Bùi Văn Huế kiểm tra gà giống trước khi xuất bán.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, có 6 anh, chị em, hoàn thành chương trình THCS, do cuộc sống quá khó khăn, Huế phải dừng việc học, ở nhà phụ giúp bố mẹ. Dù vậy, kinh tế gia đình vẫn chẳng khá lên là bao khi quanh năm chỉ trông vào 2 vụ lúa. Năm 17 tuổi, được bạn bè giới thiệu, Huế đi làm thuê ở một lò ấp trứng tại Hà Tây (Hà Nội). Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, năm 2008, Huế quyết định trở về quê hương bắt tay vào chăn nuôi gà ri thả vườn. Với số tiền ít ỏi dành dụm được trong 2 năm đi làm thuê và vay mượn bạn bè, Huế vào Thanh Hóa học tập kinh nghiệm ấp trứng, đồng thời thuê ấp trứng giống mang về quê nuôi. Năm đầu chỉ ấp từ 300 - 500 con, sau đó, anh nhận thấy giá thành gà ri thả vườn khá cao, sức đề kháng tốt, phù hợp với môi trường khí hậu tại địa phương, anh tăng số lượng đàn lên 1.000 - 2.000 con/lứa. Bước đầu có lãi, bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu mua giống để chăn nuôi của bà con trong xóm, Huế dùng toàn bộ số tiền tích cóp được vào Đồng Nai mua máy về ấp trứng tại gia đình. Anh nhớ lại: Mặc dù đã học hỏi kinh nghiệm nhưng khi đưa lò ấp vào hoạt động vẫn còn nhiều vấn đề nảy sinh không được xử lý dẫn đến năng suất ấp thấp, không hoàn được nguồn vốn bỏ ra. Tôi quyết định ngừng công việc này, tìm hướng đi khác.
Khi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh Huế đã mua xe đầu ngang trị giá 80 triệu đồng để chở thuê vật liệu. Tuy nhiên được một thời gian ngắn, anh nhận thấy nhu cầu của bà con không cao, giao thông đi lại khó khăn, xe phải sửa chữa nhiều. Anh bán xe với giá chỉ bằng một nửa so với lúc mua. Thất bại nối tiếp thất bại, khó khăn chồng chất khó khăn, để giải quyết nợ nần, có lúc Huế đã nghĩ đến việc tiếp tục đi làm thuê.
Được sự động viên của gia đình và quyết tâm của bản thân cùng những kinh nghiệm từ mỗi lần vấp ngã, anh quyết định quay lại gây dựng kinh tế gia đình với lò ấp trứng. Năm 2010, Huế vay mượn thêm 20 triệu đồng, cộng với tiền bán xe, anh mua máy ấp mới, sửa sang chuồng trại, thực hiện ấp và nuôi tại gia đình, dần dần mở rộng quy mô chăn nuôi. Thấy mô hình của Bùi Văn Huế hiệu quả, nhiều bà con trong xóm, xã tìm đến mua giống. Với ai, anh cũng hướng dẫn cách chữa cúm và phòng bệnh cho gà nên người mua rất tin tưởng, khách tìm đến với anh ngày càng nhiều. Cứ có lãi, anh lại đầu tư máy móc, mở rộng trang trại chăn nuôi. Đến năm 2015, Huế có trong tay 4 máy ấp trứng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, diện tích chăn nuôi chia thành 3 khu, khoảng 2,5 ha, cung cấp cho thị trường 4.000 con gà thịt, 120.000 gà giống mỗi năm.
Bùi Văn Huế cho biết thêm: Nhiều buổi tập huấn kỹ thuật do giảng viên các nơi về giảng dạy tại huyện đều lấy trang trại của tôi làm điểm thăm quan, thực hành, cũng nhờ đó, cơ sở chăn nuôi được nhiều người biết đến, đặc biệt là những nơi tiêu thụ uy tín. Do vậy, thị trường ngày càng được mở rộng, khách hàng của tôi không chỉ ở địa phương mà còn có ở các tỉnh như: Nghệ An, Thanh Hóa… Hiện nay, cơ sở đã đi vào hoạt động ổn định với thu nhập mỗi tháng sau khi trừ chi phí còn 50- 60 triệu đồng. Tổng thu nhập của gia đình đạt từ 600- 700 triệu đồng/năm.
Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, Bùi Văn Huế còn nhiệt tình tham gia công tác Đoàn, Hội. Thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, Huế hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, tư vấn dịch vụ thú y để thanh niên trên địa bàn cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Chị Bùi Thị Thủy, Bí thư Huyện Đoàn Lạc Sơn khẳng định: Bùi Văn Huế chính là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, là minh chứng cho việc số phận kém may mắn, hoàn cảnh éo le không phải là rào cản ngăn cách con người tới với sự thành công. Thành công sẽ đến nếu biết kiên trì và vượt qua khó khăn để khẳng định mình.