(HBĐT) - Chưa đến 4 năm kể từ khi đặt những bầu giống đầu tiên, vùng dược liệu cà gai leo của huyện Yên Thủy đã tăng lên hàng trăm ha. Cà gai leo được trồng đến đâu, hướng sinh kế của nông dân được mở ra, trở thành "cứu cánh” của người nghèo. Cà gai leo Yên Thủy còn đạt được dấu mốc tự hào: không chỉ vững vàng vị thế trên thị trường nội địa mà đã có mặt tại 3 thị trường ngoài nước gồm Nga, Trung Quốc, Thái Lan. Người có công tạo dựng thương hiệu và đưa dược liệu cà gai leo Yên Thủy vươn xa là anh Bùi Quý Hợi (sinh năm 1983), Giám đốc HTX nông - lâm nghiệp Bảo Hiệu.


Giám đốc Bùi Quý Hợi (bên trái) giới thiệu sản phẩm cao cà gai leo Yên Thủy với khách hàng.

20 lao động có việc làm, hơn 200 hộ dân có sinh kế 

Đó là kết quả sau 3 năm HTX nông - lâm nghiệp Bảo Hiệu thành lập và đi vào hoạt động. Anh Bùi Quý Hợi với vai trò quản lý, điều hành đã đưa mô hình HTX kiểu mới vận hành hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ thành viên và bà con nông dân.

"Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em, có cha là thương binh ở xóm Đầm, xã Bảo Hiệu, anh Hợi là tấm gương nỗ lực vượt khó, lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương” -  đó là những lời ngợi khen của người dân trong vùng mà chúng tôi được nghe khi nhận xét về anh. Năm 2016, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, HTX nông - lâm nghiệp Bảo Hiệu ra mắt. Anh Hợi được các hộ thành viên tín nhiệm bầu giữ cương vị Giám đốc. Lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất, cung ứng các loại giống cây trồng. Vào thời điểm cuối năm 2015, khi Dự án Giảm nghèo đưa cây cà gai leo về Yên Thủy, thực hiện điểm ở xã Đa Phúc, anh Hợi là người đi đầu tìm hiểu và nghĩ đến việc làm giống, nhân giống dược liệu quý này. Bắt đầu từ việc lấy quả của cà gai leo để gieo ươm, đóng bầu, đến nay anh đã tổ chức gieo ươm và cung cấp giống tại chỗ và các địa phương trong, ngoài tỉnh.

Năm 2016, HTX sản xuất được gần 100.000 cây giống cà gai leo. Đến năm 2017 sản xuất hơn 150.000 cây và năm 2018 sản xuất trên 200.000 cây. Không dừng lại ở việc cung ứng giống, cây cà gai leo được các thành viên HTX và nông dân xã Bảo Hiệu trồng và mở rộng sau thành công của mô hình Dự án giảm nghèo ở xã bạn. Với vai trò Giám đốc, anh Hợi xác định mình phải là điểm tựa nòng cốt để các thành viên và hộ tham gia trồng dược liệu yên tâm về "đầu ra” sản phẩm, đứng ra tìm các đầu mối tiêu thụ, liên kết với các doanh nghiệp thu mua. Năm 2016, diện tích trồng cây dược liệu cà gai leo của HTX và bà con xóm Đầm có 10 ha, đến năm 2017 là 20 ha và năm 2018 tiếp tục tăng lên 25 ha. Với năng suất bình quân 12 tấn khô/ha, nguyên liệu cà gai leo được HTX bao tiêu thu mua toàn bộ với giá ổn định 35.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi ha cà gai leo đạt doanh thu trên 400 triệu đồng. 

Khi mới thành lập, HTX có 9 thành viên, trải qua những khó khăn về vốn, kinh nghiệm, việc sản xuất, kinh doanh của HTX đã đi vào quỹ đạo và đạt hiệu quả rõ rệt. Thành viên HTX tăng lên 12 hộ, thu hút 20 lao động, liên kết với 2 tổ hợp tác và 200 hộ tham gia, bảo đảm thu nhập bình quân của mỗi thành viên đạt gần 10 triệu đồng/ tháng, thu nhập kinh tế của hội viên tổ hợp tác và các hộ tham gia liên kết sản xuất đạt 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Xây dựng thương hiệu cà gai leo Yên Thủy

Cà gai leo là cây dược tính cao, có nhiều công dụng như: giải độc gan, hạ men gan, giải rượu, hỗ trợ điều trị viêm gan B, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, hỗ trợ điều trị xơ gan, giảm triệu chứng bệnh gout, hỗ trợ điều trị mẩn ngứa, mụn nhọt do gan nóng, hỗ trợ điều trị tê thấp, đau lưng, nhức mỏi, ho do viêm họng. Cà gai leo do nông dân xã Bảo Hiệu sản xuất bán khô có giá trị thu nhập cao gấp vài ba lần so với trồng ngô, lạc nhưng thị trường không phải lúc nào cũng ổn định, chưa kể những quan ngại về lâu dài, quy mô diện tích ngày càng mở rộng. Trăn trở và tâm huyết, anh Hợi đã tính đến và xây dựng thương hiệu để cà gai leo có hướng phát triển vững bền.

Trước tiên, cà gai leo trồng trên đất Bảo Hiệu phải đảm bảo chất lượng, cụ thể là thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn GACP. Tìm hiểu và tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện, anh Hợi đã triển khai liên kết với các hộ trồng và bao tiêu sản phẩm cà gai leo theo quy trình GACP. Theo đó, thực hiện đánh giá cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện tự nhiên và đối tượng trồng, áp dụng nghiêm ngặt quy trình GACP trong canh tác cà gai leo từ khâu trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh đến thu hái, vận chuyển, xử lý sau thu hoạch, đóng gói, bảo quản dược liệu.

Đi liền với xây dựng vùng nguyên liệu GACP, anh liên kết với Công ty cổ phần dược OPC Bắc Giang có công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn GACP để ký hợp đồng gia công lâu dài, đồng thời tạo ra sản phẩm riêng cho mình lấy tên "Cao cà gai leo Yên Thủy”. Mặt khác, anh liên kết với công ty TNHH MTV Thương Hảo, Công ty cổ phần thương mại dược Sao Mai (TP Hòa Bình) cho ra sản phẩm trà túi lọc cà gai leo. 

Trong 2 năm (2017 - 2018), sự ra đời của sản phẩm cao, tiếp đó là sản phẩm trà túi lọc cà gai leo Yên Thủy sản xuất đạt tiêu chuẩn GACP đã được thị trường đón nhận với những phản hồi tích cực. Bình quân mỗi năm, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ 25.000 - 30.000 sản phẩm cao. Đặc biệt, "Cao cà gai leo Yên Thủy” đã được chứng nhận bản quyền, được người tiêu dùng đánh giá cao và có mặt trên thị trường các nước: Nga, Thái Lan, Trung Quốc. Hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước với trên 200 đại lý, điểm kinh doanh.

Anh Hợi chia sẻ: Để triết xuất thành cao đòi hỏi lượng nguyên liệu đầu vào rất lớn. Hiện tại và trong tương lai, sản phẩm cao cà gai leo có sức tiêu thụ mạnh, thậm chí luôn trong tình trạng thiếu hàng cung ứng. Trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường, năm 2019, anh sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu cà gai leo GACP lên 30 ha theo hướng liên kết với các hộ trong, ngoài xã và các huyện lân cận. Với trọng trách của mình trước các thành viên và hơn 200 hộ tham gia sản xuất, anh Hợi quyết tâm đưa thương hiệu "Cà gai leo Yên Thủy” tiếp cận và vươn tới thị trường mới, đồng thời đảm bảo người dân được cải thiện nguồn sinh kế bền vững.
           

                                                           Bùi Minh


Các tin khác


Chuyện về những ông chủ “rừng” bưởi trên núi Khả

(HBĐT) - "Cả 4 chúng tôi từng phải ôm nhau khóc giữa núi rừng hoang vu, cô tịch. Bởi sức người có hạn nhưng khó khăn thì vô hạn”. Xoa đôi bàn tay dầy nốt chai, sần, hướng ánh mắt về phía vườn bưởi Diễn đang mùa trĩu quả vàng óng, ông Bạch Công Thế ở xóm Khả Trên, xã Bắc Sơn (Kim Bôi) mở đầu câu chuyện về con đường làm giàu ở vùng đất nhìn đâu cũng thấy khó khăn, trắc trở một cách tự nhiên, chân chất như chính những con người nơi đây vậy.

Phụ nữ xóm Hạnh Phúc khởi nghiệp với bánh gai

(HBĐT) - Bánh gai xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) nổi tiếng với hương vị truyền thống, chất lượng tuyệt hảo. Nhằm nâng tầm sản phẩm truyền thống của địa phương, đưa hương vị thơm, ngọt của bánh gai tới khắp vùng miền, đồng thời nâng cao thu nhập, xóa đói - giảm nghèo, tổ hợp tác sản xuất bánh gai xóm Hạnh Phúc đã được thành lập với thành viên là các chị em đam mê làm bánh.

Câu chuyện khởi nghiệp của “nữ tướng” ngành thương mại

(HBĐT) - Bản thân chị - "nữ tướng” Phạm Thị Nhuận (ảnh), Giám đốc Công ty CP thương mại Định Nhuận (tổ 5, đường Lê Thánh Tông, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) cũng thừa nhận đã dấn bước thương trường là phải chấp nhận "lao tâm, khổ tứ”. Bằng bản lĩnh của người phụ nữ kinh qua trường đời tôi luyện, cáng đáng trách nhiệm đảm bảo đời sống của gần 200 lao động, chị đã mang trí tuệ, tâm đức của mình quản lý, điều hành doanh nghiệp phát triển, trở thành doanh nghiệp thương mại, dịch vụ hàng đầu của tỉnh.

Cô giáo đam mê với nghề làm đẹp

(HBĐT) - Chị Bùi Thị Thùy Dung, phường Chăm Mát (thành phố Hòa Bình) chia sẻ: Có niềm đam mê, có kiến thức về nghề, có chiến lược kinh doanh cụ thể, xác định dịch vụ mũi nhọn trong spa, xây dựng thương hiệu uy tín là 5 yếu tố quyết định thành công của Ryby spa.

Thu nhập tiền tỷ từ chăn nuôi gia công cho Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam

(HBĐT) - Được lãnh đạo huyện Lương Sơn giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Đình Lâm ở thôn 3/2 B, xã Thành Lập. Ông Lâm là điển hình trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, ông Lâm đã thành công với mô hình chăn nuôi gia công cho Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam.

Từ Út Hạnh đến doanh nhân Huỳnh Châu Hạnh

Bài 3 - Từng bước đưa Đông trùng hạ thảo Mai châu ra thị trường

(HBĐT) - Trên thị trường hiện nay, Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) nhập khẩu có giá "siêu đắt”, khoảng từ 1 - 2 tỷ đồng/kg sấy khô, còn các thương hiệu ĐTHT được nuôi trồng tại Việt Nam thì chưa có chỗ đứng. Đặc biệt, niềm tin của khách hàng vào sản phẩm chưa cao do người tiêu dùng chưa có đầy đủ thông tin về sản phẩm, do đó ĐTHT vẫn khá xa lạ với số đông người tiêu dùng. Thực tế này đã đặt ra nhiều thử thách cho doanh nhân Huỳnh Châu Hạnh trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục