian lan ra hoa nhưng vườn lan vẫn toát lên vẻ đẹp mê hồn. Ngoài những chậu lan mới vài tháng tuổi, thân mầm lá xanh tốt, tràn đầy sức sống thì chủ vườn đang sở hữu hàng trăm giò lan phi điệp khủng. Nhiều giò lan có thân mập bằng ngón tay, chiều dài từ 1 - 1,5 m. Đặc biệt, một giò phi điệp khủng 5 năm tuổi với trên 20 ngọn, có chiều dài khoảng 1,8 m. Làm sao để xây dựng được vườn lan khủng như vậy?.

Anh Nguyễn Trung Hiếu cho biết, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã rất yêu thích cây lan rừng. Sau những buổi học trên lớp, hai anh em lại leo lên những dãy núi sau nhà tìm phong lan. Phong lan sống ở trên các cành cây cổ thụ cao nên việc trèo lên cây hái lan tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bố mẹ đã nhiều lần ngăn cấm nhưng vì đam mê, hai anh em Hiếu - Hợi vẫn trốn bố mẹ lên rừng tìm lan. Thành quả sau những chuyến đi vất vả đó là những giò phong lan tỏa hương ngào ngạt được treo quanh nhà. Sau nhiều năm sưu tầm, chăm sóc và nhân giống, hai anh em đã bán ra thị trường khá nhiều giò lan và học hỏi được nhiều kinh nghiệm chăm sóc loài cây cảnh "khó tính” này.

Đến năm 2014, khi lan phi điệp Hòa Bình được nhiều người săn đón, giá trị cao, hai anh em quyết định khởi nghiệp với khoảng 30 giò lan phi điệp. Với sự cần cù, đam mê và đang sở hữu nhiều giò lan phi điệp là giống quý của huyện Tân Lạc nói riêng và Hòa Bình nói chung, Hiếu và Hợi đã tích cực nhân giống. Vườn lan khủng như ngày hôm nay là thành quả xứng đáng cho nỗ lực của hai anh em.

Ước mơ bảo tồn lan quý

Sau 5 năm khởi nghiệp, danh tiếng của vườn lan Hiếu - Hợi đã vang xa khắp vùng. Theo nhiều người dân địa phương cho biết, chủ vườn đã bán ra thị trường những giò lan phi điệp vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Còn chủ vườn thì chia sẻ, hai anh em đã từng giao dịch một giò lan phi điệp mắt đỏ Đông Lai với giá 70 triệu đồng. "Rất khó để thống kê chính xác được số tiền mà hai anh em bán lan hằng năm vì cứ bán giò này, chúng tôi lại đi tìm mua những giống lan quý hơn về chăm sóc để nhân giống bảo tồn”, anh Hiếu chia sẻ. Mặc dù hai anh em đều khiêm tốn chia sẻ về doanh thu mà vườn lan đem lại nhưng từ những "tiếng lành đồn xa” của giới chơi lan và nhìn vào sự phát triển của vườn lan (từ 100 m2 tăng lên trên 600 m2), với hàng nghìn mầm lan xanh tốt thì có thể thấy, lan rừng đã đem lại những giá trị kinh tế rất cao cho hai anh em Hiếu - Hợi.

"Thu nhập chủ yếu của bà con trong xóm đến từ trồng trọt và chăn nuôi, vài năm trở lại đây thì cây bưởi đỏ được đưa vào trồng nhiều. Còn mô hình trồng lan của hai anh em Hiếu - Hợi thì rất mới, hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Từ mô hình này, nhiều thanh niên trong xóm đã học hỏi, làm theo. Với giá trị như hiện nay, mô hình trồng lan có nhiều tiềm năng”, đồng chí Bùi Văn Nhì, Bí thư Chi bộ xóm Bái Trang 2 cho biết.

Còn đối với ông Nguyễn Xuân Chung, người cha ngày nào còn mất ăn mất ngủ vì hai con trai suốt ngày leo núi kiếm lan rừng thì nay đã nở nụ cười đầy tự hào: "Hai anh em nó làm thôi, chứ tôi không biết kỹ thuật mà làm. Hai vợ chồng tôi trồng bưởi, so với trồng bưởi thì hai anh em nó trồng lan vẫn hơn nhiều. Thấy con đam mê và làm tốt, vợ chồng tôi rất phấn khởi”.

Chia sẻ về hướng phát triển sắp tới, anh Nguyễn Xuân Hợi cho biết: Hai anh em sẽ không tăng nhiều về số lượng giò nữa mà tập trung vào việc nhân giống lan quý của tỉnh Hòa Bình như phi điệp mắt đỏ, mắt phẩy để bảo tồn, cũng như chia sẻ với giới chơi lan. Đồng thời, sưu tầm thêm các giống lan quý, có giá trị cao trong cả nước.

Qusa một buổi sáng trò chuyện với hai chủ vườn 9X, có thể thấy rằng, tình yêu sâu nặng với cây lan rừng và sự nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội đã giúp anh em Hiếu - Hợi tạo dựng được vườn lan khủng, vừa thỏa chí đam mê, vừa có được nguồn thu nhập khiến nhiều người ao ước. Cái tên vườn lan Hiếu - Hợi đã và đang trở thành điểm đến được giới chơi lan trong và ngoài tỉnh lui tới.

                                                                                          

                                                                                         Viết Đào



Các tin khác


Phiên chợ truyền thông – câu chuyện khởi nghiệp dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939) giai đoạn 2017-2025”, ngày 5/10, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức "Phiên chợ truyền thông – Câu chuyện khởi nghiệp dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số” tại huyện Lương Sơn. Tham dự hội chợ có đồng chí Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và trên 400 hội viên, phụ nữ huyện Lương Sơn.

Nữ Trưởng xóm kiên trì đưa cây Sachi về vùng quê nghèo

(HBĐT) - Cùng cán bộ xã Địch Giáo (Tân Lạc), chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây Sachi hiệu quả ở xóm Khạng. Dù đã được đồng chí Bùi Văn Nức, công chức Văn phòng UBND xã Địch Giáo nói trước sẽ xuống gặp cán bộ xóm, thăm mô hình nhưng chúng tôi không ngờ được người phụ nữ trẻ có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, ăn mặc giản dị trước mặt là trưởng xóm Hà Thị Hạnh.

8X khởi nghiệp từ đam mê luyện viết chữ đẹp

(HBĐT) - "Dạy viết chữ vừa là đam mê, vừa là trăn trở mà tôi quyết tâm thực hiện để giúp mọi người trân trọng chữ Quốc ngữ, biết viết chữ đẹp”. Đó là tâm sự của cô giáo Hà Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu và ngoại ngữ quốc tế Green Star, được thành lập cách đây 1 năm tại phường Chăm Mát, TP Hòa Bình.

Mở hướng làm giàu từ trồng thanh long ruột đỏ

(HBĐT) - Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn, ruộng lúa bấp bênh sang trồng thanh long ruột đỏ, anh Bùi Văn Thanh, xóm Đồi Bưng 2, xã Đông Lai (Tân Lạc) đã thu được những kết quả ngoài mong đợi, mở ra hướng làm giàu đầy hứa hẹn.

Hội LHPN tỉnh: Triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”

(HBĐT) - Ngày 26/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Dự hội nghị và lớp tập huấn có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và trên 70 học viên là cán bộ nữ quản lý trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, hộ sản xuất, kinh doanh đến từ các huyện, thành phố.

Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ong thành công nhờ uy tín và năng động

(HBĐT) - Theo giới thiệu của Hội Nông dân huyện Lương Sơn, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của anh Nguyễn Văn Tươi ở xóm Sấu Hạ, xã Thanh Lương. Mới ngoài 30 tuổi, anh Tươi được biết đến là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, vừa cần cù lại giỏi tính toán làm ăn. Anh hiện là tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ong lấy mật xóm Sấu Hạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục