(HBĐT) - "Đặc điểm của loài cá trắm đen ăn khỏe, lo nhất là hàng ngày không kiếm đủ ốc làm thức ăn cho chúng!”. Đó là trăn trở của chàng trai trẻ Nguyễn Quốc Huy, trú tại thôn 2, xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy). Người tiên phong phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá trắm đen, bưaớc đầu cho kết quả đáng ghi nhận.


Ấn tượng đầu tiên đối với anh thanh niên 29 tuổi này là dáng người tầm thước, đôi mắt sáng, ánh lên ý chí, quyết tâm vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương. Nguyễn Quốc Huy hiện là Bí thư Đoàn xã Cố Nghĩa. Hàng ngày tuy bận bịu với công việc chuyên môn, các hoạt động của Đoàn xã nhưng anh vẫn dành thời gian chăm sóc ao cá trắm rộng 2 ha của mình.


Thành công từ lứa cá đầu tiên đã đem về cho anh Nguyễn Quốc Huy, thôn 2, xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy) thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Qua trao đổi được biết, từ những năm 2010, anh cùng gia đình bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi cá mè, cá trôi vì chúng không cần chăm sóc nhiều mà sống khỏe, sinh trưởng tốt. Do ít vốn, đầu tư thấp nên hiệu quả không cao, giá chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg lại khó bán, thị trường không ưa chuộng. Chính vì vậy, nhiều đêm anh trăn trở suy nghĩ làm cách nào để khai thác, phát huy hiệu quả từ ao cá của gia đình mình.

Anh có người chú là Nguyễn Văn Tứ, chuyên đi thu mua và bán buôn cá giống ở nhiều tỉnh phía Bắc đã tư vấn nên thay thế giống cá cũ bằng cá trắm đen, trắm cỏ. Qua tìm hiểu nhận thấy, giống cá này đầu tư ban đầu nhiều về giống và vốn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh đã quyết tâm đầu tư hàng trăm triệu đồng để thực hiện mô hình.

Với niềm tin, sự ủng hộ của người thân, giúp đỡ của bạn bè, nhất là sự hỗ trợ đắc lực từ người chú giàu kinh nghiệm, đầu năm 2015, Nguyễn Quốc Huy sửa sang lại khu ao rồi thả hơn 2.000 con trắm đen, trắm cỏ, giống mua ở Ninh Bình, cân nặng trung bình mỗi con từ 1,5 - 3 kg. Sau hơn 20 tháng chăm sóc và áp dụng khoa học, mỗi con đạt từ 10 - 19 kg.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá, Nguyễn Quốc Huy cho biết: Trắm đen và trắm cỏ là loài cá dễ nuôi, nhanh lớn, khả năng chịu rét tốt. Thức ăn cho chúng chủ yếu là ốc và ngô. Do đặc tính cá sống ở tầng đáy nên nguồn nước phải sạch, mực nước sâu từ 1,5 m trở lên để tăng oxy và tạo độ mát cho cá. Tuy nhiên, để cá có tỷ lệ sống cao phải sát sao ngay từ khâu chọn giống. Chọn những con đang trong giai đoạn phát triển tốt, khỏe mạnh, mật độ thả cá chỉ dao động từ 2-4 con/m2. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là phòng bệnh cho cá, vệ sinh ao nuôi thường xuyên bằng cách phơi ải, rắc vôi sau vụ thu hoạch. Nếu không quan sát kỹ, một con bị bệnh sẽ lây lan sang cả ao, có thể mất trắng ao cá.

Khó khăn nhất là khâu tìm thức ăn cho cá, do đặc tính ăn khỏe, nguồn ốc tại chỗ không đủ cung cấp nên anh phải nhờ bà con thu mua ở Ninh Bình. Tổng kinh phí anh đầu tư cho lứa cá đầu tiên từ khi bắt đầu đến khi thu hoạch là 750 triệu đồng. Do chăm sóc tốt nên cá của anh đạt chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, thương lái từ Hà Nội đến tận nhà thu mua. Giá bán dao động theo từng thời điểm, những dịp gần Tết giá lên đến 350.000 đồng/kg cho những con trên 10 kg, con nhỏ từ 120.000 - 170.000 đồng/kg. Tổng doanh thu sau khi nuôi lứa cá đầu tiên lên đến gần 1 tỷ đồng. Hiện nay, anh đã thả lứa cá thứ 2 với 1.500 con trắm đen, 600 con trắm cỏ. Cá giống thả to hơn so với đợt đầu từ 3 kg trở lên, dự kiến cuối năm nay sẽ thu hoạch.

Nguyễn Quốc Huy là tấm gương khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương, là Bí thư Đoàn xã đầy trách nhiệm. Năm 2015, anh được Tỉnh Đoàn tặng bằng khen. Ngoài thành công từ nuôi cá trắm đen, anh hiện đang quản lý một lò sản xuất gạch bê tông bằng máy, được xây dựng từ năm 2011. Mỗi năm từ bán gạch cũng đem lại cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động.

                                                                            Đồng Hương

 


Các tin khác


Ông chủ trẻ với 1.000 gốc táo lê Nhật


(HBĐT) - Táo lê Nhật là giống cây ăn quả có giá trị mà đến nay chưa có nhiều nông dân trong tỉnh trồng. Tại huyện Kim Bôi có 1 người đã tiên phong trồng táo lê Nhật. Anh là Đỗ Đức Bằng, 25 tuổi, Phó Bí thư chi đoàn đội 3 - xã Nam Thượng, gương mặt tiêu biểu trong phong trào tuổi trẻ khởi nghiệp sáng tạo.

Khởi nghiệp từ giống gà bản địa


(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thôn An Sơn 1, xã An Bình (Lạc Thủy), chàng thanh niên Bùi Đông Giang không nuôi mộng đổi đời từ tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn. Anh chọn cho mình lối đi riêng - phát triển kinh tế từ nuôi gà trên mảnh đất quê hương.

Người làm giàu từ cỏ ở Đồng Chum

(HBĐT) - Không phải lúa, không phải ngô hay bất cứ loại cây màu nào khác mà con đường làm giàu của anh Lường Văn Sương ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) lại được bắt đầu từ việc trồng... cỏ.

“Vua ổi" Yên Mông

(HBĐT) - Bà Nguyễn Thị Huệ, xóm Bắc Yên, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) không ngừng nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gây dựng quy mô trang trại tổng hợp rộng 4 ha, trong đó có hơn 1 ha ổi đem lại nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. Bà được người dân gọi là “Vua ổi Yên Mông” và được đề xuất khen thưởng điển hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của TP Hòa Bình năm nay.

Trồng thanh long ruột đỏ hiệu quả trên đất đồi

(HBĐT) - Theo giới thiệu của Hội LHPN huyện Lạc Sơn, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình chị Bùi Thị Niền, xóm Bái, xã ân Nghĩa. Thăm vườn cây đang đến độ thu hoạch và được nghe kể về quá trình đưa cây thanh long về vùng đất đồi khô cằn này chúng tôi mới thấy, để có được kết quả như ngày hôm nay với gia đình chị Niền là cả một quá trình học hỏi, cần mẫn và quyết tâm.

Khởi nghiệp từ trái ớt núi

(HBĐT) - Từ xa xưa đến nay, để tăng dư vị của bữa ăn, trong mâm cơm của người Mường không thể thiếu một lọ dấm ớt. Nhiều người đã nói rằng, dù mâm cỗ có nhiều thịt thà bao nhiêu mà thiếu vài trái ớt dấm thơm lừng thì bữa cơm cũng chẳng thể ngon miệng. Thân thuộc là vậy nhưng ít ai ngờ rằng, những trái ớt nhỏ bé lại mở ra con đường khởi nghiệp lớn đối với một chàng thanh niên người Mường nhạy bén…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục