(HBĐT) - Bao đời nay, hạt dổi là đặc sản tự hào của vùng đất Lạc Sơn. Nơi đây gần như nhà nào cũng có cây dổi, hạt dổi được coi là một gia vị ăn quanh năm. Để đưa hạt dổi đến người tiêu dùng tiện lợi, an toàn, chị Bùi Thị Lợi ở xóm Be Trên, xã Chí Đạo đã thử nghiệm, chế biến thành sản phẩm gia vị muối dổi Mường Be.
Chị Bùi Thị Lợi, xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) cùng các chị em trong xã chế biến thành công sản phẩm muối dổi Mường Be.
Chúng tôi có dịp đến nhà chị Lợi, nhà chị ở giữa xóm, quanh nhà toàn vườn dổi. Ngoài những cây to cổ thụ, gia đình chị còn ươm giống bán. Chị cho biết: Những năm trước đây, trong bất kỳ món ăn nào của bà con người Mường như cá nướng, canh măng, thịt nướng, bà con đều dùng gia vị từ hạt dổi. Nói như các chuyên gia ẩm thực của người Mường, món ăn của bà con người Mường không có hạt dổi là nó thiếu đi hồn cốt của ẩm thực của xứ Mường. Hạt dổi khi nướng lên tỏa hương thơm lừng, khiến ai ăn dù một lần cũng khó quên. Hơn chục năm trở lại đây, thứ gia vị thơm nức tiếng này đã được người tiêu dùng khắp mọi miền biết đến. Hầu như hộ dân nào ở đất Chí Đạo cũng trồng dổi. Nhà trồng ít vài cây quanh nhà, nhà trồng nhiều có đến vài trăm cây. Mỗi khi mùa dổi chín, tư thương khắp nơi đổ về Chí Đạo mua hạt dổi. Nhờ đó đời sống của mấy trăm hộ dân xã đã thay đổi nhanh chóng. Trước đây, nhiều nhà ăn còn chẳng đủ. Nhưng từ khi hạt dổi bán được giá, cuộc sống của bà con thay đổi hẳn. Hiện, xóm có 7 hộ sắm được ô tô con nhờ bán hạt và cây dổi giống. Tuy nhiên, việc bán hạt dổi chỉ bằng hình thức đóng túi nilon hoặc hộp thủ công, chưa qua chế biến. Nếu có sản phẩm dổi nơi khác trà trộn thì người tiêu dùng không phân biệt được. Như vậy, hạt dổi Lạc Sơn sẽ mất dần đi thương hiệu của mình.
Xuất phát từ ý tưởng giữ thương hiệu và đưa sản phẩm đã qua chế biến đến người tiêu dùng, chị Bùi Thị Lợi cùng các chị em phụ nữ xã Chí Đạo chế biến sản phẩm gia vị muối dổi Mường Be. Qua nhiều lần thử nghiệm cách chế biến, pha chế đã cho ra sản phẩm như mong đợi. Theo chị Lợi, dùng gia vị dổi rất thơm ngon, nhưng người tiêu dùng ngại mỗi lần đến bữa phải đi nướng, giã, xay. Do vậy, chị đã chế biến từ muối, dổi pha trộn để hợp khẩu vị người tiêu dùng và đóng lọ. Sản phẩm được bảo quản sử dụng thời hạn 2 năm. Hiện, gia đình chị trở thành nơi sản xuất và phân phối muối dổi. Tổ hợp tác thu hút 15 hộ cùng tham gia.
Chị Lợi chia sẻ: Các mế người Mường vốn có kinh nghiệm làm muối hạt dổi, nên tôi cứ theo cách đó mà làm. Tôi chỉ cải tiến là đóng muối dổi vào lọ thủy tinh cho đẹp hơn. Cách làm muối hạt dổi cũng khá cầu kỳ. Hạt dổi phơi khô cho vào nướng trên bếp than hồng. Nướng làm sao để hạt dậy mùi mà không bị cháy cũng là một nghệ thuật. Sau khi hạt dổi đã được làm chín, dậy mùi cho vào máy nghiền nhỏ rồi trộn với muối rang.
Từ khi làm muối hạt dổi đến nay, chị Lợi cũng đã đi quảng bá sản phẩm ở mọi nơi. Hiện, nhiều cơ sở phân phối, siêu thị ở TP Hòa Bình đã đồng ý bán sản phẩm muối dổi do chị em phụ nữ xã Chí Đạo sản xuất. Chị Lợi ấp ủ giấc mơ đưa muối dổi xứ Mường được đặt trên khay của các siêu thị lớn của Hà Nội và Sài Gòn. Tuy thời gian chưa lâu nhưng gia vị muối dổi có chỗ đứng trên thị trường, chị Lợi tin rằng, nếu xúc tiến thương mại tốt, chẳng mấy chốc muối dổi của phụ nữ xã Chí Đạo sẽ được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.
Ông Bùi Văn Bun, Trưởng xóm Be Trên, xã Chí Đạo cho hay: Tin vui đến với bà con trồng dổi là một công ty chuyên làm gia vị của Đức đã đến khảo nghiệm về công dụng của hạt dổi. Họ đã lấy mẫu mang về Đức để xét nghiệm. Nếu hạt dổi xứ Mường thoả mãn các điều kiện, họ sẽ nhập với số lượng lớn. Thuận lợi thì sản phẩm hạt dổi và muối gia vị hạt dổi sẽ đi đến nhiều thị trường lớn.
(HBĐT) - Giữa tháng 6, chúng tôi có dịp tới thăm vườn lan Thanh Huyền tại thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn). Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, nhưng người lao động vẫn miệt mài, hăng say làm việc. Người ân cần tư vấn, giới thiệu cho khách hàng lựa chọn những giò lan ưng ý nhất, người tỉ mỉ tưới, bón phân chăm sóc hoa lan.
(HBĐT) - Có dịp tiếp xúc với Trung tá Hoàng Anh Tuấn, Phó đội trưởng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý I (Công an tỉnh) và vợ là nữ bác sỹ Phạm Thị Thu Thủy, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh, chúng tôi cảm nhận sự gần gũi, thân thiện. Công tác ở lĩnh vực khó khăn, gian khổ, để hoàn thành nhiệm vụ, nhiều lúc, anh chị phải đánh đổi hạnh phúc riêng.
(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020 gắn với quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp. Đây là thời gian xuất hiện nhiều dấu ấn, khẳng định TCC chính là hướng đi đúng giúp ngành nông nghiệp không ngừng nâng cao giá trị gia tăng (GTGT), tiếp tục phát triển bền vững.
(HBĐT) - Người chúng tôi nhắc đến là Thượng tá Phạm Đình Phương, Trưởng Ban Dân vận, Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh). Anh là một trong những cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua "Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2017 - 2020 của LLVT tỉnh.
(HBĐT) - Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI vừa diễn ra tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. 4 đại diện của tỉnh về dự đại hội là những thanh niên tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực nhưng đều có điểm chung là nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cống hiến hết mình cho phong trào Đoàn, Hội và lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, cộng đồng.