Người dân xã Phú Thành đầu tư nuôi giống gà Lạc Thủy theo quy mô gia trại cho thu nhập cao, ổn định.
Huyện Lạc Thủy bắt đầu hành trình xây thương hiệu cho sản phẩm gà Lạc Thủy từ một khảo sát của Viện Chăn nuôi vào năm 2011. Qua tìm hiểu, Viện xác nhận tại huyện tồn tại một giống gà địa phương được người nông dân chăn nuôi khá tốt mang lại thu nhập cao. Quan sát bên ngoài, giống gà này ngoại hình gần giống với gà Mía có nguồn gốc tại làng Mía (Sơn Tây - Hà Nội), nhưng có nhiều ưu điểm khác biệt nên tạm đặt tên là gà Lạc Thủy. Sau đó, trong 2 năm (2014 -2015), tiến sỹ Vũ Ngọc Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi và các cộng sự đã bắt tay vào thực hiện Đề tài "Nghiên cứu nhân thuần, chọn lọc và bảo tồn nguồn gen gà Lạc Thủy”. Kết thúc đề tài, các kết quả nghiên cứu chứng minh gà Lạc Thủy là một giống gà bản địa thuộc nhóm gà hướng thịt của Việt Nam, do đó được đưa vào Danh mục nguồn gen vật nuôi các giống bản địa của Việt Nam. Cùng với kết quả của nhiều nghiên cứu khác, đến năm 2018, gà Lạc Thủy chính thức được Bộ NN& PTNT công nhận là giống gà nội tại Thông tư số 01/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16/1/2018.
Thực tế tại huyện Lạc Thủy những năm gần đây, chăn nuôi gà phát triển mạnh, trong đó, lựa chọn chung của nhiều hộ là giống gà bản địa với nhiều ưu điểm nổi bật. Đây là giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình và có nguồn gen đặc hữu, chưa từng tìm thấy ở một nơi nào khác ngoài huyện Lạc Thủy. Giống gà này có mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, dễ nuôi và lớn nhanh nên cho hiệu quả kinh tế cao. Lựa chọn được con giống phù hợp, nhiều hộ chăn nuôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư theo phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại, quy mô vừa hàng nghìn con/gia trại, quy mô lớn trên mười nghìn con/trang trại, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chủ yếu ở các xã: Phú Thành, Đồng Tâm, Phú Lão, An Bình, Cố Nghĩa, Liên Hòa...
Kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển, năm 2016, UBND huyện Lạc Thủy ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Lạc Thủy giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó, trọng tâm của lĩnh vực chăn nuôi là phát triển đàn gà Lạc Thủy. Đặc biệt, vào cuối năm 2017, UBND huyện Lạc Thủy phê duyệt chủ trương xây dựng Dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển NHCN gà Lạc Thủy”, giao Phòng NN&PTNT huyện chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng NHCN "Gà Lạc Thủy” cho sản phẩm gà của huyện. Đến tháng 3/2019, hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ được công nhận. NHCN "Gà Lạc Thủy” chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 315822, tại Quyết định số 19793/QĐ-SHTT ngày 18/3/2019.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Sau khi bảo hộ thành công, NHCN "Gà Lạc Thủy” được giao Phòng NN&PTNT huyện quản lý. Đến nay, giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu đã được cấp cho 30 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh gà Lạc Thủy trên địa bàn huyện. Đây đều là các tổ chức, cơ sở, cá nhân có quá trình chăn nuôi gà Lạc Thủy đạt kết quả tốt, tiêu biểu như HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Đức, cơ sở giống gà Lạc Thủy Tuấn Chuyền… Trong thời gian tới, để khai thác và phát huy giá trị của NHCN "Gà Lạc Thủy”, UBND huyện ban hành quy chế quản lý và sử dụng NHCN "Gà Lạc Thủy” của huyện; hướng dẫn quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN "Gà Lạc Thủy”; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm mang NHCN "Gà Lạc Thủy”… Cùng với đó, nhiều giải pháp về quản lý quy hoạch, chất lượng con giống, quy trình chăn nuôi, quá trình lưu thông sản phẩm trên thị trường… cũng sẽ được triển khai đồng bộ với quyết tâm khai thác tốt NHCN, hướng tới củng cố thêm những giá trị bền vững cho thương hiệu gà Lạc Thủy.
Thu Trang