(HBĐT) - Có đến bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) mới hiểu vì sao bà con nơi đây lại gọi chị Vì Thị Thuận, người phụ nữ dân tộc Thái sinh ra và lớn lên tại bản Lác là "Cô tiên”.


Chị Vì Thị Thuận, bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) hướng dẫn và kiểm tra sản phẩm do chị em trong cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa làm ra.

Năm 1986, tin Mai Châu "nổi” vàng đã kéo nhiều người vào cơn xoáy tìm vàng. Bản làng chẳng còn lách cách tiếng thoi đưa, nghề dệt thổ cẩm cũng dần mai một. Chị Thuận sinh ra trong gia đình nghèo khó, cuộc sống chỉ dựa vào nương rẫy, cái ăn có no đủ phụ thuộc vào thời tiết. Sau khi lập gia đình, chị Vì Thị Thuận quyết định thay đổi cuộc sống bằng việc xuống Hà Nội và các tỉnh khảo sát thị trường tìm cơ hội kinh doanh. Những chuyến khảo sát, chị gặp nhiều người khuyết tật có gia cảnh nghèo khó và đáng thương nhưng luôn mong muốn vươn lên trong cuộc sống. Mong muốn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm cùng suy nghĩ giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, tự nuôi sống bản thân, chị Vì Thị Thuận đã quyết định xây dựng ngôi nhà chung cho những người khuyết tật. Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa được thành lập vào ngày 1/5/2008.

Thấm thoắt 10 năm qua, "Cô tiên” Vì Thị Thuận vẫn miệt mài, tâm huyết, yêu thương chăm lo những chị em có hoàn cảnh đơn thân, khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong 10 năm ấy, đã có hàng trăm hội viên phụ nữ khó khăn, người khuyết tật tìm đến với cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa. Và hàng trăm mảnh đời cơ cực đã tìm được cho mình một nghề, công việc ổn định để tự lo cuộc sống. Hiện nay, cơ sở của chị Thuận có 35 chị em (trong đó, 100% là người dân tộc thiểu số và 11 người khuyết tật) đang làm việc, có thu nhập ổn định từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Chị Vì Thị Thuận nhớ lại: Thời gian đầu vô cùng nản, bởi dạy nghề vốn đã khó, với những người khuyết tật, công việc này còn khó khăn gấp nhiều lần. Bản thân tôi cũng không có kinh nghiệm, chỉ có quyết tâm và lòng nhiệt tình nên nhiều khi loay hoay không biết nên làm cái gì trước, cái gì sau. Rất may là mọi thành viên đều sống với nhau đúng như tên gọi "Thuận Hòa”, vì vậy, trước mọi khó khăn, chúng tôi luôn động viên và cùng nhau vượt qua. Thế rồi, những sản phẩm dệt, thêu đầu tiên gắn với hoa văn của núi rừng Tây Bắc, gắn với truyền thống văn hóa của đồng bào Thái ra đời. Niềm vui vỡ òa khi những sản phẩm được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố, du khách trong và ngoài nước đón nhận, yêu mến.

Sau bao thăng trầm, năm 2016, cơ sở đã có khu xưởng kiên cố, phòng ở riêng dành cho 20 chị em, một shop trưng bày sản phẩm, hai nhà sàn phục vụ du lịch homestay, sân rộng để cắm trại và trưng bày các vật dụng của đồng bào dân tộc Thái... Chị Thuận chia sẻ thêm: Còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi vẫn thực hiện mục tiêu phát triển kinh doanh các sản phẩm thủ công thuần Việt, mang đậm vẻ đẹp, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái”. Bên cạnh đó, chị Thuận cũng chia sẻ thêm kế hoạch về khu vườn trồng nhiều loại hoa của Tây Bắc, một không gian đậm nét văn hóa của người Thái Mai Châu.

Chị Vì Thị Thuận được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dệt thổ cẩm” liên tục từ năm 2010 - 2013 và được Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tuyên dương tại hội nghị tuyên dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi.

Hải Yến


Các tin khác


Người đàn ông nặng tình với hát đối

(HBĐT) - Phía cuối con đường làng quanh co là nhà ông Bùi Văn Ểu, xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Biết đến hát đối từ khi mới 13 tuổi, năm nay ông đã 67 tuổi và luôn cố gắng giữ gìn những giá trị văn hóa lâu đời của hát đối.

Người trưởng khu mẫu mực

(HBĐT) - Hơn 17 năm gắn bó với công việc trưởng khu 7, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), ông Đỗ Văn Quý luôn nhiệt tình, năng nổ với các hoạt động ở KDC; sống hết mình vì bà con lối xóm. ông 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”.

Nữ bác sĩ gắn bó với vùng cao

(HBĐT) - Với tâm niệm thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu”, "Thầy thuốc như mẹ hiền”, hơn 10 năm qua, bác sỹ Bùi Thị Chửng, cán bộ Trạm y tế xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc luôn bám bản, bám làng để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nhà giáo Phạm Hùng - người nặng lòng với công tác khuyến học

(HBĐT) - 70 tuổi đời, 40 tuổi Đảng và hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhà giáo Phạm Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cao Phong (ảnh) là người nặng lòng với công tác khuyến học. Với ông, việc vận động thành công để thêm một người dân trên địa bàn được tiếp cận với sự học là niềm vui khôn xiết.

Tấm lòng của những thầy giáo làm “ngư phủ” cải thiện bữa ăn cho học trò

(HBĐT) - Trường THCS Tân Dân (Mai Châu) được thành lập năm 2007 sau khi xã Tân Dân tách từ huyện Đà Bắc. Nhà trường có 116 học sinh với hơn chục lớp học, khu ở nội trú cho hơn 60 học sinh và hơn chục cán bộ, giáo viên. Đa phần giáo viên tại trường là người ở thị trấn Mai Châu hoặc sinh sống tại một số huyện khác, cuối tuần hoặc cuối tháng mới về thăm nhà. Mỗi lần quay trở lại trường, các thầy, cô đều phải vượt qua cung đường hiểm trở để mang theo con chữ đến dạy các em.

Ông Triệu Sinh Nhân làm kinh tế giỏi

(HBĐT) - Quyết tâm không để gia đình phải sống trong cảnh nghèo khó, làm lụng mãi vẫn không đủ ăn, ông Triệu Sinh Nhân ở bản Tiến Lâm 1 (xã Bắc Phong, Cao Phong) đã tìm tòi, vươn lên phát triển kinh tế, đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo, nuôi dạy các con học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Đến nay, gia đình ông được xếp vào diện kinh tế khá trong bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục